Bước chậm của Viglacera tại Thừa Thiên Huế

Nguyễn Cảnh - 15:19, 20/03/2024

TheLEADERDòng chảy khu công nghiệp của Viglacera có khả năng "nghẽn" tại tỉnh Thừa Thiên Huế do liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Khu công nghiệp Phong Điền – Viglacera được cấp chứng nhận đầu tư tháng 10/2014, tổng vốn đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng với diện tích khoảng 290ha. 

Dự án do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện từ năm 2015 đến hết 2020, chia làm 4 giai đoạn.

Sau khi được cho thuê đất, chủ đầu tư đã hoàn thành hai giai đoạn đầu tiên, đã thu hút được hai nhà đầu tư vào thuê đất với tổng diện tích khoảng 37ha. 

Ba năm trước, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra và kiến nghị rà soát, chấm dứt hoạt động một phần đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phong Điền - Viglacera do vi phạm quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014.

Tuy nhiên, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đã “chờ” suốt 3 năm qua nhưng vẫn chưa được thực hiện và chủ đầu tư vẫn tiếp tục triển khai dự án.

Một động thái rất đáng chú ý là mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề xuất không thực hiện theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đối với sai phạm tại KCN Phong Điền – Viglacera.

Lý do của tỉnh là, nếu thực hiện việc chấm dứt hoạt động một phần dự án tại thời điểm hiện nay sẽ không phù hợp với tình hình thực tế và chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.

Cụ thể, UBND tỉnh cho biết, tại thời điểm thanh tra, KCN Phong Điền – Viglacera đang tiến hành triển khai giai đoạn hai nhưng chậm tiến độ hoàn thành 16 tháng vì vướng mắc giải phóng mặt bằng. 

Giai đoạn ba của dự án đang chuẩn bị đền bù giải phóng mặt bằng và vẫn đang trong thời hạn đầu tư, đồng thời giai đoạn bốn chưa đến hạn khởi công theo chứng nhận đầu tư.

Với việc viện dẫn Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020 tương ứng hai thời điểm thanh tra và ban hành kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh cho rằng nhà đầu tư chưa thực hiện thủ tục giãn tiến độ và giai đoạn 3, 4 của dự án được điều chỉnh tiến độ thực hiện tính từ thời điểm nhà nước cho thuê đất.

Thậm chí, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế còn tự nhận trách nhiệm khi khẳng định, dự án chậm tiến độ so với giấy chứng nhận đầu tư là do chậm được bàn giao đất, cho thuê đất. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2022 cùng cơn bão số 7, lũ lụt vào tháng 10/2021 đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Đồng thời, về biện pháp khắc phục hậu quả, chủ đầu tư Tổng công ty Viglacera - CTCP đã nộp số tiền 20 triệu đồng xử phạt vi phạm vào Kho bạc nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, UBND tỉnh này cũng cho biết, chưa xem xét về chủ trương điều chỉnh tiến độ thực hiện do dự án thuộc đối tượng Thanh tra Chính phủ kiến nghị rà soát, xử lý chấm dứt hoạt động một phần. 

Đây là nguyên nhân khiến tỉnh gửi văn bản xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và môi trường về việc chưa thực hiện kết luận của cơ quan thanh tra ban hành từ 3 năm trước, đồng thời điều chỉnh tiến độ dự án.

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo Thanh tra Chính phủ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Viglacera đang sở hữu, phát triển 12 dự án bất động sản KCN với tổng diện tích 4.600ha; 17 dự án khu đô thị, nhà ở xã hội và nhà ở thương mại, khách sạn và khu nghỉ dưỡng.

Chỉ trong tháng 3/2024, đã có 2 dự án KCN quy mô lớn của Viglacera tại Sông Công (Thái Nguyên) và Khánh Hòa được chấp thuận đầu tư. 

Công ty này cũng công bố triển khai KCN xanh - thông minh tại Thuận Thành (Bắc Ninh) giữa tháng 2 vừa qua.