Bước đầu trong xây hệ sinh thái công dân số gặp nhiều 'trở ngại'

Nhật Hạ - 08:26, 11/08/2022

TheLEADERQuá trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang 'vấp' phải không ít khó khăn như dữ liệu chưa đồng bộ, bỏ các giấy tờ bằng giấy như sổ hộ khẩu, hay hoài nghi về độ bảo mật dữ liệu cá nhân...

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là bước đột phá về công nghệ thông tin, mang lại lợi ích rất lớn cho mọi người dân, các cơ quan, đặc biệt là trong tiến trình chuyển đổi số.

Thông tin của các ngành đang được tích hợp lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo căn cước công dân. Theo đó, các loại căn cước công dân có gắn chip điện tử có thể tích hợp được thông tin của hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng…

Từ đó hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm chi phí, tạo nên hệ sinh thái công dân số.

Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện dữ liệu dân cư, Bộ Công an đã vấp phải không ít khó khăn như dữ liệu chưa đồng bộ, bỏ các giấy tờ bằng giấy như sổ hộ khẩu, hay hoài nghi về độ bảo mật dữ liệu cá nhân.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của đại biểu Quốc hội, việc cấp thẻ căn cước công dân nhiều nơi làm việc quá sức dẫn đến sai sót dữ liệu, người dân phải đi sửa lại nhiều lần. Đại biểu đặt vấn đề có chạy theo thành tích trong làm căn cước công dân và dữ liệu chưa được đồng bộ.

Chưa đồng bộ dữ liệu dân cư

Tại phiên chất vấn quốc hội hôm nay, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận vẫn có tình trạng chưa đồng bộ dữ liệu, một số cơ sở dữ liệu không đúng, không đủ, không sạch... chưa được kết nối.

Việc làm sạch dữ liệu cũng tốn không ít thời gian. Như Bộ Tài chính, trước khi kết nối dữ liệu thuế vào hệ thống dữ liệu quốc gia, bộ đã phải làm sạch dữ liệu trong 5 – 6 tháng.

Về số liệu không chính xác liên quan đến căn cước công dân, ông Lâm cho biết số lượng thay đổi thông tin cá nhân không nhiều.

Bộ sẽ tích cực phối hợp, hoàn thiện, cấp đủ giấy tờ cho công dân, trên cơ sở đó, các cơ quan khác căn cứ vào dữ liệu chính xác đó để tiến hành công việc của mình. Đây cũng là việc rất công phu, đòi hỏi công sức và thời gian.

Bên cạnh đó, ông Lâm cho biết hiện việc kết nối các cơ sở dữ liệu còn một số vướng mắc ở hai khâu liên quan đến Bộ Tư pháp theo luật Hộ tịch. Đó là khâu khai sinh và khai tử. Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị nên đồng bộ hai khâu này, để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân.

Theo đó, cháu bé trẻ sinh ra, căn cứ trên giấy chứng sinh, bé được cấp mã số định danh cá nhân, chính là số căn cước công dân được nhận khi đủ tuổi. Từ mã số này, bé sẽ có bảo hiểm y tế khi mã số được kết nối với cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế. Hộ tịch, hộ khẩu, các loại thủ tục sẽ đều được thực hiện đồng bộ, giảm thiểu rất nhiều thời gian và công sức cho người dân.

Bước đầu trong xây hệ sinh thái công dân số gặp nhiều 'trở ngại'
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: Trang tin Quốc hội

Vướng mắc trong bỏ sổ hộ khẩu giấy

Về việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết theo luật đến 31/12/2022, hộ khẩu giấy không còn tác dụng. Bộ sẽ cấp khẩn trương, đầy đủ căn cước công dân gắn chip – là giấy tờ pháp lý để người dân giao dịch, làm thủ tục vì trong đó tích hợp đầy đủ thông tin, các cơ quan không cần phải xác nhận gì thêm. Các thủ tục cần sổ hộ khẩu thì sẽ có biện pháp quản lý mới bằng công nghệ.

Về tâm lý lo lắng của người dân gần đây, ông Lâm cho rằng thực tế có những việc được giải quyết đơn giản đến mức người dân tỏ ra hoài nghi, bởi tâm lý làm thủ tục phức tạp ăn sâu vào tâm lý người dân, phải đến chỗ này chỗ kia xin xác nhận, công chứng. Cơ quan nhà nước lưu giữ giấy tờ cũng bị gánh nặng.

“Từ nay đến cuối năm, các quy định sẽ thay đổi, để cơ quan không bắt buộc người dân phải trình sổ hộ khẩu”, ông Lâm khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho biết theo phản ánh của cử tri, gần đây khi đến cơ quan công an làm thủ tục thì bị thu hộ khẩu giấy.

Trong khi đó, công dân làm thủ tục ở cơ quan nhà nước như nhập học cho con, nộp hồ sơ xin việc vẫn bị yêu cầu mang sổ hộ khẩu giấy gốc đến đối chiếu. Nhưng sổ đã bị thu nên phải dùng giải pháp tạm thời là công dân đến cơ quan công an xin xác nhận, hiệu lực trong 6 tháng.

"Như vậy rõ ràng chúng ta chưa có sự kết nối liên thông với sổ hộ khẩu trong căn cước công dân với các thủ tục của cơ quan nhà nước. Sắp tới đến cuối năm 2022, bỏ hẳn sổ hộ khẩu giấy mà vẫn chưa kết nối liên thông thông tin hộ khẩu như hiện nay sẽ rất rối, gây khó khăn cho công dân, chi phí bỏ ra của người dân trong việc hoàn thiện thủ tục liên quan đến hộ khẩu là có vấn đề", ông Giang phân tích và cho rằng việc này cần có sự vào cuộc của Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: “Bộ Công an chưa có chủ trương thu sổ hộ khẩu”. Sổ hộ khẩu giấy còn giá trị đến ngày 31/12/2022.

"Việc người dân bị thu sổ hộ khẩu, rồi lại đi xin giấy xác nhận đều là phát sinh cá biệt”, hoặc “không hiểu đúng về thông tư 55”, ông Lâm cho biết. Theo quy định, việc thu sổ hộ khẩu chỉ thực hiện khi có sự điều chỉnh thông tin mới, chứ không phải thu đại trà tất cả sổ hộ khẩu. Công an cũng không cấp mới sổ hộ khẩu khi công dân đến điều chỉnh thông tin. Chúng tôi không có chủ trương thu sổ hộ khẩu để làm khó người dân.

Bảo vệ thông tin cá nhân

Về lo ngại bảo vệ thông tin cá nhân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh đây là tài nguyên của quốc gia, phải được bảo đảm và quản lý rất nghiêm ngặt.

Bộ Công an sẽ thực hiện đúng điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn mức độ 4 quốc gia; thực hiện nghiêm việc thu thập dữ liệu, phân cấp, phân quyền từ trung ương đến địa phương.

Bộ cũng thường xuyên giám sát kỹ thuật chuyên biệt 24/24 để phòng chống tấn công, đánh cắp dữ liệu hàng ngày, đối phó với hàng nghìn cuộc tấn công dữ liệu quốc gia về dân cư. "Nguy cơ là rất lớn, nhiều cuộc tấn công từ nước ngoài. Do đó, chỉ thực hiện kết nối khi đảm bảo an toàn", ông Lâm cho hay.

Cụ thể, hiện nay sau khi kiểm tra, mới có 10 bộ ngành và 33 địa phương đảm bảo an toàn kết nối trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình đảm bảo an toàn thông tin cá nhân.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bộ đã ban hành hướng dẫn để các hệ thống thông tin rà soát lại, đánh giá lại vấn đề an toàn thông tin hệ thống của mình để có thể kết nối vào cơ sở dữ liệu dân cư.

“Trong năm nay thì các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước sẽ được kết nối an toàn”, theo ông Hùng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết việc bảo vệ dữ liệu cá nhân Bộ Công an đang tích cực thực hiện. Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân hiện nay "đáng báo động", trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, ý thức người dân bảo vệ thông tin cá nhân chưa cao.

Theo ông Lâm, Bộ đang xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng gặp nhiều khó khăn. Bộ đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết về bảo vệ dữ liệu cá nhân, sắp tới ban hành. Dự kiến năm 2024, Bộ sẽ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trên thế giới, nhiều nước đã có bộ luật tương tự.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết bộ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia môi trường mạng; tích cực điều tra, xử lý trường hợp làm lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân.

"Chúng tôi đang điều tra vụ đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân, được cho là lấy nguồn gốc từ Bộ Giáo dục và đào tạo, một số cơ sở dữ liệu của các ngành khác như y tế… cũng có nguy cơ để lọt thông tin cá nhân", ông Tô Lâm thông tin.