Chính sách nới lỏng tiền tệ chưa đảo chiều

Trần Anh - 15:35, 13/03/2024

TheLEADERTheo đánh giá của Dragon Capital, việc phát hành tín phiếu lần này được nhận định là động thái điều hành cần thiết trong việc hạ nhiệt tỷ giá, không mang ý nghĩa của sự thay đổi chính sách tiền tệ.

Chính sách nới lỏng tiền tệ chưa đảo chiều
Phát hành tín phiếu lần này không mang ý nghĩa đảo chiều chính sách tiền tệ. Ảnh: Hoàng Anh

Trong hai phiên ngày 11/3/2024 và 12/3/2024, Ngân hàng Nhà Nước đã phát hành lại tín phiếu với tổng khối lượng 30.000 tỷ đồng, kỳ hạn 28 ngày và mức lãi suất 1,4%.

Bộ phận nghiên cứu của Công ty quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital đánh giá việc phát hành tín phiếu lần này là động thái điều hành cần thiết trong việc hạ nhiệt tỷ giá, không mang ý nghĩa của sự thay đổi chính sách tiền tệ.

Từ đầu năm đến nay, đồng VND giảm 1,6%, không quá nhiều so với các đồng tiền khác trong khu vực như JPY (-4,3%), THB (-3,3%), KRW (-2,2%) hay TWD (-2,8%). Các yếu tố về dòng tiền như kiều hối, lượng FDI giải ngân và cán cân thương mại thặng dư vẫn đang hỗ trợ cho đồng VND. 

Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, tỷ giá USD trên thị trường chợ đen liên tục biến động, lên mức 25.750 VND/USD, ngoài ra giá vàng miếng cũng lên mức trên 82 triệu đồng/lượng.

Những yếu tố trên khiến nhu cầu mua USD trên thị trường chợ đen tăng vọt và tạo ra mức chênh lệch gần 4% giữa tỷ giá trên thị trường chợ đen và thị trường liên ngân hàng. 

Trước tình hình đó, tỷ giá VND/USD trên thị trường chính thức sẽ dễ tăng giá khi có dòng tiền ra, nhất là khi hoạt động xuất nhập khẩu đang có những tín hiệu hồi phục tích cực (nhu cầu nhập hàng về để xuất khẩu). 

Vì vậy, mục đích phát hành tín phiếu là nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.

Dragon Capital cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam về dài hạn vẫn đang theo chiều hướng nới lỏng, với ưu tiên là giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp để phục hồi kinh tế. Ngay cả sau đợt phát hành tín phiếu hút tiền năm ngoái, lãi suất vẫn tiếp tục giảm và thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn rất dồi dào.

Trên thị trường thế giới, Fed được dự báo đang tiến rất gần đến quyết định cắt giảm lãi suất trong nửa sau năm nay và xu hướng chính sách tiền tệ Nhật Bản thắt chặt trở lại sau nhiều năm có thể làm đồng USD yếu đi. Điều này sẽ gỡ bỏ được áp lực đối với tỷ giá và giúp Việt Nam có dư địa để tiếp tục duy trình chính sách tiền tệ nới lỏng.

Đồng tình với quan điểm của Dragon Capital, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán KBSV tin rằng NHNN có đủ công cụ để vừa duy trì chính sách nới lỏng vừa kiểm soát tỷ giá.

KBSV dự báo tỷ giá năm nay sẽ chỉ tăng 1,5%, đạt 24.600 USD/VND. Tỷ giá sẽ được kiểm soát nhờ cán cân tổng thể dự báo tích cực hơn, trong bối cảnh áp lực từ chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND dù có giảm nhưng vẫn duy trì trong suốt cả năm.

Báo cáo của KBSV đánh giá với triển vọng kinh tế nội địa sáng hơn và thị trường bất động sản phục hồi nhẹ, nhập khẩu theo đó cũng phục hồi. Xuất nhập khẩu dịch vụ giảm bớt thâm hụt do dư địa phục hồi của ngành du lịch, đặc biệt là với nhóm khách du lịch Trung Quốc, dòng vốn FDI, kiều hối tiếp tục ổn định và tăng trưởng .

Việc FED cắt giảm lãi suất trong năm sau, giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND. Dòng vốn FDI và kiều hối tăng trưởng ổn định sẽ thúc đẩy dòng vốn tiếp tục chảy vào Việt Nam và là nguồn cung ngoại tệ ổn định cho năm 2024.