Cho vay tiêu dùng: Phải có cơ sở dữ liệu quản lý khách hàng thật tốt

PV - 17:39, 24/05/2018

Để quản lý cho vay tiêu dùng hiệu quả nhất, ông Nghĩa cho rằng cần phải có cơ sở dữ liệu về khách hàng, xếp hạng khách hàng và trích lập dự phòng rủi ro.

Cho vay tiêu dùng: Phải có cơ sở dữ liệu quản lý khách hàng thật tốt

Với việc biên độ lãi suất cho vay tiêu dùng rất cao, đóng góp lợi nhuận rất lớn, nhiều ngân hàng đã tập trung đẩy mạnh mảng cho vay ở phân khúc này trong giai đoạn gần đây, kể cả những ngân hàng bán buôn. Hàng loạt ngân hàng đang hướng hoạt động vào cho vay tiêu dùng thông qua việc mua lại hoặc thành lập các công ty tài chính.

Do đó, hoạt động cho vay tiêu dùng đang được nhìn nhận là có mức độ rủi ro cao, nhất là khi các khoản vay chủ yếu là tín chấp, trong khi người dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của lịch sử tín dụng của chính bản thân, đặc biệt là khi thị trường cho vay phi chính thức vẫn còn đất sống mạnh mẽ.

Để cả công ty tài chính và người đi vay cùng tạo được lòng tin của nhau, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, hiện ở Việt Nam, hàng loạt ngân hàng đang hướng hoạt động vào cho vay tiêu dùng thông qua việc mua lại hoặc thành lập các công ty tài chính, vậy theo ông cho vay tiêu dùng thì rủi ro như thế nào và cần phải có biện pháp gì để thị trường này hoạt động hiệu quả?

Ông Lê Xuân Nghĩa: Trước hết, cho vay tiêu dùng đòi hỏi phải có một số điều kiện để kiểm soát được như phải có cơ sở dữ liệu về khách hàng thật tốt; phải có nghiên cứu về nhu cầu của khách hàng; phân loại, xếp hạng khách hàng… Tất cả những thông tin này phải được cập nhật thường xuyên khi có sự thay đổi về khách hàng.

Ngoài ra, phải có hệ thống quản lý nợ khoa học bao gồm: đánh giá cảnh báo sớm, thu hồi nợ chặt chẽ, dứt khoát. Có trích lập dự phòng rủi ro để xử lý trong trường hợp cần thiết vì đây là thị trường khá rủi ro.

Đồng thời, trong quản lý cho vay tiêu dùng phải lưu ý 4 vấn đề quan trọng. Một là, quản lý phải phòng ngừa rủi ro về kho quỹ để chống gian lận mà thoả hiệp giữa cán bộ tài chính tiêu dùng với người vay; hai là, giám sát các hợp đồng tín dụng chặt chẽ, tránh tình trạng gian lận ngay khi làm hợp đồng. Ví dụ, người đi vay chưa tốt nghiệp Đại học thì bảo tốt nghiệp Đại học, công việc không ổn định lại khai là ổn định, thu nhập được 5 triệu đồng thì khai là 10 triệu đồng để được vay nhiều hơn...

Trên thực tế đã có nhiều sai sót về quản trị rủi ro, nếu thông tin trong hợp đồng mà sai lệch thì hợp đồng đó vô giá trị. Đấy là điều ngân hàng cần phải hết sức thận trọng để tránh nợ xấu về sau.

Ba là, rủi ro thanh toán, đặc biệt là thanh toán thẻ trả trước. Điều này đã từng là một rủi ro lớn ở Hàn Quốc, khi công ty kiểm soát trả trước kiểu này thì họ lại chuyển sang trả trước kiểu khác.

Bốn là, muốn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn phải ổn định nguồn vốn. Các ngân hàng nên có kế hoạch nguồn vốn (bagetplan), chi tiết từng tháng, từng quý, thậm chí là từng tuần để bảo đảm tính thanh khoản, đảm bảo vốn thu về và nợ cho vay là cân bằng; tránh tình trạng dùng các thủ pháp chuyển tiền từ ngân hàng sang cứu trợ công ty tài chính tiêu dùng khi công ty này mất cân đối.

Hiện nay, các công ty tài chính tiêu dùng chủ yếu huy động vốn bằng trái phiếu, thời gian chỉ trung hạn là 3 năm, lãi suất tương đối cao, nếu mở rộng cho vay tiêu dùng thì phải có kế hoạch dự phòng về nguồn vốn.

Tương tự vậy, khi cho vay ngân hàng cũng cần phải có đề nghị khách hàng xây dựng kế hoạch chi tiêu tiền mặt, nhất là khách hàng lớn để ước lượng được dòng tiền vào, dòng tiền ra.

- Vậy theo ông, làm thế nào để các công ty tài chính tiêu dùng sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng?

Ông Lê Xuân Nghĩa: Tôi lấy ví dụ, ở Thái Lan, thời gian đầu các công ty này cũng hoạt động theo đúng mục đích nhưng khi thấy thị trường bất động sản và chứng khoán lên nên họ đầu tư lớn vào đó và đầu tư dài hạn, trong khi nguồn vốn thực tế chỉ là ngắn hạn và trung hạn. Năm 1997 cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra thì 56 công ty tài chính tiêu dùng của Thái Lan đã bị sập. Mặc dù 56 công ty này nhỏ nhưng lại gây náo loạn đến người dân rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ngân hàng.

Chính vì vậy, mô hình các công ty cho vay tiêu dùng mà các ngân hàng hiện nay đang thành lập cũng tốt, nhưng theo tôi chỉ có thể kiểm soát nó dưới dạng cho vay tiêu dùng, không được để các công ty này đầu tư dài hạn, đầu tư lớn vào những lĩnh vực khác.

Việc các ngân hàng mở ra các công ty tài chính tiêu dùng trước hết là một xu thế tất yếu, khi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào tiêu dùng. Đồng thời cũng là đáp ứng nhu cầu hiện đang tăng nhanh của người dân, ngoài ra tín dụng tiêu dùng còn là công cụ hữu hiệu để giải quyết các nhu cầu của người dân, để dẹp bỏ tín dụng đen, để dần dần chính thức dòng vốn di chuyển trong dân cư chứ không phải với tư cách là nhà đầu cơ.

- Vậy theo ông ai sẽ kiểm soát được việc đó?

Ông Lê Xuân Nghĩa: Trước hết Ngân hàng Trung ương phải kiểm soát việc đó, phải có quy định để buộc các ngân hàng thương mại phải tuân theo. Công ty nào mà Ngân hàng Nhà nước thấy có dấu hiệu đầu tư vào chứng khoán, bất động động sản hay các lĩnh vực khác mà không phải là cho vay tiêu dùng thì phải cảnh báo và xử lý ngay.

- Theo ông, cách quản trị đồng vốn đối với các công ty cho vay tiêu dùng hiện nay như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất mà không phải "truy đuổi" con nợ đến cùng?

Ông Lê Xuân Nghĩa: Theo tôi, cách hiệu quả nhất của nước ngoài là trích lập dự phòng rủi ro và nếu khách hàng không trả được nợ thì sẽ hạ xếp hạng xuống và như vậy họ sẽ rất khó khăn trong việc vay vốn của những công ty hoặc ngân hàng khác.

Bên cạnh đó các ngân hàng phải kết nối dữ liệu với nhau và chia sẻ thông tin của khách hàng với nhau, ít nhất là các thông tin về khách hàng có nợ xấu.

- Vậy ông có khuyến nghị gì đối với người đi vay không?

Ông Lê Xuân Nghĩa: Người đi vay phải giữ uy tín, khai trung thực để ngân hàng cho vay lâu dài, trên cơ sở hai bên hiểu nhau, tin cậy lẫn nhau. Nếu như vì một lý do nào đó người vay chưa trả được nợ đúng hạn thì cũng sẽ được ngân hàng thông cảm và linh động, tái cơ cấu nợ dần dần tạo được lòng tin với ngân hàng. Lòng tin phải trên cơ sở tất cả thông tin đều thật thà trung thực, đấy là điều kiện tiên quyết.

Về lâu dài, nếu người vay làm mất uy tín tín dụng thì sẽ không được vay tiếp ở bất kỳ một ngân hàng nào, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng hình thức này.

Nếu như người vay đã tạo được lòng tin với ngân hàng từ những món vay nhỏ sẽ được ngân hàng cho vay những món lớn hơn.

Bên cạnh đó, người vay cũng có thể yêu cầu ngân hàng tư vấn cho mình để tránh đầu tư sai, sử dụng vốn vay không hiệu quả.

- Hiện một số khách hàng cho rằng lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay khá cao trên thị trường, ông có suy nghĩ gì về điều này?

Ông Lê Xuân Nghĩa: Đây là điều tôi đang trăn trở, lẽ ra tín dụng tiêu dùng phải được hưởng nguồn vốn giá rẻ, nếu xuất phát từ các ngân hàng thương mại bằng chính nguồn vốn của ngân hàng chứ không phải là trái phiếu thì đây là cơ hội nguồn vốn giá rẻ và vay được từ ngân hàng thì độ rủi ro cũng thấp hơn.

Nhưng số lượng người được tiếp cận vay từ ngân hàng rất ít mà chỉ những người như vay mua ôtô, vay sửa nhà. Còn để hạ thấp tiêu chuẩn cho vay xuống nữa thì ngân hàng lại không làm được nên phải đưa về các Công ty tài chính vì họ có khả năng chịu đựng rủi ro cao hơn.

Hơn nữa quản trị cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ cũng rất tốn kém nhân lực, muốn có lãi suất cho vay rẻ hơn thì cần phải sử dụng công nghệ thông tin thì mới giảm bớt được nhân lực. Bên cạnh đó, phải sử dụng phần mềm quản trị khách hàng, trong đó có việc xếp hạng khách hàng; đưa ra các gói sản phẩm để bất kỳ khách hàng nào cũng có thể dùng điện thoại di động để giao dịch được, như vậy mới tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực.

Ngoài ra, mở rộng cho vay tiêu dùng cũng phải có giới hạn trong khả năng quản trị rủi ro của mình để tránh việc nợ xấu tăng lên, chứ không thể tăng lãi suất lên để bù vào những khoản thất thoát, cũng không nên cho vay vô tội vạ, tranh dành khách hàng./.

- Xin cảm ơn ông!