Chuyên gia USAID chỉ rõ những bất cập trong quản lý hải quan ở Việt Nam

Quỳnh Chi - 08:40, 14/06/2018

TheLEADERMặc dù đã đạt được những kết quả rõ rệt trong việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu song vẫn còn nhiều tồn đọng mà ngành phải chú trọng giải quyết nếu muốn nâng cao chất lượng phục vụ.

Chuyên gia USAID chỉ rõ những bất cập trong quản lý hải quan ở Việt Nam
Nhiều thủ tục hải quan vẫn đang làm khó doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG), một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt của các Nghị quyết 19 là vấn đề thủ tục hải quan, cải cách toàn diện các quy định quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm cải thiện chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam.

Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc, môi trường kinh doanh tăng 14 bậc và đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc để đạt được những thứ hạng cao nhất từ trước đến nay.

Riêng chỉ số thương mại qua biên giới TAB, ông Bình cho biết, tuy có tăng 0,91 điểm phần trăm nhưng về thứ hạng lại tụt 1 bậc do nhiều nước khác tăng mạnh hơn. 

Đánh giá về tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho ngành hải quan tại Nghị quyết 19, tại hội thảo Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu: Kết quả và các vấn đề cần tiếp tục giải quyết diễn ra chiều ngày 13/6/2018, các chuyên gia đã chỉ ra một số vấn đề còn tồn đọng cần được khắc phục trong thời gian tới để nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành hải quan.

Cụ thể, về thời gian thông quan hàng hóa, thời gian thực hiện các thủ tục trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật vẫn chưa đạt yêu cầu về thời gian thông qua hàng hóa 70 giờ đối với hàng xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng nhập khẩu được nêu trong Nghị quyết 19.

Theo đánh giá của Hải quan Hà Nội, thời gian hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa (không phải kiểm dịch) trung bình là 48 giờ (tính từ lúc khai hải quan đến khi lấy hàng), nếu có kiểm dịch động vật là 96 giờ và có kiểm dịch thực vật là 50 giờ. 

Đánh giá của một doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục nhập khẩu tại địa bàn TP. HCM còn cho thấy nếu phải kiểm dịch động vật thì thời gian thông quan trung bình sẽ là 108 giờ. 

Đối với nhiệm vụ về vận hành cơ chế hải quan một cửa quốc gia (NSW), kết nối tổng cục hải quan với các bộ, số lượng thủ tục thực hiện qua NSW còn rất nhỏ so với tổng số các thủ tục mà doanh nghiệp đang phải thực hiện.

Bên cạnh đó, đa số các cơ quan, đơn vị đã kết nối, thực hiện thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành qua NSW và 1 cửa ASEAN mới chỉ áp dụng điện tử 1 phần, theo đó, một mặt thực hiện thủ tục điện tử qua NSW mặt khác vẫn yêu cầu phải nộp hồ sơ giấy. 

Trong việc áp dụng phương thức quản lý rủi ro, Hải quan là một trong số rất ít ngành có hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro tương đối quy mô, song vẫn còn một số tồn tại. 

Cụ thể, các quyết định phân luồng, phân loại chưa đảm bảo chính xác, làm cho doanh nghiệp phân vân về tính khách quan của các quyết định; cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro phân tán, dữ liệu lạc hậu, không chính xác; có những lĩnh vực dường như không áp dụng quản lý rủi ro như lĩnh vực tham vấn giá; đồng thời chưa công khai các tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp. 

Trong công tác thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại các địa điểm kiểm tra tập trung ở các cửa khẩu, ngành Hải quan đã rất chủ động và đã đem lại một số thuận lợi cho doanh nghiệp như đăng ký kiểm tra, lấy mẫu, nhận kết quả bản fax tại chỗ trong thời gian đầu. 

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, qua thời gian có thể thấy đây không phải là giải pháp có khả năng cải thiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành; đa số các địa điểm bị mai một dần và chỉ còn trên danh nghĩa.

Do đó, ông Bình đề xuất ngành Hải quan nên có tổng kết và kiến nghị bãi bỏ hoặc chỉ duy trì một vài địa điểm thực sự có hiệu quả.