Công ty thương mại điện tử đi giao hàng Facebook, Zalo

Việt Hưng - 14:05, 09/11/2022

TheLEADERThay vì kinh doanh chủ yếu trên một nền tảng, các nhà bán hàng theo xu hướng đa kênh có thể cùng lúc đăng bán sản phẩm của mình trên Facebook, Zalo, Instagram, TikTok Shop, và nhiều hình thức khác...

Thị trường logistics tại Việt Nam đang chứng kiến những bước tăng trưởng mạnh mẽ song hành cùng với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT).

Theo báo cáo của RedSheer Strategy Consultants, đến năm 2023, tổng sản lượng bưu kiện trên thị trường giao nhận dự kiến đạt khoảng 156 triệu/tháng.

Trong đó, thị phần của các sàn TMĐT chiếm khoảng 45%, các nền tảng mạng xã hội chiếm 25%, và bưu kiện phát sinh trực tiếp từ các thương hiệu, nhà bán hàng chiếm khoảng 30%.

Bên cạnh các sàn TMĐT, các kênh ngoại sàn như website hay Mạng xã hội cũng đóng góp tỉ trọng đáng kể trong tổng sản lượng đơn hàng trực tuyến. Theo đó, kinh doanh đa kênh trở thành xu hướng tất yếu của các nhà bán lẻ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng và tối đa hóa doanh thu.

Thay vì kinh doanh chủ yếu trên một nền tảng, các nhà bán hàng theo xu hướng đa kênh có thể cùng lúc đăng bán sản phẩm của mình trên Facebook, Zalo, Instagram, TikTok Shop, và nhiều hình thức khác...

Công ty thương mại điện tử đi giao hàng Facebook, Zalo
Công ty thương mại điện tử đi giao hàng Facebook, Zalo

Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà bán hàng đa kênh đang gặp phải không ít thách thức trong khâu vận hành, từ việc tiếp nhận, xử lý đơn hàng, và đặc biệt là khâu giao hàng đến tận tay người tiêu dùng trên cả nước.

Trong bối cảnh đó, Lazada Logistics - đơn vị trực thuộc ông lớn TMĐT Lazada đã cho ra mắt giải pháp giao hàng đa kênh. Với dịch vụ mới này của Lazada, nhà bán hàng có thể hoàn toàn yên tâm vì đơn hàng sẽ được giao tới tận tay khách hàng trong thời gian tối ưu, cùng chi phí cạnh tranh.

Hệ thống theo dõi đơn hàng theo thời gian thực cho phép nhà bán hàng nắm rõ hành trình của đơn hàng. Cùng với dịch vụ hỗ trợ giao lại nhiều lần, nhà bán hàng có thể dễ dàng quản lý chiến lược kinh doanh đa kênh, đồng thời đảm bảo trải nghiệm thông suốt cho người mua.

Trước Lazada, nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang cung cấp ra thị trường các dịch vụ tương tự, đơn cử như Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm, Viettel Post,... 

Phía Lazada Việt Nam cho biết, chi phí của dịch vụ mới này khá cạnh tranh, thấp hơn từ 10%-15% ở các tuyến trọng điểm so với các đơn vị giao nhận khác.

Tại Việt Nam, tính đến hết năm tài chính 2021, lỗ lũy kế của Lazada đạt 373,4 triệu USD. Theo PwC, đơn vị kiểm toán các con số từ Recess, khoản lỗ lũy kế của Lazada tính đến ngày 21/3 đã vượt quá giá trị vốn chủ sở hữu (ở mức 7.600 tỷ đồng).

Tuy nhiên, PwC cũng nói thêm với tư cách là chủ sở hữu cuối cùng của Recess, tập đoàn Alibaba đã cam kết hỗ trợ tài chính cho công ty để thanh toán các khoản nợ và tiếp tục hoạt động kinh doanh. Kể từ đầu năm, Alibaba đã đầu tư tổng cộng 1,3 tỷ USD cho Alibaba Đông Nam Á.