Doanh nghiệp ‘kêu khó đủ đường’ dịp cuối năm

Ngọc Anh - 18:20, 15/12/2022

TheLEADERDoanh nghiệp hiện đang thực sự ‘khát vốn’, có khi phải kinh doanh với nguồn vốn lãi suất lên tới 15 – 16%/năm, chi phí đầu vào đều tăng cao và còn đứt gãy, hàng hóa khó tiêu thụ, dòng tiền mất cân đối… Việt cắt giảm chi phí, cắt giảm lao động đang diễn ra, đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội phản ánh.

Doanh nghiệp ‘kêu khó đủ đường’ dịp cuối năm
Từ quý II/2022 trở lại đây rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Ảnh: ILO

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp bước vào cao điểm sản xuất để đảm bảo đơn hàng, đón đầu nhu cầu tiêu dùng cuối năm của người dân, do đó như thường lệ, dịp này nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng cao, đặc biệt ở doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng…

Tuy nhiên, bối cảnh chung năm nay, các doanh nghiệp cho biết đều đang gặp nhiều khó khăn về vốn, lãi suất, thị trường, tình trạng dư thừa lao động…

“Doanh nghiệp hiện đang thực sự khát vốn nhưng hầu như không có nguồn vốn giá rẻ, nhiều doanh nghiệp phải kinh doanh với nguồn vốn lãi suất lên tới 15-16%/năm, thậm chí cao hơn. Trong khi đó, chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, nhân công… đều tăng cao và còn đứt gãy, dẫn đến hàng hóa sản phẩm khó tiêu thụ, dòng tiền mất cân đối… Việc cắt giảm chi phí, cắt giảm lao động đang diễn ra”, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội Nguyễn Phúc Long phản ánh tại Hội nghị Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022 được tổ chức bởi UBND TP. Hà Nội vào ngày 14/12.

Theo ông Long, một số doanh nghiệp trong Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã phải cắt giảm tới 80% lao động.

Các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp cấp bách ngay trong tháng 12 và đầu tháng 1/2023 để đưa nguồn tín dụng mới mà Ngân hàng Nhà nước nới room “đến trúng và đúng đối tượng”; ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và ngành nghề thiết yếu, doanh nghiệp có mối liên kết chuỗi cung ứng rộng, triệt để tránh "nước chảy chỗ trũng", nguồn vốn chảy hết vào các "ông lớn".

Ngoài ra, cần điều tiết hoạt động tín dụng ngân hàng một cách phù hợp, tránh để lãi suất leo cao; hỗ trợ khơi thông dòng vốn cho các dự án bất động sản dang dở để hoàn thành tiến độ, qua đó, giải quyết nhu cầu nhà ở và bức xúc của dân, tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản, thúc đẩy lưu thông cho các ngành nghề kinh kế khác trong giai đoạn cấp bách cuối năm.

Bên cạnh đó, hỗ trợ thúc đẩy tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho các dự án treo, dự án chậm tiến độ, đình trệ về thủ tục pháp lý dự án, trong đó, linh động đẩy nhanh các thủ tục pháp lý cho phép gia hạn dự án, chuyển nhượng các dự án dang dở từ chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính cho chủ đầu tư mới có năng lực, để tái cấu trúc thị trường, làm sống dậy các dự án đang gặp khó khăn triển khai, tạo quỹ nhà mới; thúc đẩy nhanh quá trình phê duyệt thủ tục pháp lý các dự án sử dụng đất trên địa bàn và các dự án thuộc diện đấu thầu, đấu giá.

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI) đề xuất thành phố có giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường mới; đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động; giãn thuế, giảm thuế… Đặc biệt, ông cũng phản ánh tình trạng các thủ tục hành chính còn có chỗ chưa thông, kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp ‘kêu khó đủ đường’ dịp cuối năm
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI). Ảnh: Trang tin UBND TP. Hà Nội

Trong khi đó, đối với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thành phố sau đại dịch Covid-19 như hỗ trợ người lao động, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp… Trong đó, việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho biết.

Hay như góp vay hỗ trợ lãi suất 2%, đa số doanh nghiệp đã "lắc đầu" vì khó tiếp cận do không đủ điều kiện đáp ứng như: không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ,…; quy trình, thủ tục rắc rối, phức tạp từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán… Thậm chí, có doanh nghiệp còn lo ngại về việc bị các cơ quan quản lý kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau khi nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất…, ông Lê Vĩnh Sơn, đại diện hội HAMI cho biết.

Trong ‘cơn bão’ kinh tế toàn cầu hiện nay, với phần lớn mỏng vốn và quản trị yếu, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn, các yếu tố bên ngoài đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ, trong khi đó, các doanh nghiệp này cũng đang khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.

Nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa như quy mô vốn nhỏ, thiếu phương án kinh doanh khả thi, phương án kinh doanh thường xuyên thay đổi, đặc biệt là vấn đề không đủ tài sản bảo đảm cho khoản vay…

“Từ quý II/2022 trở lại đây rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được vốn vay ngân hàng”, ông Sơn cho biết.

Theo ông, vừa qua, chính sách về việc nới room tín dụng là một tín hiệu tốt song vẫn chưa đủ với "cơn khát vốn" của doanh nghiệp. Do tình hình giá cả tăng cao nên sức mua suy giảm, thị trường thu hẹp, hàng hóa tồn kho nhiều, cộng thêm những khó khăn về tài chính ở trên làm cho các doanh nghiệp lao đao và và đứng trên bờ vực phá sản.

Vì vậy, đại diện Hội HAMI đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, các gói cứu trợ nhanh, tăng tốc độ giải ngân, giảm lãi suất vay, nới room tín dụng…. Qua đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu sự đổ vỡ theo dây chuyền của hệ thống các doanh nghiệp, ổn định nền kinh tế Thủ đô, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đạt kế hoạch thu ngân sách 2023 và các mục tiêu đã đề ra…