Doanh nghiệp lao đao vì chi phí kinh doanh

An Chi - 09:07, 04/12/2023

TheLEADERChi phí kinh doanh tại Việt Nam hiện ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng đang khiến các doanh nghiệp khốn đốn và làm giảm sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh đầu tư.

Doanh nghiệp lao đao vì chi phí kinh doanh
Chi phí kinh doanh tại Việt Nam tăng cao. Ảnh: Hoàng Anh

Năm 2023 tiếp tục cho thấy bức tranh khó khăn trăm bề với giới kinh doanh ở Việt Nam khi sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu giảm mạnh, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản tăng cao. 

Thực trạng này có yếu tố khách quan từ những biến động lớn của kinh tế thế giới, nhưng theo TS. Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) có cả những yếu tố nội tại trong nước, nhất là chưa tăng tốc trong việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hay ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ.

Chia sẻ tại "Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023", ông Tuấn cho biết một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam rơi vào bối cảnh rất khó khăn hiện nay là chi phí tăng cao.

Các doanh nghiệp phản ánh chi phí kinh doanh tại Việt Nam hiện nay cao và có xu hướng tăng ở 4 nhóm chính như các chi phí có liên quan đến lao động; chi phí tài chính cho nhà nước ngoài thuế; chi phí vốn; chi phí vận tải, hậu cần kho vận (logistics).

Về chi phí liên quan lao động, chi phí này được chia thành 2 nhóm nằm trong sự thoả thuận giữa hai bên và chi phí không nằm trong thoả thuận giữa hai bên mà buộc phải chi do quy định của pháp luật.

Đối với khoản chi đầu tiên, các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có được chất lượng và số lượng người lao động tốt hơn trên thị trường. Tuy nhiên, các khoản bắt buộc theo quy định của pháp luật Việt Nam tương đối cao, gồm bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn.

Theo quy định hiện tại, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và các khoản quỹ bắt buộc khác với mức 17% mức lương tháng của người lao động. Tỷ lệ đóng này cộng tính thêm phần đóng của người lao động là 25%, cộng thêm các khoản bảo hiểm y tế và các khoản khác đã lên đến 32%. 

Đây là mức đóng BHXH cao nếu so với một số quốc gia trong khu vực như Malaysia cao nhất là 13%, Indonesia từ khoảng 10 - 12%, Philippines là 8% và Thái Lan là 5%...

Mức lương tối thiểu tại Việt Nam cũng có xu hướng tăng mạnh trong nhiều năm trở lại đây. Lương tối thiểu của Bangladesh là 74,8USD/người/tháng, trong khi của Việt Nam là 198,5USD/người/tháng. 

Kinh phí công đoàn 2% quỹ tiền lương cũng là gánh nặng riêng có của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. 

Mức chi phí bắt buộc lao động cao như vậy làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, khiến Việt Nam khó thu hút vốn đầu tư để tạo việc làm cho hàng triệu người đến tuổi lao động mỗi năm.

Thứ hai, theo ông Tuấn, chi phí vốn của doanh nghiệp Việt Nam rất cao. Từ cuối năm 2022 cho đến đầu năm 2023, lãi suất tăng mạnh, dù hiện nay đã có chiều hướng giảm. 

Tuy nhiên, đó là lãi suất ngắn hạn, lãi suất dài hạn và lãi suất trung bình của đồng tiền Việt Nam luôn cao hơn vài phần trăm so với lãi suất của các đồng tiền khác trong khu vực. Điều này xuất phát từ rủi ro kinh doanh tại Việt Nam vẫn cao, an ninh tài chính tiền tệ mặc dù được cải thiện nhưng vẫn kém so với các nước xung quanh, xếp hạng tín nhiệm quốc gia vẫn còn thấp.

Ví dụ, theo Moody, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đã tăng ba bậc từ mức B2 năm 2012 lên mức Ba2 năm 2022, đây là kết quả tốt giúp hạ lãi suất dài hạn của tiền đồng. Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực như thì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam vẫn kém nhiều bậc (Thái Lan - Baa1, Indonesia - Baa2, Philippines - Baa2, Malaysia - A3). 

Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ yêu cầu lãi suất cao hơn hoặc lợi nhuận cao hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Chi phí vốn cao như vậy làm cho các ngành cần nhiều vốn như sản xuất công nghiệp khó có thể đưa ra sản phẩm cạnh tranh được với nhiều nước trên thế giới.

Cản trở lớn nhất để giảm lãi suất dài hạn, nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia chủ yếu hiện nằm ở sự thiếu minh bạch về tài chính của các doanh nghiệp nhà nước và khả năng khó dự đoán của chính sách. 

Các doanh nghiệp nhà nước phải đồng thời làm nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ xã hội, các trách nhiệm giải trình (quan hệ cổ đông, kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm) cũng thường thấp hơn các doanh nghiệp tư nhân có cùng quy mô. 

Do đó, việc nâng cao năng lực quản trị các doanh nghiệp nhà nước, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cần được khẩn trương thực hiện. Ví dụ, yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm.

Thứ ba, ngoài các khoản thuế, các doanh nghiệp Việt Nam tuỳ từng ngành còn phải nộp thêm các khoản tài chính ngoài ngân sách, điều này cũng làm cho doanh nghiệp bị đội chi phí kinh doanh. 

Có tình trạng các bộ, ngành khi được giao chủ trì soạn thảo pháp luật của bộ ngành mình thì cố gắng bổ sung các loại phí, các khoản thu vào quỹ do mình quản lý. Ví dụ như quỹ phòng chống rủi ro thiên tai, quỹ bảo vệ môi trường, quỹ bình ổn giá xăng dầu, quỹ bảo trì đường bộ... chưa kể các khoản vận động, đóng góp từ cơ quan, chính quyền, đoàn thể địa phương.

Thứ tư, theo ông Tuấn, chi phí vận tải và logistics của Việt Nam vẫn cao do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hoàn thiện, mức độ kết nối giao thông chưa tốt. Việc triển khai các dự án giao thông lớn, trọng điểm gặp nhiều vướng mắc và thường xuyên chậm trễ. 

Mặc dù, Chính phủ rất nỗ lực trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia, song tình trạng chi phí vận tải cao vẫn sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa, đặc biệt là ở khu vực miền Nam.

Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân căn bản là cơ chế tài chính dành cho đầu tư hạ tầng của Việt Nam vẫn chậm đổi mới. Đề án lấy cao tốc, nuôi cao tốc chậm được ban hành, triển khai khiến các dự án thiếu vốn. Các cơ chế nhượng quyền khai thác hạ tầng theo Luật Quản lý tài sản công, hợp đồng kinh doanh - quản lý vẫn còn vướng mắc, các dự án giao thông đầu tư theo hình thức đối tác công - tư gặp ách tắc.

Ông Tuấn cho rằng, rào cản về chi phí kinh doanh cao này làm giảm tính cạnh tranh và khả năng tích luỹ vốn của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là khả năng thu hút vốn đầu tư, tạo việc làm của nền kinh tế. 

Lĩnh vực dệt may, Việt Nam đang xếp sau Bangladesh, nguyên nhân là do hàng hoá của Bangladesh rẻ hơn, chi phí nhân công thấp hơn, gồm cả lương tối thiểu và các khoản phải đóng khác.

Các chi phí cao này làm cho Việt Nam có nguy cơ bị mất đơn hàng cho các quốc gia khác. Doanh nghiệp không đầu tư mới, tình trạng các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động tăng lên. Do đó, một bộ phận lớn người lao động mất việc làm và việc này còn khó khăn hơn rất nhiều so với việc bảo đảm đời sống của những người lao động có việc làm.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn thiếu vốn, cần cạnh tranh thu hút vốn nhưng nếu các chi phí lao động quá cao thì dòng vốn sẽ không chảy vào. Trong bối cảnh các chính sách thu hút đầu tư được coi là thế mạnh từ trước đến nay như ưu đãi thuế đang bị chặn lại do chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, việc hút vốn để tạo đủ việc làm cho nền kinh tế vẫn phải là mục tiêu hàng đầu.

Để tiếp tục tăng sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam, vị chuyên này cho rằng, Chính phủ cần tiến hành nhiều giải pháp giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.