Giá cà phê tăng tốc, doanh nghiệp trở tay không kịp

Kiều Mai - 10:53, 29/03/2024

TheLEADERGiá cà phê tăng liên tục trong vài tháng qua đã khiến doanh nghiệp xuất khẩu phải chấp nhận lỗ lớn để có thể giao hàng.

Thời gian qua, giá cà phê biến động lớn đã ảnh hưởng đáng kể tới các doanh nghiệp hoạt động trong ngành, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu khi các đơn hàng thường được ký trước.

Về vấn đề này, TheLEADER đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu.

 Xin ông cho biết giá cà phê giao ngay hiện nay ở ngưỡng bao nhiêu? Mức giá này thay đổi như thế nào so với cùng kỳ năm ngoái và so với thời điểm cuối năm 2023?

Ông Phan Minh Thông: Thời gian gần đây, thị trường nội địa ghi nhận nhiều thời điểm tăng cao, giao dịch lên tới ngưỡng giá 94.300 – 94.800 đ/kg.

Tôi còn nhớ vào tháng 11 năm ngoái, mức giá chỉ giao động ở khoảng 59.000/kg – 60.000/kg thì một tháng sau, con số đã lên mức 62.000 – 69.000/kg.

Tuy vậy, mức tăng này chưa dừng lại khi đầu năm 2024, mức giá được ghi nhận là khoảng 70.000 – 82.000/kg và tiếp tục “phi mã” lên ngưỡng 86.000 – 94.500/kg.

Có thể thấy, chỉ vài tháng thôi, giá cà phê đã tăng tới gấp rưỡi, khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.

Những yếu tố nào đã khiến giá cà phê biến động lớn như vậy, thưa ông?

Ông Phan Minh Thông: Nguyên nhân trước hết đến từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do Covid-19 đến nay vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn.

Trong khi đó, căng thẳng kéo dài thời gian qua giữa Nga và Ukraine cũng gia tăng thêm khó khăn cho ngành cà phê khi nguồn phân bón khan hiếm, giá năng lượng đắt đỏ và đẩy chi phí sản xuất tăng cao.

Không chỉ vậy, lạm phát còn khiến chi phí sản xuất tăng cao trong khi nguồn cung cà phê toàn thế giới đang gặp nhiều vấn đề.

Doanh nghiệp lao đao vì giá cà phê tăng tốc
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group

Sự biến động đáng kể của giá cà phê đã ảnh hưởng tới các bên trên thị trường này thế nào, bao gồm doanh nghiệp xuất khẩu như Phúc Sinh, đại lý thu mua và người trồng?

Ông Phan Minh Thông: Trước hết chúng ta cần hiểu rõ hơn về mối quan hệ trên thị trường cà phê, từ đó sẽ hiểu hơn về các ảnh hưởng của vấn đề giá.

Thông thường, thị trường cà phê có quy luật bất thành văn là trong khoảng ba tháng đầu vụ, các công ty xuất khẩu như Phúc Sinh, các nhà giao dịch sẽ bán trước khoảng một nửa sản lượng thông qua các hợp đồng được thiết lập vào lúc đó.

Tuy nhiên, khi đến vụ mùa và đi gom hàng, các doanh nghiệp đối mặt với tình trạng giá lên quá cao so với dự tính và thậm chí, không có hàng để giao, không thể xoay xở kịp.

Khi giá lên cao, người dân họ muốn gom hàng, không muốn bán cho những thương lái hay các công ty xuất khẩu.

Điều này cho thấy các công ty xuất khẩu Việt Nam, hay ngay cả Phúc Sinh cũng khó có thể quản lý nổi khi giá biến động quá cao như vậy. Chỉ trong một vụ mùa, giá tăng tới gấp đôi, người dân thì lại xù hợp đồng, phá vỡ mọi mối quan hệ kết nối đã có từ rất nhiều năm qua.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu, Phúc Sinh đã gặp những khó khăn cụ thể như thế nào khi thị trường biến động như vậy?

Ông Phan Minh Thông: Một trong những vấn đề đầu tiên là nhu cầu cao nhưng lượng bán lại nhỏ giọt, rất ít. Thậm chí có những thời điểm phải đi đòi hàng ngàn tấn vì đã nhận cọc rồi nhưng không giao được cho khách mua.

Rồi các hợp đồng đã ký thì bắt buộc phải mua giá cao để giao hàng, dẫn đến tình trạng lỗ, khó khăn lại càng khó khăn khi xoay vòng vốn. Mỗi tấn chúng tôi thiệt hại hàng chục triệu đồng mà mỗi hợp đồng cà phê lên tới cả trăm, ngàn tấn. Vậy cũng đủ hiểu số tiền lỗ lớn đến mức nào.

Vậy đó, được mùa, được giá mà các công ty xuất khẩu hay các công ty nước ngoài lại phải trả giá vô cùng lớn.

Doanh nghiệp lao đao vì giá cà phê tăng tốc 1
Giá cà phê tăng nhanh khiến doanh nghiệp không trở tay kịp

Trong quá khứ, Phúc Sinh đã gặp những trường hợp tương tự hay chưa? Kinh nghiệm để ứng phó với những biến động lớn trên thị trường như vậy là gì?

Ông Phan Minh Thông: Tôi nhớ cách đây khoảng 10 năm, hạt tiêu đen Việt Nam rất được giá, cỡ 6.000 - 7.000 USD hoặc chậm chí lên tới 11.000 USD cho mỗi tấn. Người người, nhà nhà trồng tiêu say sưa.

Thế nhưng chỉ sau khoảng hai năm, vào năm 2017, mức giá chỉ còn chưa đầy 1/4, khoảng 2.500 USD/tấn. Hậu quả là các phương án kinh doanh đổ bể cùng nhiều câu chuyện bi thương khác.

Tôi còn nhớ lúc đi thăm vườn, có nhiều người dân găm hàng đợi giá lên nhưng kết quả là giá nguyên liệu lao dốc từ 220.000 đồng/kg xuống chỉ còn chưa đầy 40.000 đồng/kg.

Cú sốc đó đã khiến hàng loạt người trồng bỏ vườn hoặc chuyển đổi sang loại cây khác, kéo theo sản lượng hồ tiêu của Việt Nam sụt giảm đáng kể trong thập kỷ qua.

Với những biến động thị trường như vậy, Phúc Sinh đã có những giải pháp như thế nào?

Ông Phan Minh Thông: Với tình trạng giá cao như hiện nay, một giải pháp đang được Phúc Sinh triển khai là chuyển sang mua cà phê Brazil.

Mặc dù hầu hết người mua ưa chuộng robusta của Việt Nam hơn sản phẩm của Brazil, nhưng với tình hình giá quá cao, lại khó mua, chúng tôi buộc phải chuyển đổi một phần mua sang Brazil.

Ngoài ra, chúng tôi cũng chuyển đổi tỷ lệ, gia tăng tỷ trọng cà phê arabica để bù đắp nhu cầu.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của việc đánh giá rủi ro với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nguy cơ tiềm tàng như lạm phát, rủi ro địa chính trị như hiện nay?

Ông Phan Minh Thông: Tôi cho rằng đánh giá rủi ro ngày càng trở nên quan trọng hơn khi thế giới hiện biến động không ngừng và có những thứ nằm ngoài khả năng dự đoán của doanh nghiệp.

Trước đây, rủi ro có thể chỉ được hoạch định trong ngắn hạn, nhưng hiện yêu cầu doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa hơn và có nhiều phương án dự phòng hơn, tránh tình trạng bị động khi các vấn đề diễn ra.

Trên thực tế, mọi dự đoán đều chỉ là xác suất, doanh nghiệp xuất khẩu, đại lý thu mua nên theo dõi giá cà phê hàng ngày, nắm bắt nguyên nhân vì sao giá cà phê tăng mạnh thì mới có thể lên phương án dự phòng phù hợp.

Tôi cũng cho rằng vấn đề đánh giá rủi ro cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc và có đầu tư xứng đáng, dựa trên những dữ liệu cụ thể thay vì cảm tính. Thà rằng mất thêm chút chi phí cho vấn đề quản lý rủi ro còn hơn khi rủi ro đến, chúng ta mất trắng hàng triệu USD lẫn khách hàng.

Xin cảm ơn ông!