Giải pháp phát triển thị trường vốn lành mạnh

Phương Anh - 06:28, 23/04/2022

TheLEADERBộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong thời gian tới sẽ tăng cường thanh tra, giám sát để đảm bảo sự phát triển của thị trường vốn, xử phạt nghiêm minh những hành vi thao túng, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định.

Giải pháp phát triển thị trường vốn lành mạnh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thị trường tài chính đang ngày càng phát triển theo hướng cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu.

Đồng thời, thị trường trái phiếu bắt đầu trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Việc phát triển thị trường vốn trong những năm gần đây cũng tạo đa dạng sản phẩm tài chính các kênh đầu tư cho các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế.

Hiện nay, thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016 – 2021, đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015.

Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP.

Các tiêu chuẩn và thông lệ về quản trị công ty đang từng bước cải tiến và áp dụng giúp nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết. Thị trường hiện có trên 1.800 công ty đại chúng, 750 công ty niêm yết.

Cùng với đó, quá trình tái cấu trúc tổ chức thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán được đẩy mạnh với số lượng công ty chứng khoán giảm 18% so với năm 2015, hiện trên thị trường còn 82 công ty chứng khoán.

Cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch và bù trừ, thanh toán trên thị trường chứng khoán đã được hiện đại hóa, cho phép rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ, nâng cao thanh khoản thị trường.

Cùng với đó, thời gian qua, khung pháp lý về thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thường xuyên được hoàn thiện từ cấp luật, nghị định, đến các thông tư và quy chế, quy trình để phù hợp với sự phát triển của thị trường và tiếp cận chuẩn mực quốc tế với việc ban hành Luật Chứng khoán thế hệ thứ 2 năm 2019.

Trong giai đoạn 2015 đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 18 Nghị định, 06 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền trên 45 Thông tư.

Những rủi ro tiềm ẩn

Bên cạnh những kết quả tích cực, tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu thời gian gầy đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn.

Cụ thể, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá và ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh tiếp tục phát sinh rủi ro do có các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch riêng lẻ tham gia mua trái phiếu. Một số trường hợp đã có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Cùng với đó, tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố.

Các yếu tố khách quan là từ ảnh hưởng của dịch bệnh, biến động thị trường tài chính trong nước và quốc tế; thị trường vốn, trị trường trái phiếu đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển nên còn nhiều biến động.

Ngoài ra, những tồn tại, hạn chế còn xuất phát từ việc thị trường chứng khoán phát triển quá nhanh, mặc dù công tác thanh tra, giám sát đã được triển khai trong thời gian gần đây song chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Tình hình chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao; một số tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán như tổ chức kiểm toán, kế toán, thẩm định giá... không đáp ứng yêu cầu chất lượng và vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, còn nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật và hiểu biết về thị trường, mua bán theo tin đồn, chạy theo lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Định hướng phát triển an toàn, lành mạnh và hiệu quả

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào một số giải pháp chính.

Thứ nhất, tổ chức điều hành thị trường gắn với hoàn thiện khung khổ pháp lý. Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐCP theo hướng siết chặt một cách hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty chứng khoán tư vấn phát hành; các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành; thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án…

Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán bao gồm phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán và một số nội dung liên quan.

Thứ hai, tích cực triển khai công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường.

Thứ ba, cải thiện chất lượng cầu đầu tư hướng tới cầu đầu tư bền vững.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác giám sát.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát thị trường trong bối cảnh các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, đa dạng, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, giám sát để vừa đảm bảo cho sự phát triển của thị trường, vừa phát hiện, xử lý các hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, như đưa thông tin sai lệch hay dùng nhiều tài khoản giao dịch bất thường...

Theo đó, những hành vi thao túng phải xử phạt nghiêm minh, những doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thì phải được hỗ trợ để phát triển một cách hiệu quả và bền vững.

Bộ Tài chính cũng sẽ tăng nguồn lực thanh tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ nghiệp vụ quản lý và giám sát chặt chẽ, kịp thời.

Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và hoạt động hợp tác quốc tế.