Hiệu quả các đợt giảm lãi suất đang ngày càng hạn chế

Trần Anh - 17:32, 01/10/2020

TheLEADERBVSC đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ nới lỏng có tác động tương đối hạn chế tới tổng cầu. Thay vào đó, chính sách tài khóa nên đóng vai trò chính trong việc kích thích nền kinh tế.

Hiệu quả các đợt giảm lãi suất đang ngày càng hạn chế
Hiệu quả các đợt giảm lãi suất của NHNN đang ngày càng hạn chế

Chiều ngày 30/9, NHNN cho biết sẽ giảm một loạt lãi suất điều hành từ ngày 1/10. Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5 %/năm.

Giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kì hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kì hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Trong khi đó, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kì hạn và có kì hạn dưới 1 tháng được giữ nguyên ở mức 0,2%/năm và lãi suất tiền gửi có kì hạn từ 6 tháng trở lên sẽ do các tổ chức tín dụng tự ấn định.

Sau động thái của NHNN, nhiều ngân hàng trong ngày 1/10 cũng đã tiến hành giảm lãi suất huy động.

Động thái này khá phù hợp với diễn biến thực tế khi trong 9 tháng đầu năm, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,7% trong khi cho vay chỉ tăng 5,12%. Chênh lệch lớn giữa tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng là tín hiệu dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng trước nhu cầu vay vốn suy giảm do dịch Covid-19.

Mặc dù vậy, theo các công ty phân tích, đợt giảm lãi suất này của hệ thống tài chính sẽ không còn mang lại nhiều hiệu quả như những lần trước.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ ba NHNN có quyết định giảm lãi suất điều hành với biên độ mỗi lần giảm đều khá lớn (0,5%). Tuy vậy, tác động thực tế tới nền kinh tế của các lần cắt giảm lãi suất điều hành càng về sau càng hạn chế.

BVSC cho rằng thanh khoản hệ thống ngân hàng kể từ tháng 5 đến nay luôn ở trạng thái tích cực, khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp kỉ lục nên các ngân hàng không có nhiều nhu cầu vay vốn qua kênh OMO hay tái chiết khẩu từ NHNN. Điều này đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay qua các kênh vay mượn trên sẽ không có quá nhiều tác dụng trong việc giảm thêm lãi suất.

Trong khi đó, đối với trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, lãi suất huy động thực tế của các ngân hàng thương mại trên thị trường tại các kì hạn này hiện cũng đều dưới 4%/năm, tức dưới mức trần mới mà NHNN ban hành. Việc lãi suất huy động kì hạn ngắn tại các NHTM giảm chủ yếu do thanh khoản dư thừa khi tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp (đến 22/9 mới tăng 5,12%).

Tựu chung lại, quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm của NHNN không có quá nhiều tác động đối với mặt bằng lãi suất hiện nay trên thị trường. Động thái này phần nhiều phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của NHNN nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quí cuối năm.

BVSC đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ nới lỏng có tác động tương đối hạn chế tới tổng cầu. Thay vào đó, chính sách tài khóa nên đóng vai trò chính trong việc kích thích nền kinh tế.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng cho rằng, động thái cắt giảm lãi suất điều hành là một trong số các biện pháp của NHNN nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nhu cầu tín dụng ở mức thấp, đợt cắt giảm lãi suất này có thể sẽ không có tác động nhiều.