Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số hiệu quả

Phạm Sơn - 10:21, 10/03/2021

TheLEADERBộ Thông tin và truyền thông triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng được công nghệ số, tận dụng thời cơ vươn mình phát triển trong kỷ nguyên số.

Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số hiệu quả
Chuyển đổi số hiệu quả sẽ đóng góp 30 tỷ USD vào nền kinh tế Việt Nam năm 2024.

Trong suốt những năm qua, chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng công nghệ trong sản xuất và kinh doanh đã trở thành chìa khóa cho sự thành công của nhiều doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm, dịch vụ mới đã ra đời, thay đổi hoàn toàn phương thức vận hành cũng như trải nghiệm của khách hàng.

Ông Trần Kiên Dũng, Phó giám đốc công ty ProfM Vietnam nhận xét, thế giới đang bước vào giai đoạn kỷ nguyên số, cơ hội cho những doanh nghiệp vươn lên dẫn đầu nếu biết cách nắm bắt, kể cả những doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường.

Ngược lại, những doanh nghiệp thiếu nhanh nhạy, chậm nắm bắt, chậm thay đổi sẽ nhanh chóng bị đào thải khỏi thị trường.

Đồng quan điểm với ông Dũng, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và truyển thông nhận xét, thời kỳ cách mạng công nghệ đang đi tới giai đoạn mới là giai đoạn “thông minh hóa”, sau khi cuộc cách mạng “tin học hóa” kết thúc.

Theo dự đoán của các chuyên gia, cuộc cách mạng “thông minh hóa” sẽ diễn ra trong khoảng 20 năm, kể từ năm 2020. Tuy nhiên, Covid-19 đã tạo ra những tác động mạnh mẽ, đẩy nhanh tiến trình này.

Trong mỗi cuộc cách mạng, các quốc gia nếu có thể tận dụng hiệu quả sẽ tạo ra trợ lực mạnh mẽ cho sự phát triển, trở thành cường quốc kinh tế. Theo tính toán, quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, thuận lợi sẽ đóng góp hơn 30 tỷ USD vào nền kinh tế Việt Nam năm 2024.

Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ vừa qua đã ban hành quyết định 749 QĐ-TTg về việc Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng trên cả 3 trụ cột, bao gồm kinh tế số, chính phủ số và xã hội số.

Theo ông Đường, tư tưởng chuyển đổi số của Việt Nam không chỉ nằm ở vận dụng, ứng dụng khoa học công nghệ mà còn cần phải ứng dụng nhanh, toàn diện, lấy đó làm nền tảng tạo ra giá trị gia tăng. Doanh nghiệp và người dân cũng được xác định là trung tâm của công cuộc chuyển đổi số này.

Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số

Đại dịch Covid-19 gây ra những tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế, đẩy cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào tình trạng điêu đứng do thiếu kinh nghiệm, yếu kém về tài chính và nguồn lực.

Điều này vô cùng nguy hiểm cho nền kinh tế, khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, tạo công ăn việc làm cho 70% lao động và đóng góp 50% vào GDP Việt Nam.

Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số hiệu quả
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và truyền thông.

Chuyển đổi số là giải pháp hàng đầu được khuyến nghị để giải quyết những áp lực Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều cản trở, khó khăn trong việc ứng dụng chuyển đổi số.

Bình luận về điều này, Cục phó Cục Tin học hóa cho biết, nếu có tư duy, đường lối cũng như cách thức đúng đắn, chuyển đổi số không phải là điều quá khó đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thực tế, Bộ Thông tin và truyền thông vừa qua đã tiến hành chuyển đổi số cho một số xã vùng sâu, vùng xa, với tỷ lệ người dân không biết chữ còn tương đối cao, thuộc diện nhiều người cho là “bất khả thi” trong việc chuyển đổi số.

Với sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ cán bộ, chỉ sau khoảng thời gian 3 – 4 tháng, các hợp tác xã tham gia thí điểm đều đạt được kết quả tích cực. Những sản phẩm sản xuất thủ công, chỉ bán được trong phạm vi làng, xã giờ đây đã được đóng gói, gắn nhãn mác, chào bán trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Thu nhập của người dân cũng tăng khoảng gấp 3 lần nhờ vào ứng dụng chuyển đổi số.

“Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ mà còn là vấn đề về nhận thức, thói quen và quy trình”, ông Đường nhận định.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua tác động của Covid-19, tận dụng thời cơ của thời đại mới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông đã triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đôi số.

Cụ thể, Bộ Thông tin và truyền thông đã tiến hành phân loại, tổng hợp, đánh giá những công cụ hỗ trợ chuyển đổi số Make in Vietnam xuất sắc, từ đó chọn lọc ra những nền tảng hiệu quả, dễ sử dụng giới thiệu cho doanh nghiệp.

Khi sử dụng những nền tảng đó, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển giao quy trình, để có thể vừa ứng dụng công nghệ, vừa ứng dụng quy trình, vừa thay đổi cấu trúc, qua đó nâng cao hiệu quả chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp tham gia vào chương trình cũng sẽ được liên kết với nhau, tạo thành một hệ sinh thái nhằm giao lưu, hỗ trợ lẫn nhau, cùng với việc nhận được nhiều ưu đãi từ phía Nhà nước.

Các nền tảng chuyển đổi số trong chương trình hoạt động bằng công nghệ hàng đầu như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây…, được triển khai theo hình thức thuê phần mềm, giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ không mất quá nhiều chi phí.

Mục tiêu của Bộ Thông tin và truyền thông đặt ra là trong năm 2021 sẽ có 50.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với chương trình, trong đó có ít nhất 30.000 doanh nghiệp được trải nghiệm và ứng dụng các nền tảng số vào quá trình sản xuất, kinh doanh.

Thông tin chi tiết của chương trình được đăng tải tại trang web: https://smedx.vn/