Hơn 65 ngày kiệt quệ của các doanh nghiệp bán lẻ TP. HCM

Việt Hưng - 14:07, 15/09/2021

TheLEADERĐại dịch Covid-19 đã đẩy các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ tới nguy cơ bị phá sản rất cao.

Trải qua đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch Covid-19, nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục chịu tác động tiêu cực. Trong đó, ngành bán lẻ nói chung, các chuỗi F&B nói riêng liên tục "kêu cứu" do phải đóng cửa kéo dài và chưa biết đến khi nào được mở cửa trở lại.

Nhóm các doanh nghiệp bán lẻ, chuỗi ăn uống Việt Nam vừa qua đã gửi Kiến nghị thư tới lãnh đạo TP. HCM với mong muốn nhận được Chỉ thị liên quan đến giải pháp hỗ trợ cho ngành bán lẻ và dịch vụ trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Nhóm ngành bán lẻ và dịch vụ được đại diện các doanh nghiệp định nghĩa gồm: bán lẻ, thực phẩm, dịch vụ ăn uống,mô hình chuỗi cửa hàng và nhà hàng. Đến nay, kiến nghị thư đã nhận được hơn 6.300 chữ ký trên mục tiêu tổng số 7.500 chữ ký đề ra.

Đại diện nhóm các doanh nghiệp bán lẻ cho biết, từ khi TP. HCM thực hiện giãn cách xã hội từ đầu tháng 05/2021 theo Chỉ thị 15 và tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về kể từ 0h ngày 09/07/2021 theo Chỉ thị 16, thì toàn bộ ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống đã tạm dừng hoạt động kinh doanh đến nay là hơn 65 ngày.

Do thời gian đóng cửa kéo dài và chưa biết đến khi nào được mở cửa trở lại, đa số người lao động trong ngành đang phải tạm hoãn hợp đồng lao động, việc thu nhập đột ngột bị sụt giảm nghiêm trọng này có thể dẫn đến các bất ổn về an sinh xã hội.

Có một thực tế là dù đang trong thời gian đóng cửa dừng kinh doanh, các doanh nghiệp Bán lẻ và Dịch vụ vẫn phải gánh chịu các chi phí như tiền thuê mặt bằng, chi phí hỗ trợ và phúc lợi cho người lao động.

Hơn 65 ngày kiệt quệ của các doanh nghiệp bán lẻ TP. HCM
Hơn 65 ngày kiệt quệ của các doanh nghiệp bán lẻ TP. HCM

Ngày 07/09/2021, UBND TP. HCM đã ban hành công văn 2994/UBND-DT cho phép hoạt động ăn uống được mở cửa trở lại, là bước đầu tiên để dần mở cửa lại hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, khi chính sách được triển khai vào thực tế đã bộc lộ một số khó khăn.

Phía đại diện nhóm doanh nghiệp nêu, mô hình "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, ngủ/nghỉ tại chỗ) dù đảm bảo tính an toàn trước dịch bệnh, nhưng thiết kế của một nhà hàng không có khu vực tắm rửa và nghỉ ngơi, do đó không đảm bảo các điều kiện thiết yếu nhất để người lao động có thể ở lại.

Thời gian bán hàng là từ 6h00 đến 18h00 là quá ngắn, không đủ để thực hiện các đơn hàng phục vụ cho khách hàng. Người lao động phải được xét nghiệm nhanh Covid-19 hai ngày/lần, với mức phí doanh nghiệp tự chi trả sẽ tăng chi phí hoạt động.

Doanh nghiệp không được phép tự giao hàng/sản phẩm, trong khi đó tài xế giao hàng công nghệ quá ít, vừa gây khó khăn cho trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người người tiêu dùng và cũng vừa ảnh hưởng đến khoản doanh thu của nhà hàng.​

Hiện tại, do phải tạm dừng hoạt động quá lâu, người lao động không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ đang rơi vào tình thế không thể thanh toán tiền mặt như điều kiện kinh doanh bình thường.

"Nếu không có phương án cho dòng tiền, các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ đứng trước nguy cơ bị phá sản rất cao. Điều này khiến cho không chỉ hàng triệu lao động mất việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập của hàng triệu gia đình mà còn ảnh hưởng tới hàng nghìn các doanh nghiệp là nhà cung cấp, đối tác", đại diện nhóm doanh nghiệp nêu.

Do đó, nhóm các doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM đồng kiến nghị tới lãnh đạo thành phố 4 nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ nhằm tạo động lực để các doanh nghiệp nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Về chính sách liên quan đến người lao động, đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động đang hoạt động trong lĩnh vực này. Đối với người lao động đã được tiêm ít nhất 1 mũi có thể trở lại làm việc tại văn phòng và tại cơ sở kinh doanh ăn uống, bán lẻ. Xác thực việc tiêm vaccine trên ứng dụng điện thoại để kiểm tra khi cần.

Cho phép nhân sự giao hàng riêng của doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ được đi giao hàng thay cho việc giới hạn việc giao hàng duy nhất do tài xế công nghệ thực hiện.

Đồng thời không bắt buộc thực hiện "3 tại chỗ" với các nhà hàng đảm bảo tuân thủ 3 điều kiện: tất cả nhân viên phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19; xét nghiệp định kỳ theo quy định của Nhà Nước; nghiêm túc thực hiện 5K.

Cho tạm ngừng nghĩa vụ đóng BHXH ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch. Không áp dụng phạt đối với các doanh nghiệp không có khả năng đóng BHXH trong thời kỳ đại dịch. Đồng thời, miễn giảm 100% nghĩa vụ phải nộp BHXH của Doanh nghiệp và Người lao động trong thơi gian đại dịch phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội.

Hơn 65 ngày kiệt quệ của các doanh nghiệp bán lẻ TP. HCM 1
Hơn 65 ngày kiệt quệ của các doanh nghiệp bán lẻ TP. HCM

Về chính sách liên quan đến nguồn cung hàng hóa, cho phép đơn vị cung ứng hàng hóa được đi giao hàng liên tỉnh, liên quận. Tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất có đủ nguồn cung nguyên vật liệu (kể cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ như bao bì, tem nhãn...).

Về chính sách liên quan đến khách hàng, người tiêu dùng, thúc đẩy truyền thông tích cực, gia tăng niềm tin về việc thích nghi, vượt qua nỗi lo lắng dịch bệnh; hạn chế truyền thông tiêu cực gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân.

Cho phép người dân đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine có thể đi làm và sử dụng dịch vụ ăn uống với điều kiện có kiểm tra chứng nhận đã chích ngừa vaccine tại cửa ra vào. Được phép sử dụng bữa tại nhà hàng khi đảm bảo việc tuân thủ 5K nghiêm ngặt.

Về chính sách liên quan đến thuế và chi phí, miễn thuế VAT trong năm 2021.Giảm 50% thuế VAT trong hai năm kế tiếp 2022-2023. Giảm 50% thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 vàgiảm 30% Thuế TNDN 03 năm kế tiếp.

Được ghi nhận là chi phí hợp lý, hợp lệ đối với tất cả các chi phí phát sinh cho mục đích thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 mà Doanh nghiệp phải chịu: xét nghiệm, chi phí chống dịch và chi phí để thực hiện "3 tại chỗ"...

Về chính sách tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn phục hồi sản xuất kinh doanh với lãi suất tối đa 4%/năm tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009 trong vòng hai năm kể từ 01/10/2021. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với dư nợ của khoản nợ. Giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ.

Hơn 65 ngày kiệt quệ của các doanh nghiệp bán lẻ TP. HCM 2
Doanh nghiệp bán lẻ tại TP. HCM nhiều lần kêu cứu do bị tác động bởi Covid-19

Trước đó, vào tháng 4 năm ngoái, tập thể các doanh nghiệp bán lẻ, thực phẩm, F&B, mô hình chuỗi cửa hàng và nhà hàng từng có thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ về việc hỗ trợ cho ngành bán lẻ và dịch vụ trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo chia sẻ từ đại diện các chuỗi, ngay từ khi xảy ra dịch Covid-19, doanh thu từ hoạt động kinh doanh của các thương hiệu như Golden Gate, The Coffee House, Aka House, Dairy Queen, Otoke Chicken, Guardian, Coffee Club, nhà hàng Hoàng Yến, 30Shine, Thế Giới Di Động, Kids Plaza... suy giảm rõ rệt.

Những doanh nghiệp này dù đã chủ động đàm phán với các đối tác cho thuê mặt bằng về việc các biện pháp hỗ trợ như điều chỉnh giá thuê mặt bằng, giãn tiến độ thanh toán nhưng chỉ có một số ít đối tác thấu hiểu và hợp tác hỗ trợ.

Còn lại phần lớn các đối tác không xác định dịch Covid-19 là sự kiện "bất khả kháng" và yêu cầu doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền thuế, phí dịch vụ đầy đủ cho thời gian tạm dừng kinh doanh do dịch.

Nhóm doanh nghiệp này kiến nghị Chính phủ hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về tài chính như giảm 50% giá các dịch vụ tiện ích như điện, nước cho các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ đến hết năm 2020.

Đề xuất miễn 50% thuế giá trị gia tăng thu được và hoãn việc nộp thuế giá trị gia tăng phải nộp (50%) đến hết năm. Đồng thời hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong năm 2020 đến hết năm...