Kinh tế Việt Nam vượt bão ấn tượng

Thu Phương - 15:19, 12/02/2021

TheLEADER“Cơn bão Covid-19” như một cú sốc lớn làm kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu 2020 suy thoái nghiêm trọng. Nhưng trong bối cảnh đó, Việt Nam không chỉ ngăn chặn dịch thành công mà còn nỗ lực phát triển kinh tế với GDP 2020 tăng 2,91%, thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

Kinh tế Việt Nam vượt bão ấn tượng
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2020 tăng 3,4%.

Nhìn lại một năm đầy biến động

Năm 2020 đi qua đánh dấu nhiều bất ổn chưa từng có với kinh tế thế giới và Việt Nam. Đại dịch Covid-19 chính thức xuất hiện tại thành phố Vũ Hán – Trung Quốc vào những ngày cuối cùng của năm 2019 nhưng sau đó đã rất nhanh chóng lan rộng khắp toàn cầu, khiến hoạt động kinh tế - xã hội trên toàn thế giới bị gián đoạn, ngừng trệ, hàng loạt chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nền kinh tế Việt Nam cũng đã có những tháng rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Ngành du lịch và hàng không chịu tác động ngay lập tức và nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh.

Có thể nói, chưa năm nào kinh tế Việt Nam có nhiều tiên liệu xấu như năm 2020. Ngay từ thời điểm đầu năm, sau khi dịch Covid-19 bùng phát trong nước, nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng, diễn biến kinh tế 2020 sẽ rất khó đoán định, khả năng tăng trưởng không đạt kỳ vọng, thậm chí tăng trưởng âm.

Các số liệu thực tế của quý đầu năm đã cho thấy nền kinh tế bắt đầu đà “tuột dốc”. Theo đó, tăng trưởng GDP quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, sụt gần một nửa so với cùng kỳ năm 2019, mức thấp nhất của quý I trong hơn 10 năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn 0,5%, mức tăng thấp kỷ lục, trong khi nhập khẩu âm gần 2%.

Sang quý II, GDP còn sụt giảm nặng nề hơn khi mức tăng trưởng chỉ còn 0,36%, mức thấp nhất trong 30 năm qua. Tính chung cả 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,81% - mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Hàng loạt các chỉ số về tiêu dùng, xuất khẩu đều giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kéo theo đó là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng mạnh.

Biến khó khăn thành cơ hội nhờ kiên định mục tiêu kép

Trong bối cảnh đầy thách thức của toàn nền kinh tế, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã dốc toàn tâm, toàn lực để giữ ổn định kinh tế - xã hội, kiên định thực hiện “mục tiêu kép” đã được Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt cả năm là vừa phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

Trong năm 2020, Việt Nam trải qua 2 làn sóng dịch Covid-19. Ngay khi dịch mới bùng phát trên thế giới, Chính phủ đã có cảnh báo sớm. Trên cơ sở kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch SARS năm 2003, đại dịch cúm A (H1N1) năm 2009, Chính phủ đã triển khai các biện pháp hết sức quyết liệt ngay từ đầu nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Nhiều biện pháp quyết liệt lần đầu tiên đã được Chính phủ áp dụng như khuyến cáo đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, hạn chế nhập cảnh, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài về, truy vết người tiếp xúc trên diện rộng, sử dụng công nghệ giúp cảnh báo sớm, triển khai cao hơn một bước so với thực tế cần thiết đáp ứng với dịch bệnh… Bên cạnh đó, công tác chống dịch đã có được sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan của Bộ Y tế; giữa Bộ Y tế với các bộ ngành liên quan và với các địa phương, nhờ đó đã huy động được sức mạnh tổng lực với sự tham gia, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân.

Thành công trong công tác chống dịch tại các ổ dịch lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng và nhiều vùng khác trong cả nước suốt 3 đợt bùng phát dịch thời gian vừa qua đã cho thấy sự quyết liệt trong chỉ đạo, sự điều hành hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đoàn kết, tương trợ giữa các đơn vị trong ngành y tế, giữa các địa phương. Kết quả là trong cả hai đợt dịch ở Việt Nam, chỉ có hơn 30 người tử vong, chủ yếu là các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng và người cao tuổi sức khỏe yếu. Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một điểm sáng đặc biệt trên thế giới về phòng chống đại dịch Covid-19.

Bên cạnh những nỗ lực và đạt kết quả tích cực trong công tác chống dịch là những quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế. Tại hội nghị Chính phủ với địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm từ 2,5%-3%.

“Mỗi khi gặp gian khó cũng chính là thời điểm để thể hiện bản lĩnh, sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của toàn dân tộc. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, càng khó khăn, cả nước càng cần nỗ lực, quyết tâm hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính phủ đã ngay lập tức đưa ra hàng loạt giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nỗ lực cùng vực dậy nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; Bộ Tài chính thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương có giải pháp sớm khôi phục các chuỗi cung ứng thúc đẩy phát triển logistics, công nghiệp hỗ trợ; tranh thủ cơ hội duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Song song với đó là đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy du lịch nội địa.

Cùng với các mục tiêu phát triển kinh tế, Chính phủ cũng kịp thời thực hiện các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm bớt sự ảnh hưởng của chuỗi đứt gẫy cung ứng.

Đó là Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch với tổng số tiền khoảng 62.000 tỷ đồng; các chính sách giảm giá điện, giá nước, giá dịch vụ viễn thông cho người dân; Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Đặc biệt là Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do đại dịch.

Kinh tế Việt Nam vượt bão ấn tượng
Xưởng may xuất khẩu

Những quả ngọt cho nền kinh tế

Nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, nền kinh tế đã có sự chuyển biến tích cực.

Kết thúc một năm đầy biến động, GDP quý IV/2020 tăng khoảng 4,48% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2020, GDP đạt mức tăng 2,91%. Tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam; bởi với mức tăng GDP này, Việt Nam thuộc nhóm có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới năm 2020.

Những chỉ số đáng chú ý trong năm 2020 của kinh tế Việt Nam có thể kể đến như: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,6%; vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 5,7%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,23%; lạm phát cơ bản tăng 2,31%.

Điểm nhấn ấn tượng của tăng trưởng kinh tế 2020 phải kể đến là xuất khẩu. Trước những thách thức rất lớn với ngành xuất khẩu do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và sự đứt gãy thương mại toàn cầu, thành tích xuất siêu không những được giữ vững mà còn có thể lập nên kỳ tích mới: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Đáng chú ý trong bức tranh xuất khẩu, ngành nông nghiệp có đóng góp quan trọng, khẳng định là một trong những trụ cột của nền kinh tế lúc khó khăn, vẫn giữ vững đà tăng trưởng cả năm đạt 2,6%, cao hơn mức 2,01% của năm 2019.

Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đã “thắng” lớn như với gạo, năm 2020 xuất khẩu gạo vượt mốc 6,6 triệu tấn, vượt qua Thái Lan và Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán. Trong năm đầy khó khăn này, ngành gạo không những làm tròn trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nông dân trồng lúa còn xuất khẩu thu về 3 tỷ USD.

Cùng với gạo, cá tra và tôm cũng có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu và kinh tế. Thời điểm tháng 8, tháng đầu tiên khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản sang châu Âu chỉ tăng 1%, nhưng đến tháng 10 đã tăng lên 20%, tháng 11 tăng 30% và tháng 12 tăng 15%. Xuất khẩu các mặt hàng khác của Việt Nam sang châu Âu cũng có mức tăng lên đáng kể đã cho thấy Việt Nam đã và đang tận dụng tốt các cơ hội do EVFTA mang lại.

Vẫn là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài

Kinh tế Việt Nam vượt bão ấn tượng 1
Bốc xếp hàng hóa tại cảng

Cùng với những thành quả ấn tượng trên của nền kinh tế, dòng vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 cũng là một điểm nhấn đặc biệt. Bất chấp những tác động tiêu cực của dịch bệnh trên toàn cầu, tính đến hết năm 2020, Việt Nam vẫn thu hút hơn 28,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Đây là những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam đang hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Dù trên thế giới, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với tiềm năng hấp dẫn của thị trường và nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam đã thu hút mạnh mẽ các nhà đầu nước ngoài. Hoạt động thuê đất, triển khai xây dựng tạo quỹ kho, xưởng vẫn diễn ra sôi động tại nhiều địa phương để sẵn sàng đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài như Công ty Inventec chuyên lắp ráp tai nghe AirPods đang chuẩn bị xây nhà máy tại Việt Nam. Foxconn - nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, chuyên sản xuất iPhone, iPad - cũng đã kịp xây dựng nhà máy tại Việt Nam và Ấn Độ.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc năng lực cạnh tranh của Việt Nam ngày càng được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, sự ổn định chính trị cùng nguồn nhân lực dồi dào đã và đang khiến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp đầu tư FDI lớn trên thế giới.

Lạc quan với tăng trưởng 2021

Với những thành quả tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đạt được trong năm 2020, nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ rất tích cực.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam “Điểm lại” của Ngân hàng Thế giới dự báo, năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% và ổn định mức 6,5% các năm tiếp theo.

Đồng quan điểm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng 6,5% khi hoạt động kinh tế trong nước và nước ngoài tiếp tục quay trở lại bình thường.

Lạc quan hơn, khối phân tích, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT trong Báo cáo Chiến lược đầu tư 2021 thậm chí còn đưa ra dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam 2021 sẽ phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng GDP có thể lên tới 7,1% sau khi đại dịch Covid -19 được kiểm soát nhờ vaccine.

VNDIRECT kỳ vọng, sau khi dịch bệnh được đẩy lùi, nền kinh tế thế giới sẽ có sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU. Điều này sẽ giúp hàn gắn lại chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị phá hủy một phần do tác động của Covid-19, cũng như giúp gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, các chuyến bay quốc tế với mục đích thương mại được nối lại sẽ thúc đẩy sự hồi phục của ngành du lịch, cũng sẽ tạo đà cho kinh tế phát triển.

Một yếu tố khác từng là động lực lớn cho phát triển trong năm khó khăn vừa qua là dòng vốn đầu tư của Nhà nước trong năm 2021 sẽ tiếp tục được Chính phủ quyết tâm thúc đẩy giải ngân mạnh hơn vào hàng loạt các công trình hạ tầng cơ sở lớn trên cả nước như: các tuyến cao tốc, sân bay Long Thành, đường sắt, đường bộ…, sẽ hỗ trợ mạnh cho tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với mục tiêu tăng trưởng GDP 6%.

Với con số tăng trưởng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vẫn còn nhiều khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước, nhất là xuất phát từ mức tăng trưởng thấp của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Trong bối cảnh bìnhthường mới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phươngán hành động để dù trong trường hợp nào, nền kinh tế Việt Nam cũng vẫn giữ đượcsự chủ động, chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, phấn đấu đểViệt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định,bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.