Kỳ vọng tiền tiết kiệm sắp đáo hạn chảy vào chứng khoán

Trần Anh - 08:33, 10/09/2023

TheLEADERTrong bối cảnh lãi suất tiền gửi giảm mạnh, lượng tiền gửi lãi suất cao thời điểm cuối năm ngoái có thể tìm đến các kênh đầu tư khác tiềm năng hơn, trong đó có chứng khoán.

Sau 4 lần điều chỉnh liên tiếp, lãi suất điều hành hiện tại đã gần chạm mức thấp nhất của năm 2020. Trong báo cáo cập nhật mới đây, thống kê của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho thấy mức tăng trưởng tiền gửi trong quý 4/2022 đã tăng 6,4% so với quý trước, sau khi NHNN tăng lãi suất vào tháng 10/2022. Đồng thời, phần lớn tiền gửi trong giai đoạn này là tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Điều này đồng nghĩa với việc các khoản tiền gửi lãi suất cao đã hoặc sắp đến thời điểm đáo hạn. Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi giảm mạnh, lượng tiền này có thể tìm đến các kênh đầu tư khác tiềm năng hơn.

Bộ phận phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam tin rằng, một phần trong số này sẽ chảy vào thị trường chứng khoán, dẫn đến dòng vốn chảy vào cổ phiếu nhiều hơn trong nửa cuối năm 2023.

"Chúng tôi không cho rằng tất cả các khoản tiền gửi đáo hạn sẽ chuyển hướng sang thị trường chứng khoán; tuy nhiên, giả sử rằng 10% số tiền gửi đó sẽ chảy vào thị trường chứng khoán, tương đương với 49.000 tỷ đồng (tương đương giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán trong khoảng hai ngày)", nhóm phân tích dự báo.

Đây cũng là quan điểm được nhiều chuyên gia đồng tình. Ông Petri Deryng, nhà quản lý quỹ Pyn Elite Fund tin rằng các khoản tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng cuối năm 2022 sẽ đáo hạn vào cuối năm 2023. Quỹ Pyn Elite kỳ vọng dòng tiền sẽ được tái phân bổ cho các khoản đầu tư khác, điển hình như cổ phiếu.

"Sự thịnh vượng sẽ quay trở lại với chứng khoán và chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong mùa thu. Tâm lý tốt có thể tiếp tục kéo dài đến năm 2024", nhà quản lý quỹ Pyn Elite Fund nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ông Petri, thị trường chứng khoán Việt Nam có đà tăng tích cực, bất chấp nền kinh tế thực vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như tiêu dùng của Việt Nam sụt giảm, xuất khẩu suy yếu.

Trên thực tế, thanh khoản thị trường chứng khoán thời gian qua đã tăng rất mạnh. Trong 3 tháng gần đây, các phiên có thanh khoản trên 1 tỷ USD ngày càng nhiều hơn. Hiệu ứng lãi suất thấp cùng đà tăng tốt đã củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư, lôi kéo tiền luân chuyển từ những kênh kém hiệu quả quay trở lại với chứng khoán.

Dòng tiền dự kiến tiếp tục chảy vào kênh chứng khoán, khi NHNN nhiều khả năng sẽ có thêm các đợt giảm lãi suất trong thời gian tới.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, trong kịch bản tích cực, nếu NHNN giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%/năm, số dư tiền gửi nhà đầu tư và thanh khoản bình quân ngày có thể tiệm cận mức đạt được trong quý 2/2021 lần lượt là 85.000 tỷ đồng và 21.000 tỷ đồng.

Chuyên gia của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng NHNN vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất điều hành, tuy nhiên vẫn cần phải xem xét động thái tiếp theo của Fed để đưa ra quyết định phù hợp. Theo các chuyên gia, NHNN có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện tại tại 4 ngân hàng cổ phần Nhà nước là 6,3% (16/8/2023). Do đó, nếu NHNN ban hành mức giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản thì 4 ngân hàng này sẽ điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng xuống 6%/năm hoặc thấp hơn.

Chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2023 khi lãi suất cho vay dự kiến bắt đầu giảm từ quý 3. Mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 dự kiến trong khoảng 12 - 13%.

Trong lịch sử, sau khi NHNN cắt giảm lãi suất vào năm 2020, cổ phiếu ngành tài chính (bao gồm ngân hàng) đã tăng khoảng 70% từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2022. Các chuyên gia kỳ vọng điều tương tự xảy ra trong năm nay.