Kỳ vọng xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng nhanh

Nhật Hạ - 08:00, 22/02/2024

TheLEADERXuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới nhờ sự mạnh mẽ đáng kinh ngạc của nền kinh tế Mỹ, ngành máy tính và điện thoại trên toàn cầu tăng trưởng trở lại, hàng tồn kho của các nhà sản xuất giảm.

Năm 2023, xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, đà tăng bắt đầu quay lại vào quý 4/2023, và tiếp tục tăng mạnh 46% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 1/2024, theo số liệu Tổng cục Hải quan. Đây là mức tăng hàng tháng cao nhất trong gần 2 năm qua.

Bên cạnh lý do mốc so sánh thấp khi xuất khẩu của Việt Nam đã giảm vào đầu 2023, tháng đầu năm nay cũng ghi nhận mức tăng 33% trong mảng xuất khẩu sản phẩm điện tử công nghệ cao – chiếm 1/3 tổng mức xuất khẩu của Việt Nam.

Nổi bật nhất là xuất khẩu nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng hơn 68% so với cùng kỳ. Điện thoại thông minh của Việt Nam tăng 16% nhờ sự kiện mở bán mẫu điện thoại Samsung S24 mới trong tháng.

Nhiều yếu tố giúp xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng nhanh trong các tháng tới

Bên cạnh đó, số ngày làm việc nhiều hơn 25% so với tháng 1/2023 - do Tết Nguyên Đán diễn ra vào ngày 21-27 tháng 1/2023.

Tuy nhiên, cách tính đơn giản này cho thấy xuất khẩu thực chất tăng 25% vào tháng 1/2024 theo cách tính dựa trên số ngày làm việc nhiều hơn, nhưng thực tế mức tăng trưởng là 46%.

Do đó, VinaCapital cho rằng: “mức tăng trưởng trong tháng 1/2024 rất ấn tượng” trong báo cáo mới nhất. Đồng thời kỳ vọng sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhanh trong những tháng tới.

Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 27% tổng kim ngạch toàn cầu. Năm 2023, xuất khẩu sang thị trường này giảm hơn 11%. Theo VinaCapital, có lý do đến từ doanh nghiệp Mỹ đã đặt hàng quá nhiều các sản phẩm ‘made in Vietnam’ trong thời điểm gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 và phải cắt giảm đơn đặt hàng cho các sản phẩm này năm ngoái để giảm lượng hàng tồn.

Tuy nhiên, sau đợt giảm hàng tồn kho nhanh nhất trong hơn 10 năm kể từ giữa năm ngoái, xu hướng đó đã kết thúc tại Mỹ. Vì vậy, các đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng vừa qua. Mỹ vẫn là thị trường nhập hàng lớn nhất của Việt Nam, với 9,6 tỷ USD, tăng gần 56% cùng kỳ.

VinaCapital kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới nhờ sự mạnh mẽ đáng kinh ngạc của nền kinh tế Mỹ, niềm tin của người tiêu dùng nước này đạt mức cao nhất kể từ sau Covid-19.

Các thị trường xuất hàng truyền thống khác như Trung Quốc, EU, hay ASEAN lần lượt tăng 58%, 18% và 38% trong tháng vừa qua.

Bên cạnh đó, doanh thu ngành PC (máy tính cá nhân) toàn cầu đã tăng trưởng trở lại vào cuối năm ngoái sau khi giảm 30% so với cùng kỳ vào đầu năm 2023. Một phần do người dùng nâng cấp máy cấu hình cao hơn để xử lý Al (trí tuệ nhân tạo).

Doanh thu điện thoại thông minh toàn cầu cũng tăng trưởng trở lại vào cuối năm 2023 lần đầu tiên trong 2 năm.

Xu hướng trên toàn cầu của các ngành trên sẽ hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới khi 2 nhóm hàng này chiếm tới hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Ngành sản xuất trong tháng đầu năm nay tăng 19,3% so với cùng kỳ, vì vậy tăng trưởng xuất khẩu vượt xa tăng trưởng sản xuất. Theo VinaCapital, điều đó có nghĩa rằng hàng tồn kho của các nhà sản xuất đã giảm vào tháng trước.

Sự kết hợp của sụt giảm hàng tồn kho và tăng đơn hàng mới đồng nghĩa với hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh để đáp ứng được nhu cầu tăng cao cho các sản phẩm ‘made in Vietnam’.

Nhiều yếu tố giúp xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng nhanh trong các tháng tới 1
Xuất khẩu nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng đầu năm nay tăng hơn 68% so với cùng kỳ. Ảnh: Hoàng Anh

Bên cạnh động lực từ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 1/2024 cũng nhờ nhóm ngành nông, lâm, thủy sản với mức tăng gần 97%.

Trong đó, nông sản tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu cả nước nhờ lợi thế về giá. Theo số liệu của Bộ Công Thương, giá cà phê bình quân đạt 2.955 USD một tấn, tăng hơn 35%; gạo 693 USD một tấn, đắt hơn 33,5% cùng kỳ…

Cơ quan này dự báo xuất khẩu năm nay vẫn đối diện nhiều thách thức do cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng gay gắt, căng thẳng Biển Đỏ leo thang khiến giá cước vận tải tăng đột biến.

Ngoài kích cầu tiêu dùng nội địa, Bộ Công thương cho biết cùng các cơ quan thúc đẩy sản xuất ngay từ đầu năm, đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi, tạo năng lực sản xuất mới.

Bộ cũng tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu để chủ động có phương án, đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hàng hóa, gây bất ổn thị trường.