Lãnh đạo các tỉnh nói gì về bảng xếp hạng PCI 2017?

Đặng Hoa - 09:16, 29/03/2018

TheLEADERLãnh đạo của nhiều tỉnh, thành đều cho rằng, bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có ý nghĩa rất lớn trong việc so sánh năng lực cạnh tranh và sự tiến bộ của chính các địa phương.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua chỉ số PCI được công bố vừa qua và so sánh với bộ chỉ số PCI gốc qua các năm có thể thấy đa số các tỉnh đều có sự cải thiện, tăng điểm so với chính mình, kể cả những địa phương thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng.

Chẳng hạn trong bảng xếp hạng PCI năm 2017, tỉnh Sơn La chỉ xếp ở vị trí thứ 57/63 tỉnh thành, chỉ tăng một bậc so với năm ngoái. Trước đó vào năm 2015, Sơn La xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố, nằm trong top khá của cả nước.

Mặc dù đứng trong top cuối của bảng xếp hạng nhưng ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định, kết quả đạt được trong năm ngoái cho thấy sự tiến bộ của tỉnh. Cụ thể, Sơn La đạt 58,9 điểm, tăng 3,41 điểm so với năm 2016, trong đó sáu chỉ số đạt điểm số thấp trong năm 2016 đều được cải thiện đáng kể trong năm 2017.

Có được kết quả này theo ông Khánh cho biết, trong năm ngoái, Sơn La đã tập trung cao các giải pháp đặc biệt nhằm rà soát các thủ tục hành chính, thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã.

Một ví dụ khác là Thái Nguyên, một tỉnh đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng PCI 2017, tụt 8 bậc so với năm 2016. Ông Lương Văn Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên cho biết, mặc dù sụt giảm thứ hạng nhưng các chỉ số của Thái Nguyên trong báo cáo PCI 2017 vẫn tăng điểm; các chỉ số thấp điểm trong năm 2016 đã được cải thiện rõ rệt trong năm nay.

Các địa phương top cuối học được gì từ bảng xếp hạng PCI
Ông Lương Văn Cường

Giải thích điều này, ông Cường cho rằng, trong năm qua, các tỉnh, thành trên cả nước đã có sự cải thiện rõ rệt về các chỉ số dẫn đến sự thay đổi về thứ hạng.

Mặc dù khẳng định điểm số của các tỉnh đều tăng, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh vấn đề ở đây là mức độ cải thiện, tốc độ cải thiện và sự bền vững trong quá trình cải thiện giữa các tỉnh, thành phố thì không giống nhau và không đều nhau.

“Các địa phương nằm trong nhóm sau cần hiểu được rằng các nhà đầu tư đang kỳ vọng nhiều hơn vào những thay đổi của tỉnh, một số tỉnh đang đi với tốc độ chậm thì cần đẩy nhanh tốc độ cải cách lên”, ông Tuấn cho biết.

Theo đại diện VCCI, bên cạnh các địa phương đứng ở top cuối, nhiều tỉnh, thành được xếp hạng rất cao như tỉnh Quảng Ninh có các chỉ số tăng đều đặn nhưng vẫn chưa hài lòng với những kết quả đã đạt được.

Trao đổi với TheLEADER, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trên thang điểm chỉ số PCI, hiện Quảng Ninh mới chỉ đạt hơn 70 điểm, chặng đường đến thang điểm 100 vẫn còn rất dài. Ông Long khẳng định dư địa để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh còn rất lớn.

Trưởng ban pháp chế VCCI cho rằng, cách nhìn nhận này qua chỉ số PCI sẽ là một cách tiếp cận rất tốt để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tại các địa phương, đồng thời khẳng định nếu biết sử dụng PCI một cách hiệu quả, các địa phương có thể thúc đẩy cải cách và phát triển.

Ông Hồ Đại Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Phú Thọ nhận định, chỉ số PCI tác động mạnh mẽ đến công tác chỉ đạo lâu dài đối với điều hành nền kinh tế của tỉnh. Từ việc so sánh với các địa phương khác trên cả nước, các tỉnh, thành phố có thể tham khảo và học hỏi lẫn nhau. 

Các địa phương top cuối học được gì từ bảng xếp hạng PCI 1
Ông Hồ Đại Dũng.

Ông Dũng cho biết, tại Phú Thọ, tư duy của các cán bộ cấp tỉnh và địa phương đã thay đổi hơn nhiều, không còn trạng thái “vô cảm” và doanh nghiệp giờ đây đã là một khách hàng thực sự.

Các tỉnh cần thêm nguồn thông tin độc lập bên ngoài 

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần sử dụng thêm nguồn thông tin độc lập khách quan ở bên ngoài để thúc đẩy quá trình cải cách của mình.

“Một giám đốc sở ngành bao giờ báo cáo lên lãnh đạo tỉnh đều cho biết ngành hoạt động rất tốt, lĩnh vực họ quản lý hoạt động rất thành công thậm chí là thành công vượt bậc. Nhưng nếu từ điều tra doanh nghiệp thì có thể cho thấy có nhiều vấn đề trong chính các sở, ngành đấy”, ông Tuấn nói. 

Cũng theo ông Tuấn cho biết, nhiều tỉnh thành phố sau khi công bố chỉ số PCI đã chủ động tiến hành rà soát các chỉ số, xem các doanh nghiệp đánh giá các lĩnh vực ra sao, tại sao địa phương mình có bình quân thành tra, kiểm tra cao; tại sao vấn đề tiếp cận đất đai doanh nghiệp kêu rất nhiều; tại sao các vấn đề thủ tục hành chính, thuế hay hải quan của địa phương chưa thuận lợi. 

Đây là tiền đề để các địa phương tiến hành rà soát đánh giá từ đó có các kế hoạch cải thiện, khắc phục.

Đại diện VCCI nhìn nhận, bình thường các tỉnh thành phố ít khi hay không thường xuyên rà soát môi trường kinh doanh, thường khi có vụ việc xảy ra như một sự cố lớn, một vụ kiện lớn hay một chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ thì các địa phương mới bắt đầu rà soát lại môi trường kinh doanh của mình.

Mặc dù có sự tiến bộ và cải cách rõ rệt ở tỉnh Thái Nguyên nhưng ông Lương Văn Cường cho rằng các ý kiến đã được ghi nhận và xử lý với tốc độ và mức ảnh hưởng chưa được như kỳ vọng và mong muốn của các doanh nghiệp.

“Do còn nhiều ý kiến khác nhau hoặc bên trên chỉ đạo nhưng bên dưới chưa thực sự thông suốt để kịp thời chỉ đạo và thực hiện, còn tình trạng trên nóng dưới lạnh. Đôi khi trên tỉnh có văn bản chỉ đạo nhưng cấp dưới chưa thực sự có trách nhiệm giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp đặc biệt đối với các đơn vị ở vùng sâu vùng xa”, ông Cường lý giải.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Thái Nguyên cho biết, trong năm qua lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo, thuyên chuyển công tác và thậm chí là sa thải những cán bộ công chức nhũng nhiễu, không hoàn thành nhiệm vụ và chưa tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.

Đứng từ góc độ các doanh nghiệp, ông Cường hy vọng trong năm 2018, lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành sẽ nỗ lực hơn và thiết thực hơn; thực sự quan tâm bằng những hành động cụ thể, vừa giúp đỡ vừa tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp.