Ngành năng lượng cần hơn 4 triệu tỷ đồng đến năm 2030

Nguyễn Cảnh - 07:50, 30/04/2024

TheLEADERNhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 4 – 4,8 triệu tỷ đồng.

Ngành năng lượng cần hơn 4 triệu tỷ đồng đến năm 2030
Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Hoàng Anh

Một trong những mục tiêu của kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là xác định danh mục dự án cụ thể, tiến độ thực hiện theo từng giai đoạn đến năm 2030.

Quy hoạch năng lượng quốc gia gồm các phân ngành dầu khí, than, điện, năng lượng mới và tái tạo với các nhiệm vụ từ điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò, khai thác, sản xuất, tồn trữ, phân phối đến sử dụng và các hoạt động khác có liên quan.

Kế hoạch cũng cho biết dự kiến nhu cầu sử dụng đất, vốn đầu tư liên quan.

Theo đó, nhu cầu đất cho phát triển cơ sở và kết cấu hạ tầng ngành năng lượng khoảng 93,5 - 97 nghìn ha giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng khoảng 171 - 197 nghìn ha giai đoạn 2031 - 2050.

Riêng diện tích mặt biển cho các công trình ngoài khơi, đến năm 2030 ước tính khoảng 335 nghìn ha, đến năm 2050 khoảng 1,3 - 1,7 triệu ha.

Toàn bộ vốn đầu tư cho các dự án ngành năng lượng ngoài vốn đầu tư công. 

Nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 4 – 4,8 triệu tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 1,6 – 1,9 triệu tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 2,5 – 2,9 triệu tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kế hoạch cho biết, các đề án về hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường năng lực của ngành điện được xác định sử dụng nguồn vốn đầu tư công theo Quy hoạch điện VIII.

Kế hoạch cũng công khai danh mục dự án và tiến độ cụ thể đối với các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư, các dự án quan trọng có tiềm năng...

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức thực hiện kế hoạch hiệu quả tuân thủ theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thường xuyên rà soát tình hình phát triển cung cầu, tiến độ thực hiện các dự án năng lượng để đề xuất các giải pháp điều chỉnh cung ứng năng lượng, tiến độ nếu cần thiết.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, đảm bảo đúng nguyên tắc. 

Đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương hay quyết định đầu tư nhưng đang trong quá trình thanh tra, điều tra, kiểm toán, thi hành bản án (nếu có) thì chỉ được tiếp tục triển khai sau khi thực hiện đầy đủ theo các kết luận liên quan và phải được cấp thẩm quyền chấp thuận theo quy định.

Trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư, ngành dầu khí ghi nhận 11 dự án kho LNG kèm theo nhà máy điện sử dụng LNG làm nhiên liệu.

Bên cạnh hai kho Hải Linh – Vũng Tàu (phục vụ nhiệt điện Hiệp Phước giai đoạn 1) và Thị Vải (phục vụ Nhơn Trạch 3 và 4) triển khai giai đoạn 2021-2025, chín trường hợp còn lại đều xác định thời gian triển khai 2026-2030 như: Quảng Ninh, Thái Bình, Nghi Sơn, Quảng Trạch II, Cà Ná, Sơn Mỹ.

Về chế biến dầu khí, ghi nhận ba dự án ưu tiên đầu tư gồm dự án nâng cấp, mở rộng lọc dầu Dung Quất; tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu khô, sản phẩm xăng dầu (1-3 dự án, tổng công suất 15-20 triệu tấn/năm với sản phẩm chính có hydro, amoniac xanh) tại Nam Trung Bộ/Đông Nam Bộ và xây mới nhà máy chế biến condensate Nam Sông Hậu tại Tiền Giang.

So về số lượng dự án ưu tiên đầu tư, có tiềm năng trong kế hoạch, phân ngành dầu khí vượt trội so với điện, than.

Đặc biệt, liên quan tới tổ chức thực hiện kế hoạch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhận trọng trách nghiên cứu, khảo sát về các điều kiện phát triển điện gió ngoài khơi, sẵn sàng triển khai khi được các cấp thẩm quyền giao chủ đầu tư.

Thông tin này xuất hiện trong thời điểm Bộ Công thương lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà. 

Trong đó, phương án tính toán nghiêng về lựa chọn các tập đoàn nhà nước thực hiện như EVN, PVN hoặc Bộ Quốc phòng.

Theo lý giải mới nhất của Bộ Công thương, EVN đang là ứng cử viên phù hợp nhất thời điểm hiện tại để giao thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.