‘Quỹ đất đẹp ở Điện Biên không dành để làm bất động sản’

Nhật Hạ - 20:09, 09/04/2023

TheLEADERLưu ý Điện Biên không có nhiều quỹ đất, Thủ tướng đề nghị các vị trí đẹp, thuận lợi phải dành cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vừa tạo nguồn thu lâu dài thay vì làm bất động sản chỉ thu được một lần.

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên trong quý I/2023 tiếp tục có nhiều điểm sáng tích cực. GRDP tăng khá, đạt 6,7%, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 3,32%, xếp thứ 24/63 toàn quốc và 5/14 vùng.

Nông nghiệp tiếp tục khởi sắc. Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 6,36% so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tăng 49,3% so với cùng kỳ. Du lịch có nhiều khởi sắc; tổng lượng khách du lịch tăng gần 10 lần, trong đó khách quốc tế tăng hơn 11 lần so với cùng kỳ.

Tại buổi làm việc với Ban thường vụ tỉnh Điện Biên ngày 9/4, Thủ tướng cho biết Điện Biên cho nhiều lợi thế đặc biệt như tỉnh có "báu vật" Điện Biên Phủ, khả năng phát triển năng lượng tái tạo và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đường biên giới với Lào và Trung Quốc dài gần 456 km gắn với thị trường tiêu thụ lớn.

Tỉnh có tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch đan xen-trong đó có nhiều "thương hiệu" quốc gia. Đồng thời có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, nhất là trữ lượng lớn về than và nguồn nước khoáng.

Đất đai tương đối màu mỡ, diện tích đất chưa sử dụng còn lớn. Có hơn 350.000 ha rừng với nhiều loài động, thực vật đa dạng. Cánh đồng Mường Thanh rộng hơn 150 km², là cánh đồng lớn và nổi tiếng của khu vực Tây Bắc.

Nguồn nước rất phong phú với các hệ thống sông lớn (sông Hồng, sông Mã…); sông ngòi thường có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh, chất lượng nước tương đối cao, ít bị ô nhiễm.

Tỉnh có nhiều địa điểm du lịch thiên nhiên giàu tiềm năng, nhiều di tích lịch sử, văn hóa các dân tộc đặc sắc, văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, nhiều sản vật địa phương nổi tiếng.

Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội và nguồn lực phong phú, đa dạng, có thể nói tỉnh Điện Biên hội tụ đủ các điều kiện riêng có để phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá, biên giới vững chắc của vùng Trung du và miền núi phía bắc và cả nước.

Tuy nhiên, tiềm năng lớn nhưng cơ chế chính sách còn hạn hẹp; hạ tầng cứng và mềm còn khó khăn, đặc biệt là hạ tầng giao thông, viễn thông, điện, y tế, giáo dục; thu nhập bình quân đầu người chưa bằng một nửa cả nước; thu ngân sách thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, Thủ tướng đánh giá.

‘Quỹ đất đẹp ở Điện Biên không dành để làm bất động sản’
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên ngày 9/4. Ảnh: Nhật Bắc

Do đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Điện Biên thực hiện một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch; khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành trong tháng 9/2023.

Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối liên hoàn trong nội tỉnh, với các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế; đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số. Tập trung hoàn thành sân bay Điện Biên trong tháng 11/2023 và xây dựng tuyến đường kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Bên cạnh đó tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả các vùng động lực kinh tế của tỉnh (như vùng phát triển du lịch, vùng năng lượng tái tạo, vùng khai khoáng, vùng bán tín chỉ carbon…).

Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng giảm tỉ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, nhất là chế biến nông sản.

Phát triển nông, lâm nghiệp hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ứng dụng khoa học công nghệ gắn kết với công nghiệp chế biến, nhất là những nông sản có thế mạnh, tập trung phát triển cây mắc ca, cây dược liệu. Triển khai hiệu quả chương trình "mỗi xã một sản phẩm - OCOP". Xây dựng, quảng bá thương hiệu, phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu.

Tiếp tục tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Điện Biên; đẩy mạnh liên kết với các tỉnh Tây Bắc, trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế. Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu.

Mặt khác, tỉnh cần huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư PPP). Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 03 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch.

Thủ tướng tiếp tục lưu ý tỉnh đổi mới tư duy, tập trung nguồn lực trọng tâm trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, manh mún, kéo dài, lãng phí.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu xây dựng trường đại học để đào tạo nhân lực cho Điện Biên, Lai Châu, Sơn La.

Cùng với đó tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thường xuyên lắng nghe, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, làm giàu chính đáng; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vườn ươm phát triển doanh nghiệp. Cải thiện cho được chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Tỉnh cần tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường và công tác dự báo, phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Trước đó, ngày 8/4, Thủ tướng cũng đã có buổi kiểm tra công trường dự án mở rộng sân bay Điện Biên và một số công trình trọng điểm trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Được biết sau khi hoàn thành sân bay Điện Biên trong tháng 11/2023 tới, khu bay sẽ đáp ứng khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; công suất khai thác nhà ga hành khách sẽ được nâng từ 300.000 hành khách/năm lên 500.000 hành khách/năm, cùng các công trình phụ trợ đồng bộ. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.467 tỷ đồng, từ quỹ đầu tư phát triển của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Điện Biên, được kỳ vọng tạo sức bật mới cho tỉnh và vùng Tây Bắc. Hiện, thời gian di chuyển đường bộ từ Hà Nội - Điện Biên cần khoảng 10-12 giờ đi ô tô. Điện Biên hiện được một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn quan tâm khảo sát đầu tư trên các lĩnh vực có tiềm năng nhưng việc triển khai hầu hết còn cầm chừng do các nhà đầu tư đang trông đợi tiến độ triển khai xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên.

Để tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ cho sân bay Điện Biên và nhiều công trình quan trọng khác trên cả nước, theo Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và môi trường, các cơ quan liên quan cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các nghị quyết của Chính phủ về nguồn vật liệu cho các dự án, theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng, không chỉ áp dụng với các công trình trọng điểm quốc gia.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần cắt giảm tối đa khâu trung gian, tránh đội giá, giảm thời gian, thủ tục; không để tình trạng tài nguyên là của đất nước như nhiều mỏ đất, đá… lại giao tư nhân để lợi dụng "bắt chẹt", nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án.

Đồng thời, các cơ quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi các quy định, xử lý các vướng mắc về thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư.

Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan rút kinh nghiệm về thủ tục triển khai dự án sân bay và thiết kế, xây dựng các công trình giao thông với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thủ tướng lưu ý tỉnh đổi mới tư duy, tập trung nguồn lực trọng tâm trọng điểm, tránh dàn trải, chưa xây dựng các công trình chưa cấp bách, khẩn trương hoàn thành dứt điểm sân bay Điện Biên và tuyến đường động lực để mở ra không gian phát triển mới, nâng cao giá trị và khai thác hiệu quả quỹ đất mới từ tuyến đường.

Lưu ý Điện Biên không có nhiều quỹ đất, Thủ tướng đề nghị, các vị trí đẹp, thuận lợi phải dành cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vừa tạo nguồn thu lâu dài thay vì làm bất động sản chỉ thu được một lần; vừa tạo công ăn việc làm, thu hút người đến làm, người đến ở, từ đó mới có người mua nhà, như vậy việc phát triển bất động sản, đô thị mới bền vững.