Sacombank ước lãi trước thuế 9.500 tỷ đồng năm 2023

Dũng Phạm - 11:40, 22/12/2023

TheLEADERNhờ nội lực tài chính vững vàng, Sacombank đã trích lập 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, qua đó tiệm cận hoàn thành nghĩa vụ tài chính tại đề án tái cơ cấu.

Thông tin từ Sacombank cho biết, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng ước đạt gần 664.000 tỷ đồng, trong đó tài sản có sinh lời chiếm 90.3%. Tổng huy động vốn ước đạt hơn 574.000 tỷ đồng; cho vay ước đạt hơn 487.000 tỷ đồng. 

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 của Sacombank ước đạt hơn 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước và đạt 100% kế hoạch ĐHĐCĐ giao. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2%.

Ngân hàng cho biết, công tác thu hồi và xử lý nợ được quyết liệt thực hiện, ước gần 7.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng được xử lý thành công, nâng tổng mức thu hồi lũy kế lên gần 95.000 tỷ.

Các tỷ lệ an toàn hoạt động và chỉ số tài chính được cân bằng giữa mục tiêu an toàn và hiệu quả: Tỷ lệ CAR ước đạt 9,45%, tỷ lệ LDR ước đạt 83%, tỷ lệ NIM ước đạt 3.88%, các chỉ số ROA, ROE lần lượt ước đạt 1,21% và 18,03%, tăng 0,3 và 4,2%. 

Nhờ nội lực tài chính vững vàng, Sacombank đã trích lập 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, qua đó tiệm cận hoàn thành nghĩa vụ tài chính tại đề án tái cơ cấu.

Theo chiến lược phát triển hiện tại, Sacombank đặt mục tiêu số hóa mạnh mẽ lấy khách hàng làm trọng tâm. Ngân hàng đã chủ động quan sát toàn bộ chu trình trải nghiệm của khách hàng, đo được nhu cầu, chạm và cải tiến những điểm mà khách hàng mong muốn hoàn thiện.

Hiện Sacombank đang là đối tác của 18 triệu khách hàng, trong đó gần 70% là khách hàng giao dịch qua kênh số.

Về lộ trình triển khai BASEL III và nâng tầm hệ thống quản trị rủi ro, với sự đồng hành và tư vấn của EY Việt Nam, Sacombank đã thực hiện đánh giá toàn diện khung quản lý rủi ro và triển khai các khía cạnh quan trọng của Basel III theo phương pháp tiêu chuẩn.

Đồng thời Sacombank cũng đã xây dựng thành công hệ thống tính toán và báo cáo tự động các chỉ số CAR, LR, LCR, NSFR và tính toán ICAAP.

Hiện Basel III là bộ tiêu chuẩn ở cấp độ cao trong quản trị rủi ro ngân hàng. Các tiêu chuẩn của Basel III không chỉ quản lý rủi ro ở điều kiện hiện tại mà còn dự báo cho tương lai, quan trọng hơn là rủi ro được đo lường không chỉ ở điều kiện bình thường mà trong cả những kịch bản căng thẳng. 

Việc triển khai thành công bộ tiêu chuẩn này là lời khẳng định cho khả năng ổn định nguồn vốn, tính thanh khoản và các năng lực cần để vượt qua những tình huống khủng hoảng của Sacombank.

Bước vào năm 2024 với phương châm "Bền nội lực - Vững tương lai", Sacombank sẽ tập trung nâng cao năng lực tài chính và chất lượng nhân sự, đẩy mạnh hoạt động ngân hàng số trên nguyên tắc lấy khách hàng làm trọng tâm, nâng tầm hơn nữa hoạt động quản trị rủi ro.

Từ đó, ngân hàng đảm bảo sớm hoàn thành Đề án tái cơ cấu để tái lập vị thế và sẵn sàng chinh phục những mục tiêu mới.