Sửa Thông tư 41 kích cầu tín dụng nhà ở xã hội

Trần Anh - 06:30, 03/05/2023

TheLEADERDự thảo mới của Nghị định 41 bổ sung đề xuất giảm hệ số rủi ro tín dụng áp dụng với các khoản vay mua nhà ở xã hội, nhằm tạo điều kiện cho các dự án nhà ở xã hội. Việc triển khai thành công gói tín dụng này cũng là tiền đề để NHNN triển khai những gói hỗ trợ tiếp theo, khuyến khích nhóm NHTM cổ phần tư nhân cùng tham gia.

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung đề xuất giảm hệ số rủi ro tín dụng áp dụng với các khoản vay mua nhà ở xã hội, nhằm tạo điều kiện cho các dự án nhà ở xã hội. Theo đó, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng với các khoản vay thế chấp nhà ở xã hội hiện nay dao động từ 25% đến 100%, sẽ giảm còn 12% đến 50% trong dự thảo mới

Đây là một trong những giải pháp để thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, sửa đổi mới cũng tạo điều kiện để kích thích gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân được nhanh chóng triển khai.

Thực tế, từ đầu tháng 4 đến nay, 4 ngân hàng quốc doanh, gồm Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank là nhóm các ngân hàng đi đầu trong việc triển khai cho vay nhà ở xã hội trong gói 120.000 tỷ đồng. Trong đó, mỗi ngân hàng chia nhau hạn mức tín dụng là 30.000 tỷ đồng và thống nhất chung một phương án cho vay giống nhau cho các đối tượng. Tuy nhiên, cơ chế cho vay do các ngân hàng tự quyết định bằng nguồn vốn của riêng mình.

Agribank là ngân hàng đi đầu khi công bố gói tín dụng ngay đầu tháng 4/2023. Lãi suất ưu đãi áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm và đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng/lần, Agribank sẽ thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi triển khai chương trình.

Với khách hàng là người mua nhà, ngoài hạn mức vay theo quy định, nếu có tài sản bảo đảm bổ sung, khách hàng được áp dụng mức vay tối đa bằng 85% tổng mức đầu tư của phương án.

BIDV và Vietinbank sau đó tung ra các gói vay ưu đãi với hình thức tương tự. Riêng Vietcombank đưa ra gói vay với nội dung “thoáng” hơn khi quy định thời gian ưu đãi lãi suất là 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với người mua nhà.

Lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 – 2%/năm so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các NHTM Nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ. Lãi suất cho vay cụ thể theo thông báo của Vietcombank trong từng thời kỳ.

Đánh giá về dự thảo sửa đổi TT41/2016 liên quan đến cách tính hệ số rủi ro, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng nhìn chung, dự thảo khuyến khích tăng cho vay các dự án phát triển BĐS khu công nghiệp, dự án nhà ở xã hội theo các dự án hỗ trợ của Chính phủ, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP.

Nhóm phân tích cho rằng, các ngân hàng quốc doanh sẽ được hưởng lợi nếu dự thảo này được chính thức thông qua. Có thể nói, đây là một biện pháp giúp hỗ trợ đà tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng này, trong bối cảnh NIM sẽ giảm khá mạnh (trong điều kiện lãi suất đảo chiều, lãi suất cho vay sẽ giảm nhanh hơn lãi huy động do các ngân hàng quốc doanh vẫn đang tích cực giảm lãi vay hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn). Nói cách khác, đây là hình thức “bù đắp” của NHNN dành cho các ngân hàng quốc doanh đã hỗ trợ tích cực giảm lãi vay giai đoạn khó khăn trước đó.

Việc triển khai thành công gói tín dụng này cũng là tiền đề để NHNN triển khai những gói hỗ trợ tiếp theo, khuyến khích nhóm NHTM cổ phần tư nhân cùng tham gia. Tuy nhiên, trong khi các chính sách hỗ trợ dần được triển khai, vấn đề nằm ở việc vẫn chưa có nhiều dự án đạt đủ điều kiện để vay vốn

Tại cuộc họp về tín dụng gần đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, điều kiện vay vốn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ không có vướng mắc gì. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị 4 ngân hàng quốc doanh tuyên truyền về gói tín dụng này.

Đại diện các ngân hàng này cho biết, vướng mắc lớn nhất với gói 120.000 tỷ đồng là việc chưa có dự án để cho vay. Các ngân hàng đã triển khai tới các chi nhánh, nhưng Bộ Xây dựng giao cho UBND các tỉnh công bố danh mục dự án, trên cơ sở đó mới tiếp cận để triển khai cho vay, quá trình này vẫn cần thêm thời gian.