Thặng dư tài khoản vãng lai của Đức sẽ có tác động tồi tệ đối với nền kinh tế thế giới

Nguyễn Lê - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERXuất khẩu của Đức tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 5, vượt qua mức tăng nhập khẩu và mở rộng thặng dư thương mại của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Thặng dư tài khoản vãng lai của Đức sẽ có tác động tồi tệ đối với nền kinh tế thế giới
Hamburg, thành phố cảng sôi động nhất nước Đức. Ảnh: Internet

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã được điều chỉnh theo mùa tăng 1,4% - mức tăng tháng thứ năm liên tiếp - trong khi nhập khẩu tăng 1,2%, theo số liệu của Cục Thống kê Liên bang. Cả hai con số đều tăng mạnh hơn dự kiến.

Thặng dư thương mại được điều chỉnh theo mùa đã lên tới 20,3 tỷ euro từ mức 19,7 tỷ euro hồi tháng 4. Báo cáo tháng 5 cho kết quả tương tự với dự báo của Reuters là 20,3 tỷ euro.

Thặng dư tài khoản vãng lai của Đức, chỉ số đo lường dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đã tăng lên tới 17,3 tỷ euro vào tháng 5.

Điều này đã làm nền kinh tế Đức và cả thương mại toàn cầu bị mất cân bằng. Giảm tiền lương nghĩa là chi tiêu trong nước ít hơn và nhập khẩu ít hơn. Chi tiêu tiêu dùng tại Đức đã giảm xuống còn 54% GDP, so với 69% ở Mỹ và 65% ở Anh. Các nhà xuất khẩu không đầu tư lợi nhuận của họ tại nước mình. Ngoài Đức, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đan Mạch và Hà Lan cũng đang gánh những khoản thặng dư lớn.

Việc một nền kinh tế lớn có thặng dư tài khoản vãng lai vượt quá 8% GDP sẽ gây ra căng thẳng đối với hệ thống thương mại toàn cầu. Để bù đắp các khoản dư thừa như vậy và đảm bảo thu nhập cho người lao động, phần còn lại của thế giới phải vay mượn để chi trả. Ở một số nước, đặc biệt là Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha, thâm hụt liên tục cuối cùng đã dẫn đến khủng hoảng. 

Vì thế, các số liệu về tăng xuất khẩu của Đức có thể sẽ là bằng chứng cho cuộc tranh luận về sức mạnh xuất khẩu của Đức sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm thứ Sáu đã lặp lại lời kêu gọi Berlin tăng đầu tư nhằm giảm thặng dư tài khoản vãng lai, từ đó tăng nhập khẩu và hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế ở các nước khác.