Thanh toán không tiền mặt ở vùng sâu, vùng xa

Việt Hưng - 11:47, 28/11/2023

TheLEADERDịch vụ Mobile Money đang phục vụ hơn 3,9 triệu khách hàng trên toàn quốc, chủ yếu là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đang buôn bán nhỏ ở huyện miền núi của tỉnh Sơn La, chị Mai Giang không có tài khoản ngân hàng và điện thoại thông minh. Hàng tháng phải chuyển tiền cho con đi học tại Hà Nội, chị Giang đã đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Nhờ đó, chị có thể chuyển tiền, thanh toán một cách thuận tiện trên điện thoại di động mà không cần phải xuống tận huyện để gửi tiền. Chị cho hay, nhờ Mobile Money cũng đã giảm bớt sử dụng thanh toán tiền mặt.

Từ khi có Mobile Money, hình ảnh mã QR xuất hiện ở vùng sâu, vùng xa góp phần phổ cập tài chính số. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy thói quen sử dụng tiền mặt của người dân đã thay đổi.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến đầu tháng 5/2023, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt hơn 3,9 triệu khách hàng, gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Trong số đó, số lượng khách hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 2,7 triệu khách hàng, chiếm 69% số khách hàng sử dụng dịch vụ.

Số lượng điểm kinh doanh trên cả nước đạt hơn 9.953 điểm, tăng 12% so với tháng 3/2023, số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 15.326 điểm. Tổng số lượng các giao dịch bằng Mobile Money là hơn 26,1 triệu giao dịch với tổng giá trị khoảng 1.683 tỷ đồng.

Thanh toán không tiền mặt ở vùng sâu, vùng xa
Dịch vụ Mobile Money hiện đang phục vụ hơn 3,9 triệu khách hàng chủ yếu tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa

Tại Viettel, Mobile Money đạt gần 4 triệu thuê bao và mục tiêu đến hết năm 2023 đạt 5 triệu người dùng. Số lượng khách hàng đang sử dụng Mobile Money của Viettel đang chiếm hơn 70% tổng số khách hàng Mobile Money toàn quốc, trong đó, 74% người dùng sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

"Viettel Money với hạt nhân là Mobile Money không chỉ là một giải pháp kinh tê số, mà còn là một giải pháp xã hội số với những tác động to lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên khắp Việt Nam", ông Trương Quang Việt - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (VDS) đánh giá.

Trong khi đó, VNPT cho biết, sau gần 2 năm triển khai thí điểm đã có gần 1,8 triệu khách hàng đã đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Trong đó, lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo chiếm 71%, số điểm kinh doanh Mobile Money đạt gần 3.500 điểm.

Đến nay, người dùng có tài khoản Mobile Money có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền trực tiếp tới hơn 100 triệu tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng và ngược lại. Ngoài ra, VNPT Money đã tích hợp thành công tính năng chuyển, nhận tiền từ Mobile Money thông qua mã VietQR các ngân hàng ở thời điểm hiện tại.

"VNPT là đơn vị đầu tiên đưa Mobile Money lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Mô hình này giúp người dân có tài khoản Mobile Money có thể thanh toán dịch vụ công. Hai năm vừa qua khi VietQR ra đời đã đi vào các ngõ ngách, đời sống của người dân", ông Nguyễn Văn Thắng - Đại diện VNPT chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Quang Khánh, Phó phòng Phát triển dịch vụ (Tổng công ty Dịch vụ số MobiFone) cho biết, tại các tỉnh, thành phố lớn, đa phần mọi người đều có tài khoản ngân hàng dùng smartbanking, nên lượng phủ sóng của MobiFone Money ít phổ biến hơn. 

Ngược lại, việc phủ sóng của MobiFone Money tại các vùng nông thôn ngày càng lan rộng. Với hạn mức 10 triệu đồng/tháng rất phù hợp với thu nhập của bà con nông dân, người dân vùng sâu, vùng xa.

"Nơi nào chưa có ngân hàng, chúng tôi đều phủ sóng để người nông dân có thể tiếp cận dịch vụ chuyển tiền qua MobiFone Money. Hiện nay, chúng tôi phấn đấu hơn nữa làm sao tối ưu hơn để bà con nông dân thuận tiện sử dụng dịch vụ", ông Khánh cho hay.

Thanh toán không tiền mặt ở vùng sâu, vùng xa 1
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết gia hạn thời gian thí điểm Mobile Money đến hết ngày 31/12/2024

Gần đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 192/NQ-CP về việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money.

Theo đó, doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, được thực hiện thí điểm đến hết ngày 31/12/2024.

Dịch vụ Mobile Money cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp/rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch của nhà mạng... mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, điện thoại thông minh, không cần kết nối Internet.

Ngoài ra, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ Mobile Money trước tháng 5/2024.