Tháo điểm nghẽn giá điện

Nguyễn Cảnh - 08:12, 11/11/2023

TheLEADERĐảm bảo an ninh năng lượng và cung cấp điện, vướng mắc nhất vẫn là giá điện.

Tháo điểm nghẽn giá điện
Giá điện ảnh hưởng lớn đến quyết định của các nhà đầu tư.

Những nút thắt

Nhiều nút thắt liên quan tới giá điện và đảm bảo an ninh năng lượng đã được làm rõ tại phiên họp thứ 27 mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. 

Thứ nhất, là vấn đề cung không đủ cầu, chính sách giá năng lượng còn bất cập. Theo ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, Phó trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, đặc biệt đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ năm 2022, thiếu điện một số thời điểm của năm 2023.

Nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.

Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện. Chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường và chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.

Một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn.

Ông Huy cho rằng, điện là vấn đề trọng tâm, các phân ngành như dầu khí, than đều tập trung để sản xuất điện; đối mặt với vấn đề an ninh năng lượng, đảm bảo cung cấp điện, điều vướng mắc nhất là giá điện.

Nút thắt thứ hai là bất cập trong cụ thể hóa chủ trương, chính sách pháp luật liên quan. Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, bất cập lớn hiện nay là quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách trong từng lĩnh vực điện lực, dầu khí… 

Việc phê duyệt quy hoạch vẫn lúng túng bởi trên thực tế, vấn đề này được điều chỉnh ở các luật khác nhau, nhiều vấn đề chưa chế định trong các văn bản. Do đó, Phó thủ tướng cho rằng cần làm rõ các sơ hở liên quan tới điều chỉnh quy hoạch và cơ sở quy hoạch.

Đối với những vấn đề đã được chỉ rõ trong nghị quyết của Bộ Chính trị như nguồn năng lượng sơ cấp, than, khí, dầu khí,... cần xem xét để đảm bảo thực hiện theo cơ chế thị trường và mua bán điện cạnh tranh trên ba cấp độ khác nhau; tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện vẫn còn lúng túng.

Bên cạnh đó, hiện đã có nhiều chủ trương, chính sách về năng lượng tái tạo nhưng chưa có quy định về xác định giá. Việc phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương đúng nhưng cần có phương pháp quản lý hiệu quả khi đầu tư giữa các nguồn điện, đảm bảo an toàn giữa điện tái tạo và điện nền cũng như giữa nguồn điện và truyền tải điện.

Về vấn đề giá điện, phương pháp định giá và các quy định pháp luật vẫn còn nhiều quan điểm. Vì vậy, Phó thủ tướng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo chưa cần sửa Luật Điện lực vẫn có thể quy định được giá thị trường của giá điện, đặc biệt cho phép mua bán điện trực tiếp và tính toán thêm một số chi phí liên quan đến vận hành, điều tiết, phân phối.

Điểm nghẽn giá điện

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, trong đầu tư một số nguồn điện, giá là một điểm nghẽn rất quan trọng. Điều hành giá điện ngoài việc theo cơ chế thị trường vẫn cần phải có sự điều tiết của Nhà nước.

Nhà nước cần phải điều tiết ở chính sách an sinh xã hội và nhằm phục vụ mục tiêu kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh đó, việc điều tiết giá điện cần có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng, cũng như các bộ ngành có liên quan.

Vấn đề thứ hai là đảm bảo dự trữ nhiên liệu đầu vào phải dự phòng, dự báo được, để tránh hiện tượng có những cú sốc.

Ông Long nhấn mạnh, đối với điện, khi quyết định giá phải tính đúng, tính đầy đủ chi phí, kịp thời để đủ bù đắp chi phí, có mức lãi nhất định mới có nguồn cung ứng đảm bảo.

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho rằng, về giá và cơ chế điều chỉnh, đối với ngành điện nói chung, quan trọng nhất vẫn là cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sẽ quyết định doanh thu của ngành điện tại Quyết định 24/2017. Quyết định này đã được Thủ tướng chỉ đạo cần phải điều chỉnh.

Lý do theo ông Hồi, về phương pháp luận, hiện nay giá bán lẻ điện bình quân đang được xây trên nền tảng các dữ liệu dự báo, đầu năm lập giá bán điện bình quân lấy trên cơ sở dự báo của cả năm đó, rất rủi ro cho những người ra quyết định và người thực hiện. 

Thứ hai là thẩm quyền ra quyết định được luật hoá ở mức độ cao hơn, có thể lên đến mức nghị định của Chính phủ. Lúc đó người dân sẽ thấy trong một năm, ví dụ đưa ra chu trình điều chỉnh và chu trình này có trong nghị định - có lúc tăng, lúc giảm, người tiêu dùng nhìn thấy giá điện từng bước mang tín hiệu của thị trường.

"Quyết định 24 đã lâu rồi, Quyết định 28 cũng ban hành 10 năm rồi, lúc đó có thể phải để giá điện sản xuất thấp để thu hút đầu tư nhưng giờ phải có những điều chỉnh kịp thời", ông Hồi nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đề xuất loạt giải pháp liên quan đến giá điện, trong đó có hạch toán đầy đủ cho doanh nghiệp. 

“Phải tính đầu tiên bán được 1kW điện là phải thu về được 2.200 đồng, trong đó Nhà nước thực hiện hỗ trợ EVN 1.000 đồng vì EVN là doanh nghiệp nhà nước; hạch toán trên sổ của EVN vẫn có khoản thu đó, nhưng không tính được. Lúc đó, mới đảm bảo tính được đầy đủ hạch toán của giá điện”, ông Kiên phân tích.

Theo ông Kiên, nếu không hạch toán đầy đủ thì doanh nghiệp không thể bền vững sản xuất và không minh bạch được, phải hạch toán đúng phần hỗ trợ vào sản lượng điện và thực hiện an sinh xã hội.

Hạch toán phải ban hành được giá FIT theo vùng, miền và theo loại hình sản xuất, sử dụng năng lượng, sử dụng nhiên liệu, để tránh tình trạng như hiện nay tỉnh nào cũng đề nghị không xây dựng nhà máy nhiệt điện than vì bảo vệ môi trường, thực hiện phát thải bằng 0.

"Không có nguồn điện nền thì lấy đâu ra năng lượng tái tạo trong khi đã bỏ nhiệt điện nguyên tử một thời gian sau sự cố Fukushima", ông Kiên nói. 

Cũng theo ông Kiên, cần phải tính truyền tải vào trong chi phí và tổng mức đầu tư như tổng sơ đồ điện VIII dự kiến vì tổng mức đầu tư của đường truyền tải, đặc biệt đường 500kV vô cùng lớn. Nếu không tính vào và có cơ chế PPP để thực hiện thì không thể thu hút được các nhà đầu tư.