The Economist: 'Bẫy thu nhập trung bình' chưa bao giờ nghiêm trọng như mọi người vẫn nghĩ

Linh Lan - 09:07, 25/10/2017

TheLEADERChuỗi báo cáo đặc biệt của The Economist chỉ ra rằng, các thị trường mới nổi hoàn toàn có cơ hội bắt kịp các nền kinh tế phát triển.

The Economist: 'Bẫy thu nhập trung bình' chưa bao giờ nghiêm trọng như mọi người vẫn nghĩ
Mối quan hệ ràng buộc giữa các thị trường giúp các thị trường mới nổi không bị bỏ lại trên con đường phát triển. Ảnh: The Economist

Trong quá khứ, các nước đang phát triển phải chịu đựng sự thiếu tín nhiệm đối với nền kinh tế vĩ mô từ các nước khác. Họ không thể thuyết phục các bên khác cho gửi tiền hoặc cho vay bất chấp những khó khăn mà họ phải đối mặt trừ khi họ neo tỷ giá hối đoái với đồng đô la và định giá nợ của họ bằng đồng tiền mạnh hơn. 

Vì vậy, họ thường phải vật lộn để bù đắp cho sự suy thoái bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tài khoá. Họ không thể cắt giảm lãi suất vì sợ làm mất giá đồng tiền và gia tăng lạm phát. Họ cũng không thể cắt giảm thuế hoặc tăng chi tiêu công mà bỏ qua mối lo tăng nợ. Hay nói cách khác, họ đã bị rơi vào bẫy 'chu kỳ kinh tế'.

Sự cách biệt về kinh tế vĩ mô này khiến các nước đang phát triển dễ bị tổn thương bởi các động thái tăng lãi suất của Mỹ và hiện tượng rút vốn đột ngột của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cũng làm cho các nền kinh tế giàu tài nguyên gặp khó khăn hơn trong việc đối phó với những bất ổn của chu kỳ hàng hóa. 

Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi đã bắt đầu thoát khỏi những bất lợi này. Các ngân hàng trung ương đã giành được nhiều tín nhiệm trong quá trình chống lạm phát, giúp cho các chính phủ của họ có thể dễ dàng bán nợ bằng đồng tiền của mình. Điều đó, lần lượt, đã giúp nới lỏng bẫy 'chu kỳ kinh tế'.

Sự trưởng thành của nền kinh tế vĩ mô cho phép các thị trường mới nổi đối phó tốt hơn với hai động lực toàn cầu thường xuyên gây sức ép lên họ trong quá khứ: chu kỳ hàng hóa và chu kỳ Fed. Do đó, quyết định tăng lãi suất và cắt giảm bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed sẽ không gây ra sự hỗn loạn cho các nền kinh tế mới nổi như đối với sự kiện năm 2013, chứ chưa nói đến cú sốc Volcker năm 1979-1981. Cú sốc này đã khiến nhiều nước châu Mỹ Latinh đang phát triển đầy hứa hẹn tụt dốc trong một thập kỉ, làm dấy lên mối lo ngại về cái 'bẫy thu nhập trung bình'. Chuỗi báo cáo đặc biệt của The Economist đã lập luận rằng nguy cơ này không bao giờ là nghiêm trọng như nhiều người vẫn nghĩ.

Những người tin vào bẫy thu nhập trung bình thường cho rằng, một khi các nước đang phát triển đã cạn kiệt những lợi ích vốn có của họ như lao động giá rẻ, họ sẽ rơi vào trạng thái trì trệ. Một số người lo ngại rằng, ngay cả những lợi thế quan trọng nhất là lao động rẻ cũng đã bị suy giảm bởi tự động hóa, làm cho các nước nghèo sẽ trở nên 'phi công nghiệp hóa' sớm.

Nhưng phân tích sâu hơn các bằng chứng cho thấy, số công ăn việc làm ở các thị trường mới nổi không giảm, nó chỉ đơn thuần di chuyển sang các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc. Hơn nữa, sự dịch chuyển này có thể sẽ đảo chiều, khi loại hình công việc ở Trung Quốc chuyển hướng sang dịch vụ, để lại những khoảng trống cho các công xưởng khác của thế giới.

Theo Ngân hàng Thế giới, 9 trong số 24 thành viên của chỉ số chứng khoán MSCI là các quốc gia có thu nhập cao và các nước khác đang trên đỉnh tăng trưởng.

Sự trưởng thành mới này cũng được phản ánh trong hiệu suất thị trường tài chính của các nước này. Trong quá khứ, các cổ phiếu của các thị trường mới nổi đã cung cấp cho nhà đầu tư triển vọng lợi nhuận cao hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với biến động cao hơn. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, họ đã đưa ra một sự kết hợp của rủi ro và lợi nhuận phù hợp với các tiêu chuẩn của thị trường phát triển, theo MSCI. Trong hoạt động thị trường và chính sách kinh tế vĩ mô của họ, khoảng cách giữa các nền kinh tế mới nổi và các nước phát triển đã thu hẹp lại.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông ngưỡng mộ nền chính trị mạnh mẽ của Nga, và ông 'thèm muốn' thặng dư thương mại của Trung Quốc. Steve Bannon, cựu chiến lược gia của ông, tin rằng Trung Quốc đã học hỏi "hệ thống bảo hộ sản xuất" của Mỹ được đưa ra bởi nhà kinh tế học Alexander Hamilton vào cuối thế kỷ 18. Vị chiến lược gia, vì vậy, muốn tổng thống của mình lấy lại hệ thống đó. 

Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở Mỹ sẽ hạn chế phạm vi tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi. Và cơ hội cho các nền kinh tế này để đề xuất các chính sách thương mại và đầu tư của họ trong các hiệp định đa phương cũng giảm đi, nhờ sự thoái trào của Mỹ với động thái gia tăng bảo hộ thương mại.