Thiếu kỹ sư cản trở ngành sản xuất chip của Việt Nam

Dũng Phạm - 20:19, 06/09/2023

TheLEADERTheo Reuters, tình trạng thiếu kỹ sư có kinh nghiệm đang trở thành một thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn nhằm nhanh chóng biến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất chip của thế giới.

Thiếu kỹ sư cản trở ngành sản xuất chip của Việt Nam
FPT Semiconductor là một trong những công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch đầu tiên của Việt Nam.

Phát triển công nghiệp bán dẫn dự kiến sẽ là tâm điểm khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm Việt Nam từ ngày 10/9 tới đây, cùng với mục tiêu chính thức nâng tầm quan hệ giữa hai nước. 

Theo đó, phía Mỹ sẽ đề nghị hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip trị giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng số lượng hạn chế các kỹ sư có kinh nghiệm sẽ là trở ngại lớn cho sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp chip tại Việt Nam.

Ông Vũ Tú Thành, Giám đốc văn phòng Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam cho biết: “Số lượng kỹ sư hiện có thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để hấp thu các khoản đầu tư hàng tỷ USD”, khoảng 1/10 nhu cầu dự kiến trong 10 năm tới.

Dân số Việt Nam hiện vào khoảng 100 triệu dân nhưng chỉ có 5.000 đến 6.000 kỹ sư phần cứng được đào tạo cho lĩnh vực sản xuất chip, so với nhu cầu dự kiến là 20.000 trong 5 năm và 50.000 trong một thập kỷ tới, ông Thành cho biết thêm theo số liệu ước tính.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trị giá hơn nửa tỷ USD mỗi năm và hiện đang được tập trung vào khâu phụ trợ của chuỗi cung ứng, gồm các bước lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip, trong bối cảnh việc mở rộng sang các lĩnh vực như thiết kế chip đang chậm.

Phía Mỹ chưa nêu rõ phân khúc nào của ngành chip tại Việt Nam sẽ được ưu tiên, nhưng các nhà điều hành ngành công nghiệp này tại Mỹ đã chỉ ra rằng phụ trợ là lĩnh vực tăng trưởng chủ chốt.

Hiện nay, Trung Quốc đang đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi lắp ráp chip. Theo Boston Consulting Group, gần 40% hoạt động sản xuất phụ trợ toàn cầu là ở Trung Quốc trong năm 2019, so với chỉ 2% của Mỹ.

Điều này làm cho phân khúc lắp ráp trở thành một trong những phân khúc cạnh tranh nhất trong ngành, sau sản xuất chip. Đồng thời, đây cũng là mảng phân khúc Trung Quốc duy trì được vị thế dẫn đầu dù cho Intel đã hoạt động ở Việt Nam được khoảng 15 năm với nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, trong một diễn biết đang thu hút sự quan tâm, ông lớn trong ngành chip – Amkor Technology đang xây dựng gần Hà Nội “một nhà máy lớn hiện đại để lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen cho biết trong chuyến thăm Hà Nội vừa qua.

Thêm nữa, sẽ có thêm dòng vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt nếu lượng lớn trong số 500 triệu USD theo Đạo luật về chip của Mỹ dành cho chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu được chuyển tới Việt Nam.

Ông Nguyễn Hùng, Giám đốc chương trình cấp cao về chuỗi cung ứng tại Đại học RMIT Việt Nam, cho biết Mỹ cũng có quan tâm đến việc thúc đẩy nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho chip của Việt Nam, đặc biệt là đất hiếm, khi Việt Nam được ước tính có trữ lượng lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang thu hút các phân khúc thiết kế chip nhỏ hơn. Theo đó, công ty phần mềm thiết kế chip Synopsys của Mỹ đã bước vào hoạt động, đối thủ của họ là Marvell cũng đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm "đẳng cấp thế giới" tại đây cùng các công ty nội địa đang mở rộng quy mô.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang thu hút sự quan tâm từ các nhà sản xuất máy sản xuất chip và đã đặt ra tham vọng xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên vào cuối thập kỷ này.

Tuy nhiên, tham vọng về ngành công nghiệp bán dẫn có thể vẫn là giấc mơ “viển vông” nếu tình trạng thiếu lao động có tay nghề không được giải quyết thỏa đáng, khiến Việt Nam dễ bị cạnh tranh hơn trước các đối thủ khác trong khu vực như Malaysia và Ấn Độ.

Trước đó, các quan chức cho biết Intel đã nhiều lần kêu gọi các cơ quan chức năng tăng cường bổ sung đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề. Intel đã rót thêm 475 triệu USD vào nhà máy tại Việt Nam vào cuối năm ngoái, nâng tổng mức đầu tư sau 16 năm hoạt động lên gần 1,5 tỷ USD.

Ngoài ra, ông Vũ Tú Thành cũng cho biết thêm, một giải pháp thay thế có thể nới lỏng các quy định của Việt Nam trong việc cấp giấy phép lao động cho kỹ sư nước ngoài. Nhưng giải pháp này không hề dễ dàng khi cần thay đổi luật pháp và thủ tục hành chính mạnh mẽ.