Trăn trở mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% năm 2020

Hoàng Dung - 08:00, 16/01/2020

TheLEADERMột số cơ quan đánh giá mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm nay có khả năng đạt được nhưng cũng có không ít cho rằng khó khả thi.

Trăn trở mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% năm 2020
Việt Nam được nhận định cần phải thận trọng trong quan hệ thương mại quốc tế. Ảnh: ADB.

Nghị quyết số 85/2019/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,8% và lạm phát ở mức dưới 4%.

Tuy nhiên, nhiều dự báo của tổ chức trong nước lẫn quốc tế đều cho thấy khó đạt được con số tăng trưởng trên.

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam được công bố mới đây bởi Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tăng trưởng GDP năm nay dự báo đạt 6,48% với mức lạm phát trên mục tiêu 4%. Do vậy, Việt Nam được nhận định cần nỗ lực rất nhiều để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra do những bất ổn chính trị trên thế giới có ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước.

Nhóm nghiên cứu của VEPR nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ phụ thuộc vào thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc sau việc kí kết các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tuy vậy, Việt Nam cũng cần phải thận trọng trong quan hệ thương mại quốc tế.

Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, trong khi đó, Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất. “Mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc và Mỹ cần rất thận trọng. Việc đối xử với các quốc gia trong thương mại quốc tế là 1 trong những vấn đề lớn của Việt Nam trong năm 2020”, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR lưu ý.

Để tận dụng được những cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng như các hiệp định thương mại tự do, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần có sự cải thiện thực chất và bứt phá hơn trong môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước, đặc biệt là cải cách thể chế về kinh tế số; mô hình kinh doanh mới.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cao cấp, Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu của BIDV đánh giá trong năm 2020, bên cạnh vấn đề nông nghiệp, tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế, những vấn đề xã hội gây bức xúc phát sinh cũng cần phải lưu tâm. Chất lượng nguồn nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường nếu không được giải quyết thì mọi nỗ lực tăng trưởng có khả năng bị “san lấp”.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng nếu xét theo Nghị quyết 01 của Chính phủ ban hành đầu năm 2019 với mục tiêu phát triển kinh tế bứt phá thì cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn là kinh tế Việt Nam chưa thực sự bứt phá. Vấn đề tăng trưởng bền vững cần phải quan tâm hơn nhiều, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

“Đây là câu chuyện không phải chỉ là đo độ ô nhiễm tại các thành phố đang trở nên nghiêm trọng mà vấn đề là chính sách, chiến lược cùng các cơ chế ứng phó nhanh. Việc bứt phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh còn cách rất xa so với yêu cầu về thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Bởi trong 2 năm 2018 và 2019, các doanh nghiệp mới chỉ đạt chưa đến 30% kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa do nhiều lý do khác nhau”, ông phân tích.

TS. Nguyễn Trí Thành nhìn nhận năm 2020 còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong phát triển kinh tế như thị trường bất động sản nên nền kinh tế Việt Nam cần hết sức thận trọng khi các chỉ số kinh tế đang tạo nên sức ép lớn cho công tác điều hành.

Ngân hàng thế giới (World Bank) trong báo cáo “Viễn cảnh kinh tế toàn cầu” vừa qua dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam 2020 ở mức 6,5% và duy trì trong năm 2021 với mức lạm phát 3,3% trong cả hai năm.

Giữa tháng trước, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trong ấn phẩm cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2019 cho rằng GDP của Việt Nam đạt 6,8% trong năm nay, cao hơn mức đưa ra trước đó 1%.

HSBC trong báo cáo “Vietnam at a glance” vừa qua thì nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,6% năm 2020 khi dòng vốn FDI tiếp tục thúc đẩy khả năng sản xuất cùng cơ hội từ những hiệp định thương mại mới.