Vì sao phải điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần?

Nguyễn Cảnh - 11:28, 22/10/2023

TheLEADERTheo Bộ Công thương, việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu 3 tháng một lần sẽ đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều, có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN.

Vì sao phải điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần?
Một trong những mục tiêu chính của việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện là để không ảnh hưởng cân bằng tài chính của EVN. Ảnh minh họa: Hoàng Anh

Chu kỳ điều chỉnh giá điện hiện hành là tối thiểu 6 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất và được quy định tại Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công thương đã có đề xuất gửi Chính phủ muốn rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện xuống 3 tháng một lần. 

Đáng chú ý, đề xuất này không vấp phải bất cứ phản đối nào từ các bộ như tài chính, tư pháp, kế hoạch và đầu tư, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong quá trình lấy ý kiến.

Liên quan đến đề xuất của Bộ Công thương, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện thị trường phân phối điện ở Việt Nam vẫn là thị trường độc quyền, mặc dù có 7 đầu mối kinh doanh điện, nhưng cuối cùng thẩm quyền phân phối điện vẫn nằm trong tay EVN.

“Với tính độc quyền như vậy, việc tính toán giá thành cho các yếu tố đầu ra, đầu vào, lương thưởng… vẫn chưa công khai, minh bạch. Do vậy, nếu giao thẩm quyền cho EVN cứ 3 tháng được điều chỉnh giá điện một lần thì cần phải thận trọng trong việc xem xét”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, theo chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, muốn điều chỉnh giá điện nên thành lập Hội đồng năng lượng độc lập ngoài EVN để đánh giá giá nhiên liệu đầu vào nhằm điều chỉnh đầu ra, việc này nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tình trạng lạm quyền.

Lý giải về đề xuất này, Bộ Công thương cho biết, Trong quá trình xem xét đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN năm 2022 và 2023, Thường trực Chính phủ có ý kiến về nghiên cứu điều chỉnh giá điện theo lộ trình, có thể điều chỉnh giá điện nhiều lần trong năm để tránh gây tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, đồng thời đảm bảo phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào.

Do đó, theo Bộ Công thương, cần xem xét tới việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện để đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều, có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN. Cùng với đó, có thể cân nhắc những thời điểm thuận lợi để xem xét điều chỉnh giá điện, dần đưa giá điện thích ứng với biến động của thông số đầu vào.

Với các lý do trên, Bộ Công thương cho rằng đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu 3 tháng là phù hợp. Đáng chú ý, nội dung này không vấp phải bất cứ phản đối nào từ các bộ như tài chính, tư pháp, kế hoạch và đầu tư, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN trong quá trình lấy ý kiến.

Bộ Công thương cũng khẳng định, việc điều chỉnh giá điện các năm qua đã ngày càng minh bạch hơn khi có sự tham gia của các bộ, cơ quan liên quan. Trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh giá điện cũng như phương án giá điện do EVN xây dựng đã được quy định trong Quyết định 24 và tiếp tục được quy định tại dự thảo thay thế.

Ngoài ra, giá nhiên liệu cho sản xuất điện hiện tại được thực hiện cơ bản hoàn toàn theo thị trường, thông tin về giá nhiên liệu thường xuyên được cập nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có xăng dầu.

Vì vậy, Bộ khẳng định, việc thành lập Hội đồng năng lượng độc lập như nêu trên là không cần thiết.

Ở một góc nhìn khác, GS.TS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực và lưu ý phải tránh độc quyền bán buôn, bán lẻ điện và có thị trường điện cạnh tranh. Để có thị trường này đúng nghĩa cần có sự xuất hiện của những doanh nghiệp, công ty mua bán điện ngoài EVN để tham gia cạnh tranh.

Bộ Công thương cho biết, thị trường điện cạnh tranh (gồm cả phát điện và bán buôn điện) hiện đang được vận hành theo các quy định pháp luật có liên quan. Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và báo cáo các cấp có thẩm quyền về thực hiện thị trường điện cạnh tranh theo lộ trình trong thời gian sắp tới.