Vui buồn chuyện sổ hộ khẩu

Nhà văn Thương Hà - 09:00, 21/01/2023

TheLEADERThời bao cấp, có hai loại báu vật bằng giấy tờ quý giá vô cùng là sổ hộ khẩu và sổ gạo. Dĩ nhiên, còn hàng mớ giấy tờ xác định tiêu chuẩn mua bán ăn uống cũng thuộc diện quý giá nâng niu là: “tem lương thực”, hay “phiếu vải”, “phiếu đường”, “phiếu mua chất đốt”… nữa, nhưng vẫn không tối quan trọng bằng “sổ mua lương thực”, hay được gọi bằng cái tên rút gọn rất chính xác và đau đớn là… “sổ gạo”, và sổ hộ khẩu.

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Khi mà cuộc sống nghèo nàn lam lũ với bữa cơm đạm bạc mỗi ngày, có năm mất mùa thì đói, bữa ăn thêm sắn khoai thay cơm, đời sống bấp bênh nên “phấn đấu” có được cái “sổ gạo” là “chắc ăn”, yên tâm, yên chí lớn. Cái sổ gạo như báu vật trong nhà, là sở hữu của công nhân viên chức nhà nước, của xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp; còn dân thôn quê thì được chia lúa theo định lượng tùy theo mùa vụ thất bát hay bội thu. Thời bao cấp cũng gần như trùng với thời chiến tranh, không bom đạn cả nước thì cũng giặc giã ở biên giới Tây Nam và phía Bắc. Con trai làng trai phố lần lượt ra trận, làng toàn ông già bà lão, đàn bà con gái và trẻ con nên con gái có “sổ gạo” cũng có giá, cũng đắt chồng. Con trai ế bộ đội, yếu ớt, dặt dẹo nhưng có “sổ gạo” thì phong độ, đẳng cấp giai cũng lên vài “chân kính”, đắt vợ như tôm tươi. “Sổ gạo” có một thời vàng son.

Sổ gạo bị đời sống bỏ rơi và khai tử vào lúc “chiếc chìa khóa vạn năng” kinh tế thị trường mở toang cái khóa kiên cố đã bền vững nhiều thập niên của quan liêu bao cấp, kế hoạch hóa và xóa bỏ nó, đưa nó vào dĩ vãng buồn. Năm 1986, đất nước rùng rùng chuyển động bước vào thời kỳ đổi mới sâu sắc toàn xã hội. Kinh tế thị trường mở ra, xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ”, kinh tế phát triển, hàng hóa lưu thông, mùa màng bội thu, không những đủ, mà còn thừa gạo ăn đem xuất khẩu. Lịch sử đất nước sang trang mới, manh nha xuất hiện một tầng lớp xã hội mới - doanh nhân. Nhân dân hết cảnh rồng rắn xếp hàng mua gạo, mua thực phẩm và chất đốt ở các cửa hàng nhà nước. Sổ gạo chỉ còn trong ký ức, sau này đôi khi chỉ còn bắt gặp nó ở trong các triển lãm đồ vật, triển lãm ảnh thời bao cấp, hay trong các bộ sưu tập cá nhân.

Nhưng, sổ hộ khẩu thì không chịu “cắp nón” ra đi cùng “sổ gạo”. Sổ hộ khẩu vẫn cứ níu giữ, đeo bám dai dẳng, triền miên với đời sống người dân dù đã sống thời kinh tế thị trường thêm hơn ba chục năm nữa. Tính đến nay, lịch sử sổ hộ khẩu đã có thâm niên gần 70 năm.

Sổ hộ khẩu chỉ bằng giấy khoảng hơn chục trang mà nó là “quyển sổ thần thánh”. Hộ khẩu đã có quyền lực ấm no ở thành phố Hải Phòng, thành phố Vinh, thành phố Nam Định… thì miền “đất Thánh” thủ đô Hà Nội, nó có quyền uy “nghiêng trời lệch đất” thay đổi cả số phận người. Bởi có hộ khẩu thành phố là có tiêu chuẩn “sổ gạo”, có tem gạo, có phiếu thực phẩm, có phiếu chất đốt, phiếu vải. Có hộ khẩu Hà Nội thì nghiễm nhiên là dân Thủ đô, được dùng nước máy, “ăn trắng mặc trơn” mái tóc mượt, nước da đẹp. Với lại “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội”, có hộ khẩu thủ đô thì dễ kiếm ăn, dễ sống, dễ làm giàu. Cho nên thời bao cấp quản lý hộ khẩu càng chặt chẽ, ngăn chặn làn sóng di cư từ nông thôn ra thành phố càng mạnh mẽ thì khát vọng kiếm cái hộ khẩu Hà Nội càng quyết liệt. Hộ khẩu Thủ đô là niềm mơ ước của người làm công ăn lương tỉnh lẻ, là khát khao của nam thanh nữ tú thôn quê. Ông bố bà mẹ nào có con nhận công tác ở Hà Nội, được nhập hộ khẩu đô thành là niềm tự hào của gia đình, các bậc phụ huynh đem khoe khắp làng.

Vui buồn chuyện sổ hộ khẩu
Một khu tập thể cũ tại Hà Nội. Ảnh: Shutter

Nhưng, hộ khẩu cũng gây cho người dân lắm chuyện nhiêu khê, phiền hà. Những người trưởng thành sống thời bao cấp vẫn nhớ như in cuộc di dân đi kinh tế mới ở Tây Bắc (đầu thập niên 1960), và đi xây dựng quê hương mới ở Lâm Đồng cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Khí thế hừng hực và hào hùng! “Đi ta đi khai phá rừng hoang/ Hỏi núi non cao đâu sắt đâu vàng. Hỏi biển khơi xa đâu luồng cá chảy…”. Lao động là vinh quang, đi xây dựng kinh tế mới càng vinh quang. Nhưng, điều kiện sống ở nơi chốn mới rất khó khăn, người thị dân không kịp thích nghi, nhiều người không chịu đựng được khó khăn cả vật chất và tinh thần nên trốn về phố phường, bỏ về Hà Nội. Khổ nỗi “đã ra đi cấm kì trở lại”. Đi khỏi thành phố là… cắt hộ khẩu. Đi rồi, lại về chính nơi mình sinh ra lớn lên, hàng ngày uống nước máy, đi bộ trên vỉa hè, nhưng... không nhập được hộ khẩu. Không hộ khẩu thành phố cũng có nghĩa là phận người “lạc loài”, là “tứ cố vô thân”, sống ở nơi bố mẹ đẻ ra mình là… không quê hương. Không hộ khẩu là… không sổ gạo, không phiếu thực phẩm, không phiếu chất đốt, không mắc công tơ điện.

Chỉ riêng chuyện chất đốt thôi đã khốn khổ, than cám ở đâu, củi ở đâu, vỏ trấu ở đâu nếu không có phiếu để được hãnh diện xếp nón, xếp dép lê, xếp gạch nhận chỗ ở cửa hàng? Chỉ còn nước là ra bãi sông Hồng nhặt phân trâu bò khô, hoặc cắt năn lác, cỏ dại phơi khô để nấu nướng! Không hộ khẩu thì tài thánh cũng không được việc làm trong nhà nước, việc hợp tác xã thủ công, chỉ còn cách buôn thúng bán mẹt, hay “đội mũ cối, chân đi dép lốp, xuôi tầu Bắc Nam” buôn bán.

Nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ ra khỏi quân đội trở về nhà mà không thể nào nhập được hộ khẩu vào nhà 96, phố Huế. Cái nơi ông từng ở, về sau viết bài thơ Nhà chật: “Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi/ Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo/Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo/Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình...” Lưu Quang Vũ không có hộ khẩu nên cũng không xin được việc nhà nước phải đi vẽ pa nô áp phích, đi chấm công cho đội cầu đường, đi làm nhân viên hợp đồng cho một nhà xuất bản. Lưu Quang Vũ khi ấy đã rất nổi tiếng với tập thơ “Hương cây - Bếp lửa” in chung với nhà thơ Bằng Việt còn khó nhập hộ khẩu như vậy, huống hồ là người thường.

Hộ khẩu nó quan trọng đến mức có sổ hộ khẩu thì mới được đưa vào là một trong các tiêu chuẩn xét phân phối nhà. Không có hộ khẩu Hà Nội thì đừng nghĩ đến chuyện viết đơn xin một chốn dung thân. Thế nhưng oái oăm ở chỗ: Ai có nhà mới được xét nhập hộ khẩu, nhưng khi xét phân phối nhà thì lại đòi có hộ khẩu mới xét. Không có một trong hai cái ấy thì muôn năm vẫn chỉ là công dân hạng hai của Thủ đô. Chuyện cứ như đùa, mà thật trăm phần trăm, muốn cười ra nước mắt.

Vui buồn chuyện sổ hộ khẩu 1
Vui buồn chuyện sổ hộ khẩu 2
Bỏ sổ hộ khẩu cũng như tem-phiếu bởi vì nó mang tính lịch sử nhất thời. Nó phù hợp với giai đoạn đất nước thời bao cấp, kế hoạch hóa, nhưng nó bất hợp lý ở thời kinh tế thị trường, thời hội nhập toàn cầu.

Hộ khẩu với phận người như thế nên người đã có hộ khẩu Hà Nội thì cố bám thủ đô. Lấy vợ nông thôn nhưng không chuyển hộ khẩu về Hà Nội được, vợ chồng con cái đành xa nhau. Chồng làm việc ở Hà Nội, rồi kẽo kẹt đạp xe đạp, hoặc nhảy ô tô cà cộ về sum vầy đoàn tụ ngày chủ nhật ngắn ngủi. Cơ quan tôi có ông nhà thơ, chồng làm Hà Nội vợ làm ở Hải Phòng mà phải nhảy tàu đi lại hơn 10 năm mới hợp lý hóa được gia đình. Có nhiều cặp uyên ương phải chia tay vì không nhập được hộ khẩu, dù yêu nhau tha thiết. Còn đôi nào quyết chí “anh sống bên em trọn đời” thì lại lâm vào hoàn cảnh có nhà mới nhập được hộ khẩu, và có hộ khẩu thì mới được phân phối nhà. Tình yêu phải vĩ đại lắm, bản lĩnh phải kiên cường lắm mới vượt qua được chuyện cơm áo gạo tiền không hộ khẩu.

Sống không hộ khẩu cái thời bao cấp xa vắng ấy đầy rẫy khó khăn, lam lũ, phiền hà thì còn giải thích được, còn cảm thông được, chứ thời kinh tế thị trường cái vòng kim cô sổ hộ khẩu dù đã nới rộng ra, nhưng nó vẫn cứ “củ hành củ tỏi” người dân và doanh nghiệp rất nhiều. Hiện nay, vẫn có 20 nghị định khác nhau còn yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, tạm trú “chủ yếu thuộc các lĩnh vực giáo dục; y tế; đất đai, thuế, điện lực, thông tin truyền thông, và an sinh xã hội”. Trong khi đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm được rộng mở cho người dân, và giao lưu văn hóa, du lịch, giao thương buôn bán được thông suốt trong cả nước; vậy thì những rào cản như sổ hộ khẩu càng phải được xem xét bỏ đi.

Cái gì không hợp lý thì không tồn tại. Bỏ sổ hộ khẩu bởi vì sổ hộ khẩu mang tính lịch sử nhất thời. Nó phù hợp với giai đoạn đất nước thời bao cấp, kế hoạch hóa, nhưng nó bất hợp lý ở thời kinh tế thị trường, thời hội nhập toàn cầu; đặc biệt là ở thời kỳ công nghệ phát triển như ngày nay. Bỏ sổ hộ khẩu thay bằng CCCD gắn chip điện tử, hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú, hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một bước tiến khoa học, ưu việt.

Cái gì hợp lý thì tồn tại.