5 xu hướng mới của du lịch nội địa

Minh Nhật - 10:54, 02/06/2020

TheLEADERTrong bối cảnh du lịch tập trung vào khách nội địa sau giãn cách xã hội, cơ cấu ngành du lịch cần có sự thay đổi về sản phẩm cũng như phương thức để đáp ứng với những thay đổi trong cách đi du lịch của khách Việt.

Nhu cầu du lịch hậu Covid-19

Khảo sát du khách nội địa hậu Covid-19 của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) chỉ ra rằng nhu cầu du lịch nội địa bắt đầu phục hồi từ cuối tháng 4 sau khi giãn cách xã hội được nới lỏng. 

Theo khảo sát này, hơn 53% người khảo sát cho biết đã sẵn sàng đi du lịch ngay trong mùa hè này.

Về mức giá, đại dịch Covid-19 đã tác động đến chi tiêu ngân sách, khiến gần 50% người trả lời lựa chọn tour ngắn ngày (2-3 ngày). Ngoài ra, năm nay, trẻ em chỉ được nghỉ hè rất ngắn (1 tháng) cũng có thể là một nguyên nhân.

Khi lựa chọn dịch vụ du lịch có ưu đãi, đa số người tham gia khảo sát (87%) mong muốn nhận được ưu đãi trực tiếp vào giá dịch vụ.

Đáng chú ý, thói quen giãn cách xã hội sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới do e ngại về dịch bệnh, khiến gần 90% người trả lời khảo sát cho biết sẽ đi theo gia đình hoặc nhóm bạn bè. Lý do điểm đến an toàn và có an ninh an toàn cao hơn lý do các ưu đãi dịch vụ du lịch khi người dân lựa chọn các chuyến đi.

Covid-19 cũng tác động đến thói quen mua sắm trực tuyến của khách hàng trong thời gian giãn cách xã hội. 44% người trả lời cho biết sẽ tiếp tục lựa chọn cách đặt phòng khách sạn hoặc tour du lịch thông qua nền tảng trực tuyến và đây sẽ là xu hướng đáng chú ý trong thời gian tới, TAB nhấn mạnh.

Về địa điểm, nhu cầu du lịch biển của người Việt tăng cao sau giãn cách xã hội, tiếp theo là du lịch thiên nhiên và các khu nghỉ dưỡng trên núi, khu du lịch sinh thái. Người Việt cũng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng (77% người trả lời lựa chọn), tiếp theo là khám phá ẩm thực.

Nắm bắt xu hướng 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, cho rằng một trong những giải pháp cần thiết hiện nay là các công ty lữ hành cần thiết kế sản phẩm bay, kết nối hãng hàng không vận chuyển, thiết kế đường bay và sản phẩm để đưa khách đi một cách an toàn. 

Ông Kỳ khuyến nghị các địa phương giảm giá 30-50% dịch vụ, cam kết doanh nghiệp du lịch các đại phương giảm giá, xúc tiến giảm giá chung.

Cơ cấu lại ngành du lịch thích ứng với xu hướng mới của nội địa
NNhu cầu du lịch biển của người Việt tăng cao sau giãn cách xã hội.

Bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn BIM, cho rằng, vì ngành du lịch cần tập trung vào khách nội địa bởi khả năng đón khách quốc tế trong năm nay là rất khó nên đây là cũng dịp để thay đổi cách nhìn nhận đối với du lịch nội địa trong bối cảnh phải cạnh tranh với các tour nước ngoài có mức giá thậm chí rẻ hơn với dịch vụ hấp dẫn hơn.

Theo bà Mai, cần có thông điệp rõ ràng từ Chính phủ, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch, địa phương rằng, du lịch nội địa đang an toàn và cần phải có chuẩn hóa về an toàn du lịch. Ví dụ, Singapore đã đưa ra chỉ tiêu thế nào là an toàn với các cơ sở kinh doanh du lịch, kiểm tra và cấp chứng chỉ nếu đạt chỉ tiêu.

Việt Nam phải xây dựng chiến dịch trên diện rộng, toàn quốc để quảng bá du lịch nội địa, các địa phương cần quảng bá, tạo dựng thương hiệu riêng. Bà Mai đề xuất thực hiện chiến dịch theo từng tuần lễ, tập trung tại từng địa phương từ Bắc vào Nam và đi kèm cùng các sự kiện.

Bên cạnh đó, tạo các cổng thông tin chính thức để khách du lịch nội địa có thể vào cổng và nhận thông tin, tìm hiểu về danh lam thắng cảnh, các dịch vụ du lịch nổi bật.

Theo TAB, chương trình kích cầu du lịch nội địa cần được truyền thông theo hướng coi đây là "cơ hội mang lại lợi ích" cho người Việt Nam để khám phá vẻ đẹp Việt Nam; cần thúc đẩy truyền thông về dịch vụ, điểm đến du lịch an toàn dịch bệnh và an ninh cho du khách để giải tỏa tâm lý e dè của du khách.

Đặc biệt, chương trình kích cầu cần sự liên kết giữa các đối tác để tạo giá trị gia tăng dịch vụ, như các hãng hàng không liên kết với các khách sạn, công ty lữ hành.

TAB khuyến nghị cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng các sản phẩm du lịch hướng tới du lịch gia đình, du lịch nhóm nhỏ trong khi các doanh nghiệp du lịch cần hướng tới thanh toán điện tử, đại lý du lịch trực tuyến (OTA), quảng bá qua mạng xã hội.

Các địa phương chủ động xây dựng chương trình kích cầu theo lộ trình với mức độ ưu đãi giảm dần, điều tiết giá kích cầu thông qua miễn, giảm các loại phí, lệ phí, ví dụ như phí tham quan sẽ miễn trong 1-2 tháng đầu, sau đó giảm 50% đến hết năm 2020.