Betolar chọn Việt Nam làm điểm khởi động ở thị trường châu Á

Quỳnh Chi - 16:06, 01/07/2022

TheLEADERBên cạnh Indonesia và Ấn Độ, Việt Nam được chọn làm điểm khởi đầu cho mục tiêu tăng trưởng của công ty công nghệ vật liệu Phần Lan Betolar ở khu vực châu Á, thông qua việc hợp tác với Trung Hiếu trong sản xuất vật liệu thay thế xi măng.

Betolar chọn Việt Nam làm điểm khởi động ở thị trường châu Á
Lễ ký kết hợp tác giữa Betolar và Công ty CP Phát triển Trung Hiếu

Betolar và Công ty CP Phát triển Trung Hiếu, đơn vị sản xuất gạch bê tông Việt Nam, vừa ký thỏa thuận thương mại sử dụng giải pháp Geoprime trong sản xuất các sản phẩm với hàm lượng khí thải thấp dựa trên nền kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các công trình và cơ sở hạ tầng xanh.

Ông Juha Pinomaa, Giám đốc Kinh doanh khu vực châu Á của Betolar cho biết, nhiều ngành công nghiệp khác nhau đang thải ra hàng tỷ tấn dòng phụ công nghiệp như tro than, phế thải, xỉ…rồi cuối cùng bị thải vào các ao và bãi chôn lấp. Các dòng phụ này thường độc hại và có nguy cơ lớn nếu bị rò rỉ ra môi trường.

Giải pháp Geoprime được phát triển nhằm sản xuất bê tông có tuổi thọ cao, bền vững và ít khí thải thông qua việc tận dụng các nguồn phế thải công nghiệp thay thế cho xi măng. Giải pháp này sẽ hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi xanh diễn ra ở đa dạng lĩnh vực công nghiệp, đồng thời góp phần giúp cho bê tông trở thành vật liệu xây dựng bền vững.

Theo kế hoạch của Betolar ở châu Á, từ 2020 đến 2023, hãng sẽ xác nhận sức hấp dẫn của thị trường Geoprime®, thiết lập khách hàng tham chiếu ban đầu tại ba quốc gia chủ chốt gồm Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia. Từ 2024, công ty này sẽ thâm nhập vào các thị trường trọng điểm khác.

Đặt vấn đề với Trung Hiếu năm 2020, thử nghiệm, đi đến ký kết hợp tác chính thức và bắt đầu sản xuất từ 2023 là những bước tiếp theo trong giai đoạn khởi động của doanh nghiệp đến từ Phần Lan trong kế hoạch này, sau khi thực hiện một số thoả thuận với đối tác ở Indonesia.

“Việt Nam là đất nước sản xuất xi măng lớn thứ ba và là nước tiêu thị xi măng lớn thứ tư trên thế giới, với 85 triệu tấn tiêu thụ hàng năm. Trước tiềm năng mạnh mẽ của vật liệu thay thế xi măng, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ mang lại các cơ hội thương mại đáng kể cho Betolar trong những năm sắp tới", ông Juha Pinomaa, Giám đốc Kinh doanh khu vực châu Á của Betolar chia sẻ.

Betolar chọn Việt Nam làm điểm khởi động ở thị trường châu Á
Ông Juha Pinomaa, Giám đốc Kinh doanh khu vực châu Á của Betolar

Chia sẻ về cái bắt tay với Trung Hiếu, ông Pinomaa nhấn mạnh tính tiên phong của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng xanh.

Xuất phát điểm là một kỹ thuật viên xây dựng, năm 2008, bà Luyên Nguyễn, nay là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Trung Hiếu bắt đầu thâm nhập và cung cấp các sản phẩm gạch cho thị trường vật liệu Đông Nam Bộ với sản lượng 20 triệu viên mỗi năm.

Trong quá trình này bà nhận thấy sản phẩm gạch tuynel sử dụng đất sét nung khiến các quả đồi bị khai thác, bào mòn quá nhanh để đáp ứng được nhu cầu của các dự án đô thị hoá đang mọc lên nhanh chóng. Tốc độ đô thị hoá, theo ông Tim Middleton, thành viên Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, đã tăng từ 19,6% năm 2009 lên 39,3% năm 2020 và dự kiến đạt 50% năm 2030.

Năm 2013, Công ty CP Phát triển Trung Hiếu được thành lập, chuyên sản xuất và sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong xây dựng. Trọng tâm chính của công ty này là sản xuất các sản phẩm gạch xây không nung chất lượng cao cho thị trường xây dựng miền Nam Việt Nam. Năng lực sản xuất ước đạt 100 triệu viên/năm tương đương với 120.000 tấn/năm.

“Trong quá trình sản xuất, chúng tôi mong muốn là sản phẩm phải thực sự thúc đẩy việc bảo vệ môi trường, giúp giải quyết các vấn đề phế thải công nghiệp. Khi Betolar đề xuất áp dụng giải pháp thay thế xi măng, tôi tin rằng đây sẽ là mấu chốt cho tương lai của sản phẩm gạch không nung”, bà Luyên cho biết.

“Trước nhu cầu về các sản phẩm bê tông bền vững đang tăng lên nhanh chóng, việc có thể cung cấp các sản phẩm bê tông với hàm lượng carbon thấp là điều quan trọng với chúng tôi. Chúng tôi sẽ hợp tác cùng Betolar để chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất sang các sản phẩm bê tông với hàm lượng carbon thấp trong năm 2023”, bà Luyên cho biết thêm.

Betolar chọn Việt Nam làm điểm khởi động ở thị trường châu Á 1
Sản xuất gạch ở Trung Hiếu

Dựa trên thỏa thuận với Betolar, Trung Hiếu sẽ có quyền sử dụng giải pháp Geoprime trong hoạt động sản xuất các sản phẩm bê tông với thời hạn 5 năm. Ngoài ra, Trung Hiếu cũng có quyền sử dụng nhãn hiệu đăng ký Geoprime cho các sản phẩm được sản xuất phù hợp với khái niệm này.

Theo đó, công nghệ geopolymer từ Betolar cho phép Trung Hiếu sản xuất với lượng khí thải CO2 ít hơn đến 80% đối với nguyên liệu thô và có thể tận dụng các nguồn phụ công nghiệp tại địa phương.

Việt Nam đang tích cực tìm kiếm các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế việc sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng, đồng thời đáp ứng nhu cầu đô thị hóa và gia tăng dân số đang diễn ra quá nhanh. Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cũng đang thúc đẩy sự chuyển dịch từ gạch đất sét nung sang vật liệu xây không nung, nhằm mục tiêu chuyển 40-45% của tổng số 26 tỷ viên gạch xây dựng sang gạch bê tông vào năm 2030.

Cho đến nay, đã có nhiều đơn vị nỗ lực hỗ trợ Việt Nam tìm ra các giải pháp bền vững hơn để ứng phó với tốc độ đô thị hóa và phát triển nhanh chóng, trong đó có thể kể đến UNDP, Ngân hàng Thế giới, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam cũng như các cơ quan phát triển nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ khác.