BIDV, VietinBank, Vietcombank và SHB chiếm 91% vốn cho vay BOT giao thông

Minh An - 16:02, 16/08/2017

TheLEADERTheo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, 20 tổ chức tín dụng đang cho các dự án BOT, BT giao thông vay hơn 84 nghìn tỷ đồng.

BIDV, VietinBank, Vietcombank và SHB chiếm 91% vốn cho vay BOT giao thông
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Ảnh: Zing

Bộ này dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, số dư nợ tập trung vào 4 ngân hàng là BIDV, VietinBank, Vietcombank và SHB (chiếm 91% dự nợ toàn ngành). Trong đó VietinBank và Vietcombank đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông ở mức rất cao.

So với năm 2015, tốc độ tăng trưởng cho vay các dự án BOT, BT năm 2016 đã chậm hơn nhiều. Trước đó, năm 2015 tổng dự nợ này đạt hơn 74 nghìn tỷ đồng, tăng 97% so với 2014.

Dù tỷ lệ nợ xấu thấp (0,003%) nhưng Ngân hàng Nhà nước nhận định việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tiềm ẩn rủi ro khả năng chuyển thành nợ xấu ở một số dự án chậm tiến độ.

Cơ quan này cũng đã ban hành nhiều chính sách để cảnh báo kịp thời đối với các tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án có độ rủi ro cao, mặt khác góp phần định hướng tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.

Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng một trong những bất cập trong đầu tư thực hiện các dự án BOT là nguồn lực chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng.

“Một số dự án nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu không đạt yêu cầu và dự án chủ yếu thực hiện bằng vốn vay ngân hàng. Vì vậy, khi lãi suất tăng do biến động tiền tệ sẽ gây rủi ro lớn đến việc thực hiện dự án”, Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội viết.

Cơ quan này dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết: Một số ngân hàng, chi nhánh ngân hàng cho vay vượt quá 15% vốn tự có.

Đồng thời, công tác thẩm định khoản vay chưa đầy đủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, vi phạm về thẩm định xét duyệt cho vay và vi phạm về hồ sơ vay vốn.

Một số chi nhánh ngân hàng cung cấp cam kết tín dụng vượt thẩm quyền, vượt định mức, chất lượng tín dụng thấp, tài trợ cho cả các dự án thiếu khả thi tài chính, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư yếu, không góp vốn chủ sở hữu tham gia vào các dự án theo đúng cam kết, dẫn đến phải dừng dự án.

Với đặc thù của các dự án giao thông BOT thường có vòng đời từ 15 đến 20 năm, trong khi vốn ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn. Sự chênh lệch kỳ hạn này tạo ra rủi ro lớn cho ngân hàng.

Hơn nữa, việc cấp tín dụng cho các dự án giao thông được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT cũng tiềm ẩn rủi ro khi các dự án bị chậm tiến độ.

Ngoài ra, việc thay đổi chính sách của Nhà nước (giảm phí, điều chỉnh tăng phí giao thông) đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng, tiềm ẩn rủi ro phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ khi nguồn thu nợ thấp hơn so với phương án tài chính khi phê duyệt dự án.

Tài sản bảo đảm cho các dự án BOT chủ yếu từ vốn vay nên rất khó định giá, tiềm ẩn rủi ro mất thanh khoản, nợ xấu cao nên lượng xe, doanh thu không đạt như dự kiến, gây khó khăn cho các ngân hàng trong thu hồi vốn.