Các công ty Việt đổ xô đến Mỹ nhân chuyến thăm của Thủ tướng

Nguyễn Lê - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERCác nhà đầu tư toàn cầu đang chứng kiến nhiều công ty Việt Nam công bố kế hoạch IPO tại Hoa Kỳ nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Mỹ trong tuần này.

Các công ty Việt đổ xô đến Mỹ nhân chuyến thăm của Thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với ông Robert H. McCooey Jr., Phó Chủ tịch NASDAG hôm thứ Hai

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại đa phương mà Việt Nam được dự đoán là một trong những người hưởng lợi nhiều nhất, đã thúc đẩy các doanh nghiệp đổ xô đến Mỹ để tiếp cận nguồn vốn và công nghệ.

Giám đốc điều hành của Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, dự kiến ​​sẽ đến thăm Sở Giao dịch Chứng khoán New York để nghiên cứu khả năng IPO trong tương lai gần. Hãng hàng không lớn thứ hai của Đông Nam Á cũng sẽ ký hợp đồng vay vốn và mua sắm động cơ với các đối tác Hoa Kỳ.

Giám đốc điều hành Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh: Internet

Hãng hàng không giá rẻ tư nhân đầu tiên của Việt Nam cho biết họ đã bắt đầu lên kế hoạch IPO ở nước ngoài, sau khi đã tiến hành IPO thành công trong nước vào tháng hai.

Công ty phần mềm FPT, một công ty con của Tập đoàn Công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, sẽ ký các thỏa thuận với các đối tác Hoa Kỳ bên lề hội nghị thượng đỉnh chính thức giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào thứ Tư. FPT đang hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ với trọng tâm phát triển phần mềm và các giải pháp công nghệ thông tin.

Trong khi đó, Vinagame (VNG), công ty game trực tuyến của Việt Nam, và sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ hai của Mỹ - Nasdaq Securities Exchange đã ký một bản ghi nhớ về việc phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng của VNG trên sàn Nasdaq, đánh dấu thành tựu là công ty công nghệ Việt Nam đầu tiên khai thác thị trường vốn New York.

Được thành lập vào năm 2004, VNG đã phát triển trở thành công ty Internet và công nghệ hàng đầu tại Việt Nam với hơn 2.000 nhân viên.

Các sản phẩm của công ty bao gồm ứng dụng Zalo, mạng xã hội phổ biến thứ hai tại Việt Nam (sau Facebook), với khoảng 70 triệu tài khoản. VNG đang mở rộng ra ngoài biên giới Việt Nam sau khi tiến hành thử nghiệm phần mềm Zalo tại Myanmar vào năm ngoái, thu hút được 2 triệu người sử dụng ở nước này cho đến nay. Công ty cũng sở hữu thương hiệu Zing, trang web giải trí và tin tức trực tuyến nổi tiếng nhất tại Việt Nam.

"Việc VNG tiến hành IPO tại Nasdaq sẽ truyền cảm hứng cho các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam".


Chủ tịch và Giám đốc điều hành VNG Lê Hồng Minh

Nasdaq sẽ giúp VNG thông qua quá trình niêm yết, bao gồm việc đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt đối với một công ty từ một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam để đưa ra thị trường. "Đây là bước đầu tiên không chỉ hỗ trợ VNG mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung", ông Robert H. McCooey Jr., Phó chủ tịch Nasdaq nói.

Gặp gỡ đại diện của Nasdaq là một trong những động thái đầu tiên trong chương trình nghị sự của Thủ tướng trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ. Mặc dù luật pháp Việt Nam yêu cầu các công ty trong nước phải niêm yết cổ phần trên thị trường nội địa trước khi tiến hành IPO tại nước ngoài, các chuyên gia trong nước tin rằng Hà Nội sẽ sẵn sàng hỗ trợ các công ty trong nước tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn để nhanh chóng tiến ra thị trường quốc tế.

Điều này được hiểu rằng thực chất sự thất bại của TPP đã thúc đẩy các công ty Việt Nam đẩy mạnh hoạt động vào Mỹ. Trong tương lai, Việt Nam sẽ vẫn cần thị trường Mỹ, cũng như nguồn vốn và công nghệ tại nước này để đạt được tăng trưởng kinh tế và thực hiện chính sách phát triển, theo ông Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore.

Việt Nam là một trong số nhiều quốc gia có sự mất cân bằng trong cán cân thương mại với Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo về việc thay đổi chính sách thương mại đối với các nền kinh tế này.

Tuy nhiên, sau khi Nhà Trắng rút khỏi TPP, Hà Nội đã tìm kiếm một cơ chế thay thế để duy trì quan hệ thương mại song phương và hợp tác kinh tế giữa hai nước, bên cạnh việc tăng cường quan hệ đối tác quân sự.

Thương mại song phương giữa hai nước đã đạt được đà tăng trưởng đáng kể sau khi ký Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 2001. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trị giá 38,5 tỷ USD vào năm ngoái. Đây cũng là một nhà đầu tư quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam, đứng thứ 8 trong số 116 quốc gia. Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Mỹ là 10,2 tỷ USD tính đến tháng 4/2017.