Tiêu điểm
'Câu chuyện đặc khu kinh tế chúng ta từng có cơ hội và đã từng lãng phí'
Đặc khu kinh tế trên lý thuyết hoàn toàn đúng, cũng như nhiều chuyện đúng đã làm nhưng nếu con người tham gia vào dự án này không biết đặt lợi ích chung cho xã hội lên lợi riêng của mình thì không chuyện đúng nào được làm cả.
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương đã thẳng thắn chia sẻ như vậy trong cuộc gặp gỡ với các doanh nhân nhân dịp đầu Xuân mới 2018 xoay quanh chủ đề “Nghịch lý mới trong kinh tế thế giới và tác động đến Việt Nam” do FBNC tổ chức.
Ông Trần Sĩ Chương từng là chuyên viên cố vấn kinh tế và tiền tệ tại Quốc hội Mỹ, từng thành lập và điều hành 5 doanh nghiệp tại Mỹ và 4 doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo ông, việc xây dựng ba đặc khu kinh tế Việt Nam như Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc liệu có tạo được sức hút cực lớn như kỳ vọng?
Ông Trần Sĩ Chương: Trung Quốc bắt đầu nổi lên từ 4 đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Châu Hải, Hạ Môn, Sán Đầu. Thời kỳ đó Việt Nam cũng có đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo, trong khi Trung Quốc tạo nên sự thần kỳ thì Vũng Tàu lại trở lại tỉnh Vũng Tàu như bao tỉnh khác.
Đặc khu Trung Quốc vì sao thành công? Vì họ tạo ra những chính sách ưu đãi kinh thiên động địa. BOT tiền nước ngoài rót vào làm hạ tầng, sau đó họ thu tiền. Thời xây dựng khu kinh tế mở Chu Lai, quyền sử dụng đất được đổi thành quyền sở hữu đất, giá trị tăng lên gấp đôi.
Từ khi tôi về nước, tham gia Luật Doanh nghiệp, Luật Môi trường… thấy Việt Nam mình không thiếu cái luật gì cả. Chúng ta biết cái gì đúng phải làm, nhưng lại không quyết tâm làm cho đúng.
Một xã hội tiến bộ là khi cân bằng được ý thức con người về lợi riêng và ích chung, một xã hội có giáo dục, cho con người ý thức nếu muốn lợi riêng phải nghĩ đến ích chung cho xã hội.
Đặc khu trên lý thuyết hoàn toàn đúng, cũng như nhiều chuyện đúng đã làm. Đặc khu là tập trung nhiều quyền lợi mà nơi khác không có để tạo sức bật. Nhưng nếu con người tham gia vào dự án này không biết đặt lợi ích chung cho xã hội lên lợi riêng của mình thì không chuyện đúng nào được làm cả.
Vấn đề này đòi hỏi sự quyết tâm của toàn xã hội, định vị mình là ai, nếu không sẽ vẫn ì ạch. Khi nói chiến lược một quốc gia, một doanh nghiệp, trước tiên phải định vị chính mình, phải biết ta là ai, đi đến đâu, rồi loại trừ dần những con đường phụ để tới đích.
Khi tôi còn trẻ, cũng chẳng biết mình là ai, đi đến đâu. Vấn đề là chúng ta phải xác định điểm đầu, điểm cuối tương đối rõ ràng mới xác định được con đường tốt nhất. 20 năm trước chúng ta đã có cơ hội rất lớn, đất nước thống nhất, thế giới hội nhập, nhưng chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội ấy.
Giờ mình rơi vào bẫy thu nhập trung bình, rớt xuống cái hố khó nhảy ra. Mình phải ý thức không ai gài bẫy mình cả, mà là mình tự đào hố và ở trong đó, nên muốn ra khỏi cái hố đó hay không là hoàn toàn do mình thôi.
Phải có nội lực rất lớn để ra khỏi cái hố đó. Câu chuyện đặc khu chúng ta từng có cơ hội, và đã từng lãng phí…
Để Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp, ông có thể chia sẻ điều gì với những người trẻ?
Ông Trần Sĩ Chương: Đứng trước một thế giới đổi thay, tôi thường tự hỏi nếu tôi là một công dân Việt Nam, nếu tôi trẻ hơn 30 tuổi, tôi sẽ làm gì?
Câu chuyện khởi nghiệp mà chúng ta đang nói là cái gì? Tôi muốn định nghĩa lại, khởi là bắt đầu, nghiệp là sự nghiệp của con người. Phải nhìn lại bản chất mình là gì? Nên làm bác sĩ, giáo viên, hay kỹ sư… để cuối cùng mục tiêu cuộc sống là gì?
Hồi xưa 30 tuổi tôi chưa biết đâu, giờ tôi mới hiểu hạnh phúc mới chính là mục tiêu của cuộc đời mình.
Mẫu số chung để khởi nghiệp thành công là đầu tiên để mình thành đạt, xã hội sử dụng được, làm sao tạo giá trị cao nhất cho mình. Không phải đi học kỹ năng này, có đồng vốn này, mà là giá trị bản thân. Xuất phát từ chuyện căn bản, làm sao sống đàng hoàng. Nghe thì dễ, nhưng nhìn những chuyện lôm côm hàng ngày đều vì chuyện sống không đàng hoàng mà ra.
Vậy đàng hoàng là gì? Khi làm gì không đàng hoàng thấy con người mình khó chịu lắm, hứa mà không thực hiện được là không đàng hoàng. Phải xác dịnh bản thân sống đàng hoàng trước đã, rồi sau đó mới là sống tử tế, đóng góp điều gì cho xã hội.
Giá trị của bản thân, của doanh nghiệp, của quốc gia trước hết là phải đàng hoàng.
Ông Lý Quang Diệu từng nói “Hãy nói là làm”, nhờ thế doanh nhân Singapore khác các nước lắm, họ mạnh cũng nhờ vậy. Họ đâu có nổi tiếng vì rộng lượng, cho ai cái gì nhiều đâu, chỉ có giữ mình thật đàng hoàng.
Trước cục diện thay đổi liên tục của thế giới, theo ông, mỗi doanh nghiệp phải ứng phó thế nào?
Ông Trần Sĩ Chương: Thật sự chuyện gì xảy ra ở đâu đó là ngoài tầm kiểm soát của mình. Hãy làm những gì trong tầm kiểm soát của mình, nhìn lại bản thân, nhìn lại hệ sinh thái xung quanh mình có thể ảnh hưởng, để làm sao cho cuộc sống của mình tốt hơn.
Chỉ còn cách phát huy nội lực chính doanh nghiệp, chính nhà nước. Hãy bắt đầu từ con người - doanh nghiệp - Nhà nước, đó là ba trục chính. Nhà nước phải nâng năng lực của mình, làm cho hệ thống dịch vụ công tốt hơn, tập trung làm cho bằng được nền giáo dục sáng tạo, thì mới trở thành Chính phủ kiến tạo được.
Mỗi người phải có tư duy phản biện, tự tin, để đánh giá mình đang ở đâu, có thể làm gì thì mới đóng góp vào đất nước. Dù làm gì thì giá trị cá nhân lớn mới tạo nên giá trị doanh nghiệp, đó là chuyện nên tập trung làm.
Thế giới chắc chắn sẽ cấu trúc lại, đó cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong đầu tư, cần nghiên cứu kỹ càng. Bất cứ trong tình hướng nào phải tận dụng cái thế của mình, vì thế tạo ra lực, dù mình không có quyền tạo ra lực. Cái thế là làm sao người xung quanh cần mình, tạo ra giá trị đặc thù mà ai cũng cần, không thể thiếu mình.
Hãy tập trung làm cái gì thật tốt thì người ta luôn nhớ đến mình, bất cứ ở đâu. Thế tạo thành lực, lực chuyển thành lợi, để tái đầu tư, tạo lực lớn hơn, lợi nhiều hơn.
Làm cách nào doanh nghiêp chủ động tồn tại và phát triển?
Ông Trần Sĩ Chương: Nên tập trung cái gì mình đang làm tốt nhất. Trong xã hội, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ để tăng năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp nhằm tạo cái lực lớn hơn. Ngoại cảnh có thể ảnh hưởng, nhưng nếu bản thân doanh nghiệp khỏe thì không dễ bị tác động.
Doanh nghiệp Mỹ cũng không quan tâm nhiều đến chính trị, họ chỉ tập trung vào chuyện mình làm. Mọi thứ khác chưa hiểu họ dùng chuyên gia. Đừng nghĩ Bill Gates biết hết mọi chuyện, nhưng nhờ họ biết họ cần gì và họ có một xã hội mà dịch vụ của hệ sinh thái kinh doanh tốt, nên họ có thể sử dụng tư vấn.
Cả thế giới đang nói về cuộc cách mạng công nghệ Blockchain, quan điểm quản lý Nhà nước cũng đang có lo ngại với đồng tiền ảo Bitcoin, quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
Ông Trần Sĩ Chương: Công nghệ là không cản được, giống như biến đổi khí hậu toàn cầu. Thí dụ đầu tiên ứng dụng công nghệ vào cuộc sống là Uber, nó làm thay đổi toàn bộ cuộc chơi, nhà nước cũng lúng túng không biết phải thu thuế làm sao, không phân định được taxi truyền thống và taxi công nghệ ai dúng ai sai. Nhưng cái gì có lợi cho cuộc sống hàng ngày thì nó tồn tại.
Khi nào trên thế giới xung quanh mình có nguồn lực thăng dư mà ai là người nắm công nghệ để sử dụng nguồn lực thặng dư đó sẽ tồn tại và phát triển. Huống chi làn sóng ấy là Bitcoin, cho phép người ta thực hiện một số dịch vụ bằng thuật toán với giá thành rất thấp so với trước đây. Như vậy sản phẩm của mình giá thành thấp rất nhiều.
Bitcoin giống như cổ phiếu của ai đó được thể hiện qua Blockchain nhưng nó khác ở một điểm: Cổ phiếu phải dùng mọi công cụ để đánh giá, mà con người còn dùng thủ thuật để bơm giá cổ phiếu là chuyện thường ngày.
Blockchain sử dụng một cách vô tội vạ, không có cơ sở nào, không biết ai chủ xị, hoàn toàn dựa vào tâm lý người sử dụng nó, không biết giá trị thực là bao nhiêu, khi bể cũng không biết vì sao nó bể.
Nói về tiền tệ thì nước nào cũng có chính sách riêng của mình qua quyền phát hành tiền của mỗi quốc gia, được bảo chứng qua vàng của Nhà nước. Còn với Bitcoin thì chẳng Chính phủ nào kiểm soát được.
Vài trường đại học Mỹ nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán, nhưng sẽ không biết ngày mai nó sẽ ra sao, chấp nhận rủi ro rất lớn. Đây là chuyện rất mới, không thể kỳ vọng vào một chuyên gia kinh tế nào có thể lý giải được, vì nó ngoài sức con người.
Xin cám ơn ông!
TS. Bùi Tất Thắng: 'Các doanh nghiệp kinh doanh đã không còn hồ hởi phấn khởi như trước'
Doanh nhân trẻ: Tiên phong và kiến tạo
Sự phát triển của cộng đồng doanh nhân trẻ là hành trình tái tạo và kiến tạo không ngừng nghỉ. Sự gắn kết cùng tinh thần dám nghĩ dám làm đã đưa họ từ những ngày đầu khó khăn đến một tương lai mới, nơi mà những người trẻ đang tiếp tục kế thừa và phát huy hệ gen giá trị.
Mở lối cho du lịch
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang bùng nổ, có một thực tế không thể phủ nhận rằng nếu không có những doanh nghiệp dám đi trước, những người tiên phong trong việc khai thác tiềm năng du lịch, sẽ không có những điểm đến nổi tiếng mà chúng ta biết đến ngày hôm nay.
VNG xây cầu nối chuyển đổi số quốc gia
Với mục tiêu đóng góp vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia, VNG sẽ tiếp tục đầu tư, nghiên cứu và sáng tạo các sản phẩm ngày một hoàn thiện hơn.
VinFast huy động 2.000 tỷ đồng trái phiếu
Huy động vốn và tái cấu trúc các khoản vay là hoạt động quan trọng của VinFast trong những năm tới.
Kích hoạt sức mạnh doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân đang rất cần được tạo điều kiện phát huy những thế mạnh, làm động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, vượt qua khó khăn.
Giờ là lúc kể câu chuyện hoàn toàn mới về doanh nhân
Môi trường kinh doanh thực sự thân thiện, an toàn sẽ thuyết phục hàng triệu doanh nhân toàn tâm, toàn ý phát huy hết năng lực, tiên phong đổi mới sáng tạo trên quê hương mình, tham gia giải quyết những công việc trọng đại của đất nước.
Doanh nhân với sứ mệnh tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, sứ mệnh lớn lao phải được đặt lên vai các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn tư nhân lớn, những doanh nghiệp dân tộc.