Chọn nghề theo nghiệp

Nhà thiết kế Chương Đặng - 10:44, 18/02/2021

TheLEADERLàm kinh doanh không giống như đánh trận. Hay nói cách khác, nếu có điểm chung trong việc lựa chọn lí tưởng để theo đuổi trong suốt sự nghiệp của đời người, thì kinh doanh giống như một người chọn binh nghiệp nghiêm túc và dài lâu chứ không phải là một trận đánh…

Kinh doanh cũng cần những khoảng lặng

Thương trường không như chiến trường. Người ta không mong kết thúc cuộc tranh đấu mà muốn duy trì tính liên tục của nó trong hoạt động. 

Không giống như buôn hàng chuyến, đầu cơ hay kinh doanh thời vụ; không có trận chiến quyết tử, mà mỗi ngày là một ngày người làm kinh doanh phải giăng buồm ngoài khơi; khả năng tồn tại cũng chính là khả năng giữ thăng bằng. Trong đó có cả việc giữ thăng bằng cho toàn bộ thủy thủ đoàn, ngay cả những lúc sóng gió, cả cơ thể lẫn tinh thần của họ đều chao đảo mất kiểm soát.

Người đứng đầu doanh nghiệp cũng chịu chung số phận của những ngôi sao dẫn đường: lúc khốc liệt nhất là lúc cô độc nhất, lúc nguy khó nhất phải là người đứng mũi chịu sào. 

Sự cạnh tranh sau cùng và quyết liệt nhất không còn là năng lực của doanh nghiệp, mà là bản lĩnh của người chủ; trong mối tương quan của tam giác đều: chủ doanh nghiệp, doanh nghiệp và những biến động xã hội. Tam giác này có thể nhỏ, lớn theo thời cuộc nhưng nó chỉ có thể hình thành bởi những cạnh bằng nhau không thiên lệch.

Nếu không có những biến động đủ lớn thì một người làm kinh doanh sẽ mãi quay cuồng trong những biến động nhỏ, trong một vũ trụ riêng của doanh nghiệp mình và nghe thấy những tiếng nói riêng trong nội bộ của mình thôi.

Cho tới khi những chuyện lớn xảy ra trên diện rộng làm ảnh hưởng tất cả; từ nơi này sang nơi khác, từ cộng đồng này lan qua cộng đồng khác người ta mới nhận thấy nét tương đồng trong hoạt động doanh nghiệp với chính cuộc sống của một con người.

Sự lên xuống không phải là bất thường khi nó đã trở thành qui luật tất yếu; nhưng cách người ta phản ứng lại, hay cách mà mọi thứ tác động lên nhau theo phản ứng dây chuyền khiến chúng ta phải suy nghĩ và đưa ra quyết định; điều này lại tiếp tục ảnh hưởng đến những hành động của những cá thể có liên đới.

Những khoảnh khắc đáng sợ nhưng cũng rất cần thiết; khi tất cả đều dừng lại: nhìn được chính mình và nhìn được người khác một cách rõ nét chúng ta mới nhận ra sự thật rằng lẽ ra tất cả không nhất thiết phải quay cuồng như thế, không nhất thiết phải phụ thuộc vào cái gọi là tiến độ cạnh tranh; không phải tất cả những khoảng trống phải được lấp đầy bằng tham vọng gia tăng đến nguy hiểm.

Đến lúc chúng ta nhận thấy: có những bình thường mới lẽ ra nên có từ lâu, cẩn trọng hơn trong tốc độ lao đi của từng cá thể, của từng tập thể và tạo ra giá trị cho doanh nghiệp của mình theo những định nghĩa mới.

Chọn nghề theo nghiệp
Nhà thiết kế Chương Đặng

Một doanh nghiệp bền vững không phải là doanh nghiệp không có sóng gió; mà là doanh nghiệp luôn có thể lướt đi cùng với những sóng gió. Giá trị thặng dư không phải là lợi tức thu được của những thương vụ lớn, mà là sự cộng dồn từ những lợi ích nhỏ hơn nhưng đều đặn hơn. 

Về cơ bản, sóng gió, biến động, sự thay đổi trồi sụt là những xúc tác cần thiết và chính thống. Nhất là khi cả thế giới phải đối mặt với những biến động của khủng hoảng …

Một doanh nghiệp càng phải chứng tỏ khả năng biến đổi để thích ứng cho toàn bộ tập thể của mình. Xét theo một khía cạnh khác, đó cũng chính là khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Doanh nhân là ai trong bình thường mới?

Không phải doanh nhân cứ viết sách hay đi thuyết giảng là trở thành học giả, triết gia. Có những bậc lão thành cả một đời tận tụy trong doanh nghiệp của mình. Họ trưởng thành trong khó khăn và đi lên từ những thành công nho nhỏ nhưng chắc chắn. Tuổi đời và tuổi nghề dần hình thành những tính cách đáng nể trọng

Có những người từng dựng vợ gả chồng cho nhân viên, từng phát phần thưởng học sinh giỏi cho con của nhân viên rồi từng biên thư gửi gắm khi con cái của nhân viên du học xa nhà. 

Họ, như những vị trưởng tộc, như người anh cả, người cha già… họ tha thiết với công việc kinh doanh, chia sẻ lợi nhuận bền vững với cộng sự và phân bố sự quan tâm, sự trải nghiệm như những bài học quí giá lặng thầm.

Có rất nhiều thế hệ doanh nhân cùng nhau trụ vững và đi qua những biến đổi của thời cuộc, của suy thoái, thậm chí cả những biến động chính trị; khi họ ngồi lại với nhau họ chẳng khác những triết gia bởi sự thấu hiểu sâu sắc của những đổi thay. Họ có khả năng nhìn nhận một việc, tư duy việc ấy và phản ứng lại trong bối cảnh sự việc một cách bình tĩnh nhất. Những quyết định của họ đã vực dậy ban đầu là niềm tin của tập thể, sau là tiềm lực nơi mỗi cá nhân, mỗi nhóm làm việc và lan tỏa ra toàn xã hội. 

Mỗi quốc gia phồn vinh đều có nhiều thiên tài doanh nhân này; họ là những con người thật sự lỗi lạc và đáng nể trọng; họ biết lắng nghe sự hoảng loạn bằng cái tâm của người lãnh đạo tài giỏi.

Covid 19 cũng tương tự như những đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cơn rúng động khiến người ta lộn nhào khỏi những vị trí sau bao nỗ lực mới vươn tới, những bánh răng rơi ra khỏi tốc độ lao đi vun vun của công cuộc kinh doanh đang lên như diều gặp gió mà mưa đến bất ngờ… những run rẩy của bất lực, của phẫn nộ tức giận và của sự sợ hãi… Người ta làm gì sau đó?

Thực ra, nếu lui về một bước để nhìn ra toàn cảnh dưới cái nhìn thuần túy của việc kinh doanh; thì những tổn hại nhìn thấy hay đo đếm được giống như một ván cờ mới, sự sụp đổ thì đau đớn nhưng cũng đồng thời là cơ hội cho việc sắp xếp lại ở vị trí thi đấu ngang bằng hơn. Những lợi thế dựng lên từ ngẫu nhiên, từ tích lũy và từ những tiêu cực lũng đoạn sẽ suy chuyển.

Điều này không có nghĩa rằng những gì sau đó người ta dựng lên không có những tiêu cực trước đây, mặt khác nó bày ra cơ hội rộng mở hơn nếu người ta muốn thực hiện nó một cách đúng đắn, hay thử cách khác đi. Sau những thảm họa, người ta dám đối mặt với bản chất của con người và sự việc một cách thẳng thắn và rõ ràng hơn.

Ở ngay sự sụp đổ; có hai đối trọng xuất hiện: nguy cơ và cơ hội. Lựa chọn tiếp theo của con người thời đại rồi cũng sẽ như những lần trước: chọn lấy cơ hội cho đến khi nó bị chi phối bởi nguy cơ và tiềm ẩn những gẫy đổ tiếp sau.

Như những cơn sóng, sau cùng tìm đến bờ và đổ chồng lên nhau theo đúng trình tự, lớp lang.