Leader talk

Chủ tịch Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình: Cách đánh thức 'con rồng' Việt Nam

Phương Thu - 12/02/2025 14:46 (GMT+7)

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books kỳ vọng, việc đẩy mạnh cải cách thể chế, chú trọng đầu tư vào các nền tảng trí thức và phát triển thế hệ lãnh đạo mới sẽ là động lực mới đưa nền kinh tế Việt Nam tăng tốc, bứt phá.

“Ngủ quên” nhiều thập kỷ

Ông nhận định như thế nào về mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số được Chính phủ đặt ra trong thời gian tới, liệu điều này có khả thi trong bối cảnh hiện tại?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Đây là mục tiêu đầy hấp dẫn nhưng vô cùng thách thức đối với không chỉ Việt Nam. Ngay cả các quốc gia và vùng lãnh thổ đã "hoá rồng" trước đây như Singapore, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc), việc duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số là kỳ tích không dễ đạt được.

Nhưng, chúng ta không có con đường nào khác! Chỉ khi đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy, mục tiêu đưa Việt Nam vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia phát triển mới trở thành hiện thực. Đây là con đường dân tộc phải đi nếu muốn đứng trong hàng ngũ các nước phát triển vào năm 2045.

Nhìn lại quá khứ, có thể thấy, lịch sử không đứng về phía chúng ta. Ngay cả giai đoạn nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất sau Đổi mới, tăng trưởng cũng chưa bao giờ đạt được con số này.

Dân số vàng, lợi thế nhân công rẻ và đầu tư nước ngoài là các yếu tố giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế trong thời gian vừa qua, song đã không thể là trụ cột và động lực cho giai đoạn mới. Chúng ta buộc phải tìm kiếm những động lực mới, những yếu tố mới.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta mất đi niềm tin vào mục tiêu tăng trưởng. Tôi đọc cuốn sách “Con Rồng Nhỏ” của Joseph Buttinger - một học giả hàng đầu về Việt Nam xuất bản tại Mỹ khoảng những năm 1960 của thế kỷ trước.

Joseph Buttinger đã đặt nhiều kỳ vọng, ông ví Việt Nam như một trong ba "con rồng" ở Đông Nam Á cùng với Thái Lan và Myanmar. Vào ngày đó, ông đã nhận định rằng con rồng Việt Nam đã "ngủ quên" trong nhiều thập kỷ nhưng sẽ là "con rồng" lớn mạnh nhất.

Điều này phản ánh thực tế về những cơ hội và thách thức trong công cuộc cải cách và phát triển Việt Nam. Giấc ngủ dài của con rồng Việt Nam chính là khoảng thời gian đất nước phải vượt qua khó khăn, trì trệ. Nhưng giờ đây, Việt Nam đang dần thức tỉnh và chuyển mình mạnh mẽ như một "con rồng" vươn dậy.

Giống như Joseph Buttinger, tôi cũng đang liên tưởng đến một viễn cảnh đầy khát vọng và đặt nhiều niềm tin vào sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Những thách thức nào mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới nếu muốn "vươn mình" mạnh mẽ, thưa ông?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Hiện đại hóa, mà chúng ta gọi là Đổi mới, là một mục tiêu mà mọi quốc gia và dân tộc đều khao khát. Đây cũng là con đường bắt buộc phải đi nếu muốn đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xây dựng một xã hội hiện đại, văn minh, thịnh vượng.

Đổi mới được khởi đầu từ năm 1986, khi đất nước quyết định bước vào quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế. Từ đó, các chính sách cải cách về kinh tế, sản xuất và xã hội đã được đưa ra nhằm thoát khỏi mô hình bao cấp, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu để có một Việt Nam như ngày hôm nay.

Nhưng Đổi mới không chỉ là một bước chuyển mà đó phải là một quá trình liên tục, một chặng đường dài, kiên trì nỗ lực, bao gồm cả đổi mới kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục và qua đó tạo dựng cấu trúc xã hội mới.

Tuy vậy, cùng với những thành tựu ấy, đất nước cũng đối mặt với nhiều thách thức mới như bất bình đẳng xã hội, biến đổi khí hậu và sự cạnh tranh toàn cầu hóa.

Hiện tại, dân tộc Việt Nam dường như đang chuẩn bị bước tiếp vào một giai đoạn Đổi mới tiếp theo, mà nhiều người gọi là “Đổi mới 2.0”. Giai đoạn này không chỉ tập trung vào kinh tế mà còn nhấn mạnh sự hiện đại hóa toàn diện, từ khoa học công nghệ đến giáo dục, văn hóa, đặc biệt là thể chế.

Đó là nền tảng để Việt Nam tiến lên một giai đoạn phát triển hiện đại hơn, bền vững hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

Nền tảng "tri thức" là yếu tố "cốt lõi" của mọi thành công!

Để tăng trưởng hai con số, Việt Nam cần có các giải pháp cụ thể như thế nào? Chúng ta cần tìm và phát triển các trụ cột tăng trưởng mới khác với các trụ cột truyền thống của Đổi mới 1.0 ra sao? Và đâu sẽ là những yếu tố để đưa kinh tế Việt Nam bứt phá?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Rõ ràng Việt Nam không thể chỉ dựa vào các động lực tăng trưởng cũ như xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng, lao động giá rẻ, ưu đãi đầu tư nước ngoài quá mức. Vài năm qua, chúng ta đã thấy ngưỡng và giới hạn của mô hình tăng trưởng này.

Nhưng để phát triển bằng cách nào thì là câu hỏi đầy thách thức không dễ trả lời.

Nhìn về quá khứ, công cuộc Đổi mới lần thứ nhất (Đổi mới 1.0), có hai đặc trưng quan trọng.

Thứ nhất là mở cửa và hội nhập kinh tế, phá bỏ các rào cản của kinh tế bao cấp, cho phép thị trường phát triển đa dạng và đa thành phần. Nếu như trước đó, thời kỳ bao cấp chỉ có kinh tế nhà nước, thì từ năm 1986, Việt Nam đã bắt đầu có đầu tư nước ngoài và đặc biệt là phát triển kinh tế tư nhân, cùng việc đổi mới cơ chế cho các doanh nghiệp nhà nước.

Suốt trong vài thập kỷ qua, Chính phủ đặc biệt chú trọng khuyến khích hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tập trung vào xuất khẩu.

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books

Thứ hai là tự do kinh doanh. Một nguyên tắc căn bản nữa của Đổi mới 1.0 là đặt nền móng cho sự hình thành khu vực kinh tế tư nhân và thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta phát triển công nghiệp dựa trên lao động giá rẻ và gia công sản xuất hàng hóa cho thị trường toàn cầu.

Công cuộc Đổi mới lần thứ nhất đã đem lại những thành công vang dội, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, kinh tế đất nước có những bước tiến mạnh mẽ. Tuy nhiên, nền kinh tế dựa nhiều vào các ngành công nghiệp giá trị gia tăng thấp và khai thác tài nguyên, lao động rẻ, nên cho đến nay vẫn chưa có bước chuyển thực sự của cấu trúc kinh tế.

Với cuộc Đổi mới lần thứ hai hay Đổi mới 2.0 bắt đầu từ năm 2025 và hướng đến tương lai, tôi cho rằng, đặc trưng chính của công cuộc đổi mới này là cải cách thể chế, phát triển kinh tế tri thức và thúc đẩy văn hóa và giáo dục thực chất, hiện đại.

Với cải cách thể chế, Việt Nam sẽ bắt tay vào xây dựng hệ thống quản trị quốc gia chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả hơn, tập trung vào xây dựng hệ thống luật pháp hiệu quả, cơ chế quản lý hiện đại để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp.

Với mục tiêu phát triển kinh tế tri thức, chúng ta sẽ chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào lao động giá rẻ sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Việt Nam sẽ đầu tư mạnh vào giáo dục, nghiên cứu, phát triển và đào tạo thế hệ lãnh đạo mới có khả năng điều hành đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Thứ ba là thúc đẩy văn hóa và giáo dục thực chất, tăng cường đầu tư vào các hoạt động văn hóa, giáo dục để tạo ra nguồn lực chất lượng cao, nâng cao trình độ nhận thức và sự sáng tạo của xã hội.

Nếu giai đoạn Đổi mới 1.0 giúp Việt Nam thoát khỏi tình trạng lạc hậu và chậm phát triển, thì Đổi mới 2.0 sẽ đặt nền tảng cho một xã hội hiện đại, một nền kinh tế phát triển và đưa đất nước trở thành quốc gia hiện đại.

Còn về hành động cụ thể thì sao, Việt Nam cần làm gì để có bước tiến tăng trưởng bứt phá như các quốc gia đã "hóa rồng"?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Việc cải cách thể chế và cấu trúc vận hành của xã hội sẽ là bước khởi đầu nhằm tái cấu trúc bộ máy hành chính nhà nước, làm cho các cơ quan trở nên gọn nhẹ, hiệu quả hơn.

Các mô hình tổ chức hiện nay đang cồng kềnh, chồng chéo các chức năng nhiệm vụ, dẫn đến lãng phí nguồn lực, do đó cần hợp lý hóa cơ cấu và quy trình hoạt động của các cấp quản lý.

Việc sáp nhập bộ ngành và có thể tới đây là sáp nhập, tái cơ cấu tại các địa phương là một xu hướng quan trọng trong cải cách thể chế, giúp giảm bớt gánh nặng của bộ máy và chi phí quản lý nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, dịch chuyển nguồn lực từ nhà nước sang tư nhân.

Trong cải cách thể chế còn một việc nữa là xây dựng các bộ luật và quy định mới, phản ánh đúng những thay đổi trong cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội và tạo ra không gian mới cho phát triển.

Thứ hai là cải cách cơ chế tuyển chọn lãnh đạo. Việt Nam cần có các tiêu chuẩn mới trong việc tuyển chọn lãnh đạo ở tất cả các cấp, từ chính quyền địa phương đến các cơ quan trung ương.

Các tiêu chí đánh giá phải dựa vào năng lực thực tiễn, đạo đức và tầm nhìn chiến lược. Đồng thời, cần tăng cường cơ chế giám sát và minh bạch trong quá trình bổ nhiệm. Chọn lựa những nhà lãnh đạo với những tiêu chí mới sẽ là cơ sở cho những quyết sách mạnh mẽ và đúng đắn.

Thứ ba là thúc đẩy nền kinh tế tư nhân. Việt Nam cần nhanh chóng tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước không cần thiết kiểm soát để dịch chuyển nguồn lực xã hội từ nhà nước sang tư nhân để tạo động lực tăng trưởng mới.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo các cơ chế về thuế và đầu tư để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia quản lý, vận hành các doanh nghiệp này để tăng hiệu quả kinh doanh và sự cạnh tranh trên thị trường.

Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Song song với đó là đổi mới, cập nhật Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan để giảm thủ tục hành chính và rào cản pháp lý cho doanh nghiệp có không gian phát triển mới.

Việt Nam cũng nên giảm dần các ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp nước ngoài như ưu đãi về sử dụng đất, thuế, và khai thác tài nguyên. Thay vào đó, Chính phủ cần có chính sách ưu tiên các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao và tạo giá trị gia tăng từ chất xám thông qua chính sách đầu tư và ưu đãi thuế.

Cuối cùng, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào khoa học, công nghệ và tri thức, tạo ra một nền kinh tế tri thức, nơi mà tạo ra sự tăng trưởng dựa trên cơ sở đổi mới và sáng tạo.

Các biện pháp cần thực hiện là tăng cường đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là các lĩnh vực khoa học, công nghệ, và quản lý; thành lập và hỗ trợ các viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo; giảm thuế cho các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển; khuyến khích và bảo hộ các sáng chế, phát minh trong nước; đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư trong các chương trình nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là AI đang mở ra những không gian mới vô cùng lớn lao và có thể mang lại những đột phá.

Việc phát triển cơ sở hạ tầng tri thức cần được đẩy mạnh bằng việc hình thành hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong tất cả các ngành kinh tế; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ; phát triển mạng lưới các trường đại học, viện nghiên cứu liên kết với doanh nghiệp để thương mại hóa các nghiên cứu khoa học; hình thành các think tanks (tổ chức nghiên cứu, phân tích và đề xuất chính sách).

Việc tháo gỡ và thay đổi cơ cấu kinh tế, cùng với thúc đẩy kinh tế tri thức, là một bước đi tất yếu nếu Việt Nam muốn đạt được tăng trưởng bền vững và nâng cao vị thế quốc tế.

Những cải cách không chỉ hướng tới cải thiện hiệu quả kinh tế mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài, nơi mà con người, tri thức và công nghệ đóng vai trò trung tâm.

Nền kinh tế Việt Nam đang chờ đợi một sự thay đổi lớn lao từ bên trong. Đó là sự thay đổi từ trong cấu trúc của nền kinh tế xã hội để đưa nhiều hơn nữa yếu tố tri thức, trí tuệ, cùng với công nghệ và đổi mới sáng tạo vào trong "tất cả mọi thứ", từ các sản phẩm, hàng hoá, quy trình sản xuất kinh doanh, đến cách vận hành của nền kinh tế xã hội, cải cách thể chế, điều kiện kinh doanh...

Tri thức chính là "lõi" để làm mọi việc hiệu quả. Muốn đổi mới để phát triển bứt phá, tạo ra bước ngoặt cho tăng trưởng, Việt Nam cần có tư duy mới, tri thức mới, con người mới, môi trường mới, thể chế mới phù hợp để phát triển.

Vậy, Việt Nam cần làm gì để phát triển cơ sở hạ tầng tri thức, tăng hàm lượng tri thức nhiều hơn nữa vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thưa ông?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Trước hết, Việt Nam cần nuôi dưỡng và phát triển đội ngũ nhà khoa học, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và quản lý.

Chính phủ cần cung cấp học bổng và cơ chế đãi ngộ hấp dẫn cho các nhà khoa học trẻ, sinh viên tài năng trong lĩnh vực STEM, AI.. xây dựng chính sách định cư và làm việc lâu dài cho các chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài; khuyến khích các dự án nghiên cứu liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.

Thứ hai, chúng ta cần phát triển không gian khoa học cho trẻ em, gieo mầm niềm đam mê khoa học từ sớm, xây dựng thế hệ trẻ yêu thích sáng tạo và nghiên cứu để từ đó phát triển các nhà khoa học trong tương lai.

Việt Nam cần đầu tư vào các không gian học tập như viện bảo tàng khoa học, trung tâm STEM cho trẻ em, tăng cường các hoạt động ngoại khóa như trại hè khoa học, các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, xây dựng các phòng thí nghiệm thực hành tại trường phổ thông, đặc biệt là ở các trường trung học cơ sở và phổ thông trung học.

Việc đổi mới hệ thống giáo dục, đưa tri thức hiện đại vào giảng dạy cần được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Các môn học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) cần được đưa vào chương trình giảng dạy bắt buộc và đưa tiếng Anh làm ngôn ngữ đào tạo ở bậc đại học và trên đại học.

Cùng với đó là hiện đại hóa hệ thống giáo trình đại học, học liệu, sử dụng các tài liệu, giáo trình chuẩn quốc tế. Việc đầu tư vào tri thức không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Một nền kinh tế tri thức đòi hỏi sự kết hợp giữa giáo dục, khoa học và sự quản lý hiệu quả nguồn lực xã hội. Các yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền kinh tế hiện đại, sáng tạo và bền vững.

Với những giải pháp như ông vừa đặt ra, ông dự báo bao lâu nữa Việt Nam sẽ có thể tăng trưởng hai con số, vươn mình trở thành quốc gia phát triển, "hóa rồng"?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Rất khó để dự đoán bao lâu nữa chúng ta sẽ thực hiện thành công, nhưng không đi sẽ không bao giờ đến đích.

Hiện vẫn còn độ trễ và sức ỳ nhất định từ ý tưởng, mục tiêu tăng trưởng đến thực tiễn của bộ máy vận hành và cả nền kinh tế. Nhưng quan trọng hơn, tôi cho rằng, mỗi người chúng ta phải cùng góp sức đẩy con thuyền kinh tế Việt Nam tiến về phía trước.

Sự đi lên của cả một quốc gia phải là "tất cả cùng đi lên". Chúng ta không thể chỉ chờ Đảng, Nhà nước đưa đất nước phát triển hiện đại, đổi mới, để đến lúc đó ngồi hưởng thành quả, mà phải tự mỗi người, tự mỗi doanh nghiệp nỗ lực, không ngừng phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Chỉ khi ba chủ thể là "từng cá nhân, doanh nghiệp/tổ chức và nhà nước" đi cùng nhau, bắt nhịp với nhau cùng phát triển, nền kinh tế mới có thể tăng tốc, bứt phá.

Vừa rồi, nhiều đồng nghiệp ở Alpha Books cũng hay đặt ra câu hỏi tương tự rằng, khi nào Việt Nam phát triển bằng Singapore hay Nhật Bản, Hàn Quốc? Câu trả lời của tôi là khi nào Alpha Books tương đương một nhà xuất bản của họ, nhân viên của Alpha Books đủ hiểu biết, trình độ và năng suất lao động như họ và lãnh đạo giỏi như họ thì tất yếu Việt Nam sẽ phát triển như họ.

Giống như câu hỏi rằng khi nào Việt Nam sẽ "hóa rồng" như các nước trong khu vực? Tôi cho rằng, thực chất chúng ra "đã là một con rồng" rồi, nhưng con rồng còn "ngủ quên", việc cần làm hiện nay là mỗi người cùng nhau hành động, cùng "vỗ một cái", để đánh thức "con rồng Việt Nam" vươn mình mạnh mẽ.

Tăng trưởng 10% trong những thập kỷ tới là một thách thức vô cùng lớn, nhưng không phải là bất khả thi nếu Việt Nam dám chấp nhận những thay đổi mang tính đột phá, lớn lao. Nếu không, chúng ta chỉ có thể mắt kẹt trong mức trung bình và sẽ bị bỏ lại trong cuộc đua toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

Động lực mới

Động lực mới

Leader talk -  1 tuần
Khơi thông thể chế sẽ huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở ra không gian phát triển mới và tạo động lực cho tăng trưởng.
Ý kiến ( 0)
Tạo đà bứt phá

Tạo đà bứt phá

Tiêu điểm -  1 tuần

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số không chỉ thể hiện tham vọng mà còn là đòi hỏi cần thiết nếu Việt Nam muốn đứng trong hàng ngũ các nước phát triển vào năm 2045. Nhưng liệu nền kinh tế có sẵn sàng cho thách thức lịch sử?

Chuyên gia hiến kế để kinh tế tăng trưởng hai con số

Chuyên gia hiến kế để kinh tế tăng trưởng hai con số

Tiêu điểm -  3 ngày

Muốn tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam cần phát triển được đội ngũ doanh nghiệp tư nhân trong nước lớn mạnh, làm trụ cột, gánh vác những trọng trách lớn, đưa kinh tế bứt phá đi lên.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Phải sớm bơm tiền ra nền kinh tế ngay lúc này

PGS.TS Trần Đình Thiên: Phải sớm bơm tiền ra nền kinh tế ngay lúc này

Tiêu điểm -  2 năm

Trước bối cảnh cả nền kinh tế như "nghẹt thở" vì tắc nghẽn dòng vốn, các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Chính phủ cần sớm có giải pháp bơm vốn để giúp nền kinh tế phục hồi.

Làm sao để tận dụng cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung?

Làm sao để tận dụng cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung?

Leader talk -  10 phút

Thúc đẩy tiêu dùng nội địa cùng xuất khẩu nội khối có thể giúp châu Á có thêm động lực tăng trưởng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Xe đạp Thống Nhất: Từ hào quang lụi tàn đến màn trở lại bùng nổ

Xe đạp Thống Nhất: Từ hào quang lụi tàn đến màn trở lại bùng nổ

Leader talk -  5 ngày

Quyết tâm trẻ hoá thương hiệu đã đưa Thống Nhất từ một hãng xe đạp vắng bóng nhiều năm trên thị trường, dần trở lại mạnh mẽ, từng bước lấy lại niềm tin và tăng sự hiện diện trong từng ngôi nhà Việt.

Ảnh hưởng của DeepSeek đến các công ty công nghệ trên thế giới

Ảnh hưởng của DeepSeek đến các công ty công nghệ trên thế giới

Leader talk -  6 ngày

Sự xuất hiện của DeepSeek đã khiến các công ty công nghệ nhận ra tầm quan trọng của AI trong cuộc đua phát triển công nghệ trên thế giới.

Tổng giám đốc NextPay: Chọn hạ tầng hay con người?

Tổng giám đốc NextPay: Chọn hạ tầng hay con người?

Leader talk -  6 ngày

Kinh tế số vốn ưu tiên yếu tố hạ tầng công nghệ, tự động hóa. Vậy vai trò của con người sẽ ở đâu trong nền kinh tế mới này?

Để sinh viên khởi nghiệp thành công

Để sinh viên khởi nghiệp thành công

Leader talk -  1 tuần

Với sự hỗ trợ cần thiết, sinh viên có thể biến những ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực, từ đó tạo dựng sự nghiệp và để lại dấu ấn riêng biệt trên thị trường.

GDP bình quân đầu người vượt mốc 5.000 USD vào năm 2025

GDP bình quân đầu người vượt mốc 5.000 USD vào năm 2025

Tiêu điểm -  4 phút

Chính phủ đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người vượt 5.000 USD vào năm nay, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững và bước vào kỷ nguyên mới.

Làm sao để tận dụng cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung?

Làm sao để tận dụng cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung?

Leader talk -  10 phút

Thúc đẩy tiêu dùng nội địa cùng xuất khẩu nội khối có thể giúp châu Á có thêm động lực tăng trưởng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Hòa Phát rót hơn 3.700 tỷ làm khu công nghiệp tại Bắc Giang

Hòa Phát rót hơn 3.700 tỷ làm khu công nghiệp tại Bắc Giang

Doanh nghiệp -  2 giờ

Tập đoàn Hòa Phát cho biết đang thực hiện các thủ tục đầu tư để phát triển thêm ba khu công nghiệp trong thời gian tới

Quốc hội họp bất thường về tinh gọn bộ máy và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Quốc hội họp bất thường về tinh gọn bộ máy và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tiêu điểm -  2 giờ

Quốc hội Việt Nam khai mạc kỳ họp bất thường, tập trung xem xét các vấn đề về tinh gọn tổ chức bộ máy, tháo gỡ các vướng mắc thể chế quan trọng.

Mận Úc chính thức ra mắt tại Việt Nam

Mận Úc chính thức ra mắt tại Việt Nam

Nhịp cầu kinh doanh -  4 giờ

Ngày 11/2 tại TP.HCM và ngày 18/2 tại Hà Nội là cột mốc quan trọng trong ngành trái cây nhập khẩu khi mận Úc chính thức được giới thiệu tại Việt Nam.

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sắp trình Quốc hội

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sắp trình Quốc hội

Tiêu điểm -  5 giờ

Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ được xem xét, quyết định chủ trương tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Khởi sắc hơn dưới thời tân chủ tịch, DIC Corp vẫn hụt hơi

Khởi sắc hơn dưới thời tân chủ tịch, DIC Corp vẫn hụt hơi

Doanh nghiệp -  6 giờ

Tân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hùng Cường giúp cổ đông an tâm hơn khi trong quý cuối năm 2024, DIC Corp đã ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc.