Tiêu điểm
Tạo đà bứt phá
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số không chỉ thể hiện tham vọng mà còn là đòi hỏi cần thiết nếu Việt Nam muốn đứng trong hàng ngũ các nước phát triển vào năm 2045. Nhưng liệu nền kinh tế có sẵn sàng cho thách thức lịch sử?
Chỉ tiêu táo bạo, trách nhiệm lớn lao
Tại Hội nghị lần thứ 34 mở rộng của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. HCM vào cuối năm 2024, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đã mạnh dạn công bố mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 9-10% cho năm 2025. Đây là bước nhảy vọt so với mức 7,2% năm 2024 và 5,8% năm 2023, nhưng ông Mãi thừa nhận rằng đây là một mục tiêu kép đầy thử thách.
Hơn cả một con số, mục tiêu này vừa thể hiện trách nhiệm của một đầu tàu kinh tế vừa là “ngọn hải đăng” cho cả nước. Với sứ mệnh tạo bước đệm cho mục tiêu GDP tăng 8% toàn quốc vào năm 2025, thành phố được kỳ vọng sẽ dẫn dắt đất nước trên con đường chinh phục tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Ông Mãi nhấn mạnh: Tăng trưởng 10% không chỉ là kỳ vọng mà còn là trách nhiệm của TP. HCM trong việc đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.
Không chỉ có TP. HCM, những “đầu tàu kinh tế” khác cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tham vọng cho năm 2025. Kỳ họp thứ 21 của HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X giữa tháng 12 vừa qua đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó đề ra chỉ tiêu tổng sản phẩm xã hội tăng trưởng trên 10% và thu nhập bình quân đầu người đạt 5.000 USD.
“Ngay từ năm 2025 chúng ta phải nỗ lực tối đa, tạo những yếu tố đột phá thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% hoặc phấn đấu cao hơn trong điều kiện thuận lợi; trên cơ sở đó tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số từ năm 2026,” Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập trong bài viết đầu năm mới 2025.
Yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh mỗi đơn vị phải là “hạt nhân tiên phong khơi dậy mọi tiềm năng đưa đất nước vững bước đi lên.” Đặc biệt, các đô thị lớn như TP. HCM, Hà Nội được kỳ vọng đóng vai trò đầu tàu, thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế quốc gia.
Tham vọng này, tuy đầy quyết tâm, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang đối mặt với không ít khó khăn, rõ ràng đây là một bài toán không dễ tìm ra lời giải. Việt Nam sẽ phải làm gì để hiện thực hóa giấc mơ này? Liệu mục tiêu tăng trưởng hai con số có quá tầm với, khi trong quá khứ, đất nước chưa từng đạt được mức tăng trưởng như vậy?
Việt Nam từng đạt mức tăng trưởng GDP 9,34% năm 1996, một kỷ lục được xây dựng trên nền tảng cải cách của công cuộc Đổi mới và chính sách mở cửa. Giai đoạn thập niên 1990 được xem là thời kỳ hoàng kim, với tốc độ tăng trưởng trung bình 8,2% mỗi năm, nhờ các cải cách sâu rộng và luồng vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 21, khủng hoảng tài chính châu Á khiến tăng trưởng giảm sút, trung bình chỉ đạt 5,7% mỗi năm. Những năm sau đó, dù Việt Nam tận dụng được cơ hội từ hội nhập WTO, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn không thể quay lại mức cao như trước, với đỉnh điểm chỉ đạt gần 8,5% vào năm 2007.
Giai đoạn 2008-2013, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và các vấn đề nội tại như nợ công, lạm phát đã kìm hãm tốc độ phát triển, kéo tăng trưởng trung bình xuống mức 5,8% mỗi năm.
Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam tuy đã ổn định hơn với tốc độ trung bình 6-7% mỗi năm, nhưng đại dịch Covid-19 đã trở thành “kẻ phá bĩnh”, khiến GDP năm 2020 chỉ còn tăng 2,91%, mức thấp nhất kể từ khi đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới.
Đến nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã dần ổn định, với GDP năm 2024 dự kiến đạt trên 7%, vượt qua mục tiêu đề ra là 6 - 6,5%. Việt Nam nằm trong nhóm ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng đạt được vào năm 1996, vẫn còn một chặng đường dài phía trước, chưa kể đến mục tiêu tăng trưởng hai con số mà chúng ta đang hướng đến trong tương lai.
Thách thức trên con đường phía trước
Kinh tế Việt Nam hiện đang đối mặt với những thách thức lớn từ cả yếu tố nội tại lẫn tác động từ bên ngoài. Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng dần chậm lại và xu hướng suy giảm chung, mục tiêu đạt tăng trưởng hai con số trở nên thách thức hơn bao giờ hết.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nền kinh tế thế giới đang chứng kiến một xu hướng giảm tốc nhẹ, từ mức tăng trưởng 3,5% giai đoạn 2011-2019 và 3,3% năm 2023 xuống còn 3,2% trong năm 2024-2025. Sự sụt giảm này sẽ tác động trực tiếp đến các quốc gia phụ thuộc vào thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Cùng với đó, các xung đột địa chính trị phức tạp như ở Biển Đỏ và Trung Đông, sự gia tăng cạnh tranh giữa các cường quốc và tình trạng bảo hộ thương mại đang dần thay đổi quy luật kinh tế quốc tế, làm cho tình hình càng thêm khó khăn.
Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức nội tại. Tăng trưởng đầu tư tư nhân và tiêu dùng vẫn còn khá thấp. Dù đầu tư công được coi là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, việc giải ngân vẫn chậm và không đồng đều. Các ngành then chốt như bất động sản, vốn đóng góp lớn vào nền kinh tế, cũng chưa thể phục hồi nhanh chóng.
Thêm vào đó, chính sách tài khóa và tiền tệ hiện nay gần như không còn nhiều dư địa để hỗ trợ tăng trưởng. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế lâu nay phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nội lực từ các doanh nghiệp trong nước chưa đủ mạnh để tạo ra đột phá.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với không ít khó khăn, bao gồm vướng mắc về pháp lý, chi phí đầu vào tăng cao, sự phục hồi đơn hàng không đồng đều, thiếu hụt lao động và năng suất lao động thấp. Bên cạnh đó, yêu cầu về số hóa và xanh hóa cũng ngày càng trở nên cấp bách.
TS. Lương Văn Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chỉ ra rằng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam mặc dù đã có sự cải thiện, nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Mặc dù trong 10 năm qua, hiệu quả của các doanh nghiệp đã tăng gần gấp đôi, nhưng mức độ này vẫn thấp so với tiềm năng. Các ngành xuất khẩu chủ lực như da giày, điện tử, may mặc, mặc dù đóng góp lớn cho ngoại tệ, nhưng hiệu quả vẫn cách xa tiềm năng tối ưu.
Nguyên nhân là do yếu tố nội tại của các doanh nghiệp, bao gồm chất lượng nguồn nhân lực, công tác quản lý, cũng như sự ảnh hưởng của các cú sốc toàn cầu. Các ngành công nghiệp trong nước chủ yếu gia công, với tỷ lệ giá trị gia tăng trên doanh thu thấp, điều này hạn chế khả năng tăng trưởng bền vững.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thể chế yếu kém đã tạo ra “tam bất thông” trong nền kinh tế: không thông suốt về nguồn lực, không thông suốt về cơ chế và không thông suốt về quản trị. Điều này dẫn đến sự lãng phí, kém hiệu quả và tạo ra nguy cơ tụt hậu, khiến nền kinh tế khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cao.
Cần bước nhảy vọt
Trước những khó khăn và thách thức hiện tại, tham vọng đạt được mức tăng trưởng hai con số thực sự là một mục tiêu khó khăn. Tuy nhiên, đây là điều bắt buộc nếu Việt Nam muốn trở thành một quốc gia phát triển.
Theo tính toán của các chuyên gia, để đạt được mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải duy trì ở mức hai con số trong những năm tiếp theo.
Tăng trưởng hai con số không chỉ là mục tiêu mà còn là điều kiện tiên quyết để Việt Nam hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà bấy lâu nay vẫn còn dang dở. Bài học từ các quốc gia khác trên thế giới đã chứng minh rằng, tăng trưởng GDP liên tục với mức hai con số trong nhiều thập kỷ là động lực mạnh mẽ để một quốc gia “chuyển mình”.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Trung Quốc đã chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian dài là yếu tố quyết định để đạt được bước nhảy vọt về kinh tế.
Từ năm 1962 đến 1990, Hàn Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 10% mỗi năm nhờ chiến lược công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu. Sự tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện tử, ô tô và đóng tàu đã giúp Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo nàn, kiệt quệ sau chiến tranh trở thành một nền kinh tế phát triển.
Cũng như vậy, Trung Quốc bắt đầu hành trình phát triển ngoạn mục với tăng trưởng GDP trung bình 10% mỗi năm từ năm 1978, kéo dài trong suốt 30 năm nhờ chính sách cải cách kinh tế và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng. Đến năm 2010, GDP của Trung Quốc đã tăng hơn 30 lần, đưa quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Năm chạy đà
Làm thế nào Việt Nam đạt được mức tăng trưởng hai con số khi mà tăng trưởng trong những năm gần đây thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Quốc hội cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7%, phấn đấu mức 7-7,5%.
Để đạt được mức tăng trưởng cao như trong quá khứ, hay thậm chí là tăng trưởng hai con số, theo các chuyên gia, Việt Nam cần một “thời gian chạy lấy đà”. Và năm 2025 dự kiến là thời điểm bắt đầu tạo đà bứt phá khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 8% - cao hơn so với mức tăng trưởng được Quốc hội thận trọng đề ra.
Năm 2025 cũng đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng, từ 80 năm thành lập nước, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng đến Đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị sẵn sàng cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, đồng thời điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt. Đặc biệt, việc giảm lãi suất và đẩy mạnh tín dụng cho sản xuất kinh doanh sẽ là những ưu tiên hàng đầu, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Bên cạnh đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu sẽ tiếp tục là các động lực quan trọng.
Tuy nhiên, để thực sự bứt phá, Việt Nam cần phải tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới. Trong đó, chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi xanh được xem là chìa khóa quan trọng. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phát triển các ngành công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy nền kinh tế.
Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng lao động, bởi hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 26%, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển như Hàn Quốc hay Singapore. Việc cải thiện năng suất lao động sẽ giúp nâng cao cạnh tranh quốc gia.
Ngoài ra, hạ tầng chiến lược, đặc biệt là giao thông kết nối liên vùng, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sức bật cho nền kinh tế. Các dự án lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành hay bến cảng Liên Chiểu, cảng quốc tế Cần Giờ được kỳ vọng sẽ tạo đà cho sự tăng trưởng.
Kinh tế tư nhân được coi là một trong những động lực quan trọng trong chiến lược tăng trưởng này. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế ưu tiên cho phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn, từ đó tạo ra các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Các địa phương cũng sẽ đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung, với TP. HCM là một trong những đầu tàu dẫn dắt. Thành phố này đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025, với hy vọng rằng các tỉnh thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng sẽ theo sau, cùng nhau đưa đất nước vào một kỷ nguyên phát triển mới.
Đây là việc cần làm ngay bởi theo ông Khôi, các khu vực kinh tế đầu tàu như TP. HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đang giảm dần tỷ trọng đóng góp vào GDP, nhưng các biện pháp mới như Nghị định 98 và Luật Thủ đô có thể giúp đẩy mạnh tăng trưởng ở những khu vực này.
Chính phủ cũng đang thực hiện quy hoạch 63 tỉnh, thành phố, hy vọng sẽ mang lại những bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới, từ đó góp phần vào mục tiêu tăng trưởng bền vững và nâng cao GDP đầu người.
Cần đột phá của đột phá cho tăng trưởng kinh tế
Một trong những giải pháp then chốt mà cả Tổng Bí thư và Thủ tướng đều khẳng định và kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt bứt phá cho tăng trưởng Việt Nam chính là cải cách thể chế.
Theo nhiều chuyên gia, cải cách thể chế chính là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng GDP hai con số trong kỷ nguyên vươn mình. Việc cải cách không chỉ là tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở động lực phát triển mà còn tạo ra các không gian phát triển mới, mở ra cơ hội mới cho nền kinh tế.
Cải cách thể chế được kỳ vọng sẽ trở thành “đột phá của đột phá”, giải quyết tận gốc những vấn đề mang tính “điểm nghẽn của điểm nghẽn” trong nền kinh tế. Cải cách sẽ giúp tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả công tác, xây dựng cơ chế và chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Một thể chế thông thoáng, kiến tạo với tư duy đổi mới sẽ giúp huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh rằng nếu tháo gỡ được các điểm nghẽn về thể chế, GDP của Việt Nam có thể đạt mức hai con số mỗi năm trong những thập kỷ tới.
Cải cách thể chế, phá bỏ các rào cản sẽ không thiếu thách thức. Song, theo ông Thiên, nếu thực hiện thành công, cơ hội bứt phá cho các doanh nghiệp tư nhân và nền kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn. Với quyết tâm mạnh mẽ từ Đảng và Chính phủ, ông Thiên tin rằng những bất cập của nền kinh tế đã được nhận diện và đang đi đúng hướng để xử lý, tạo đà cho tăng trưởng.
Đồng quan điểm, ông Lực cũng nhận thấy những đột phá trong thể chế sẽ giúp hoạt động của doanh nghiệp trở nên thuận lợi, lành mạnh và bền vững hơn. Các nguồn lực phát triển sẽ được khai thông mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
TS. Vũ Đình Ánh bày tỏ sự tin tưởng rằng với cách điều hành hiện nay của các nhà lãnh đạo đất. nước, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng chưa từng có, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới.
Nếu có thể cải thiện môi trường chính sách, cải cách thể chế và tăng cường khả năng phản ứng trước các cú sốc, tận dụng các cơ hội từ các FTA thế hệ mới, ông Khôi cho rằng GDP của Việt Nam có thể cải thiện thêm đến 1,26% so với hiện tại. “Đây là những ẩn số cực lớn. Nếu khai thông được, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt tăng trưởng hai con số”, ông Khôi khẳng định.
Hiện tại, ông Lực nhìn thấy những điểm sáng rất khả quan, như các động lực tăng trưởng phục hồi tốt, nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được củng cố, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số và kinh tế xanh.
Sự quyết liệt và quyết tâm từ lãnh đạo đất nước sẽ là yếu tố quyết định. Ông Lực tin tưởng, nền kinh tế Việt Nam sẽ có một năm 2025 tăng trưởng mạnh mẽ, làm tiền đề cho một giai đoạn phát triển mới, dù con đường phía trước còn nhiều thử thách.
Mặc dù tăng trưởng hai con số là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam biết tận dụng cơ hội và vượt qua thử thách. Giống như cách nền kinh tế bứt phá mạnh mẽ sau thời kỳ đổi mới, chúng ta có quyền kỳ vọng vào một thời kỳ hoàng kim trong tương lai không xa.
Bài viết nằm trong Đặc san Nhà Quản Trị Xuân Ất Tỵ 2025 xuất bản tháng 1/2025.
Đặc san dày 168 trang, khổ 23x29cm, giá bán 150.000 đồng. Để đặt mua Đặc san, xin liên hệ Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị - TheLEADER.
Tòa soạn
Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: (024) 3244 4359
Văn phòng đại diện TP.HCM
Lầu 2, tòa nhà VNO, số 29 Huỳnh Văn Bánh, phường 17, quận Phú Nhuận, TP.HCM
Điện thoại: (08) 8670 8817
Lọc hóa dầu Bình Sơn hướng tới tăng trưởng hai con số
Dragon Capital: Đầu tư công dẫn dắt tăng trưởng kinh tế 2025
Lãnh đạo Dragon Capital khẳng định nếu niềm tin của khối doanh nghiệp tư nhân cao thì tăng trưởng kinh tế hai con số không khó.
Tăng trưởng kinh tế 2024: Ấn tượng nhưng còn nhiều vấn đề nội tại
Kinh tế Việt Nam năm 2024 tăng trưởng ấn tượng với GDP đạt 7,09%, nhưng đằng sau là những thách thức nội tại cần được cải thiện.
Rủi ro tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm tới, một trong những điều cần lưu ý là nhu cầu hàng hóa của các nước phương Tây.
Lãnh đạo Pharma Group: Nghị quyết 57 là một chiến lược ấn tượng
Lãnh đạo Pharma Group, ông Burak Pekmezci tin rằng, những chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành dược phẩm sẽ giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu trong Nghị quyết 57.
Thách thức của chuyển đổi số trong kỷ nguyên AI
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các đơn vị cung cấp giải pháp như MISA đã không ngừng giải các bài toán khó để đưa những công nghệ tiên tiến giúp các tổ chức, doanh nghiệp số hóa toàn diện, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thái Bình vươn mình ra biển
“Quê lúa” đang quyết tâm vươn mình bằng chiến lược lấn biển táo bạo để mở rộng không gian phát triển mới, đặt mục tiêu biến công nghiệp trở thành trụ cột tăng trưởng, tạo đột phá trong hành trình chuyển mình từ một tỉnh thuần nông thành trung tâm công nghiệp hiện đại.
Tinh hoa thêu tay Minh Lãng
Giữa dòng chảy thời gian và sự thay đổi không ngừng của xã hội, nghề thêu tay Minh Lãng, với những tinh hoa và kỹ thuật truyền thống, vẫn kiên trì tồn tại và phát triển, giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc qua từng đường kim, mũi chỉ.
Vươn mình từ sức mạnh nội sinh
Tinh thần dân tộc cùng khát vọng vươn lên đang trở thành nguồn động lực mạnh mẽ, đưa con tàu Việt Nam tiến nhanh trên hành trình chinh phục đích thịnh vượng.
Kết nối sâu sắc với khách hàng trong tiếp thị
Trong bối cảnh tiếp thị hiện đại, mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng không còn chỉ là giao dịch đơn thuần mà là một quá trình kết nối sâu sắc, bền vững.
Tạo đà bứt phá
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số không chỉ thể hiện tham vọng mà còn là đòi hỏi cần thiết nếu Việt Nam muốn đứng trong hàng ngũ các nước phát triển vào năm 2045. Nhưng liệu nền kinh tế có sẵn sàng cho thách thức lịch sử?
Ông chủ chuỗi nhà hàng Vị vươn lên từ vực thẳm
Kinh doanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ, điều quan trọng nhất là không bao giờ từ bỏ hy vọng. Ông chủ chuỗi nhà hàng mang tên Vị đã chứng minh cho câu nói: Khó khăn không phải để đánh bại ta, mà để ta học cách vươn lên mạnh mẽ hơn.
Lãnh đạo phụng sự ở Tập đoàn Thiên Long
Chấp nhận nỗi đau và sự cô đơn của người làm lãnh đạo khi đưa ra những quyết định quan trọng, nữ CEO đầu tiên của Tập đoàn Thiên Long đang dẫn dắt doanh nghiệp chuyển mình mạnh mẽ, tiến từng bước vững chắc trên hành trình phát triển bền vững.
Chơi 'tàu lượn siêu tốc' ở DEEP C
Từ một vùng đất hoang hóa, DEEP C đã trở thành một tổ hợp khu công nghiệp sinh thái hiện đại nhờ sự lãnh đạo quyết liệt và “khó đoán” của CEO Bruno Jaspaert, với hành trình phát triển đầy thử thách và kịch tính như trò chơi “tàu lượn siêu tốc”.
Ươm mầm kỳ lân cho nền kinh tế số
Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư công nghệ VinVentures tin rằng, Việt Nam có tiềm năng xuất hiện "kỳ lân" thứ 5 và thứ 6 trong hai năm tới.
CHỐNG LÃNG PHÍ: Giải pháp thực hành phát triển bền vững
Ngay khi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chúng ta đã có lợi về kinh tế thông qua việc giảm chi phí, chưa kể lợi ích về môi trường và xã hội đi kèm.