Chuỗi nhà thuốc An Khang ngày càng xa mục tiêu có lãi

Việt Hưng - 13:31, 20/03/2023

TheLEADERTừng có thời điểm, mỗi ngày Thế Giới Di Động mở mới một nhà thuốc An Khang với kỳ vọng nâng số lượng nhà thuốc lên 800 điểm bán và hướng tới mục tiêu có lãi.

Sau khi về tay Thế Giới Di Động vào khoảng đầu năm 2018, chuỗi nhà thuốc An Khang từng được kỳ vọng sẽ trở thành "mảng ghép" giúp công ty hướng tới trở thành nhà bán lẻ số một, đa ngành nghề và không chỉ hoạt động ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động sau đó đã thông báo hoãn kế hoạch kể trên để đánh giá lại rủi ro. Thay vì chi phối hoạt động tại chuỗi nhà thuốc An Khang, Thế Giới Di Động chi ra hơn 62 tỷ đồng để sở hữu 49% cổ phần tại Công ty Cổ phần Bán lẻ An Khang.

Sau này, Thế Giới Di Động đã nhiều lần triển khai thử nghiệm kế hoạch kết hợp chuỗi nhà thuốc An Khang cùng Bách Hóa Xanh nhưng chưa mang về hiệu quả.

Sau đại dịch Covid-19, thị trường bán lẻ dược phẩm cho thấy sự khởi sắc và ngày càng trở nên sôi động với quy mô 7-8 tỷ USD. Nhận thấy thời cơ này, từ cuối năm 2021, chuỗi nhà thuốc An Khang đã liên tục đẩy mạnh mở rộng mạng lưới cửa hàng trên toàn quốc.

Chuỗi nhà thuốc An Khang còn chặng đường dài để có lãi
Chuỗi nhà thuốc An Khang còn chặng đường dài để có lãi

Báo cáo quý 4/2021, phía Thế Giới Di Động cho biết, An Khang đã đạt hiệu quả kinh doanh tích cực ở cấp độ công ty, do đó, chuỗi này sẽ được tập trung cả về nguồn lực tài chính và đội ngũ lãnh đạo chuyên trách để phát triển mạnh mẽ.

Từng có thời điểm, mỗi ngày Thế Giới Di Động mở mới trên 1 cửa hàng mỗi ngày. Tháng 4/2022, Thế Giới Di Động công bố doanh số lũy kế 4 tháng chuỗi An Khang gấp 3,7 lần cùng kỳ.

Sau đó 3 tháng, hệ thống cán mốc 500 cửa hàng trên khắp miền Nam, tiến dần ra cả khu vực miền Trung và Bắc bộ. Ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO Thế Giới Di Động cho biết, chuỗi này đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng và đạt điểm hòa vốn vào cuối năm.

Thời điểm đó, doanh thu trung bình hàng tháng của mỗi nhà thuốc An Khang đang dao động 400 - 450 triệu đồng. Thuốc đóng góp 60% trong số này. Phần còn lại đến từ thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân.

Ban lãnh đạo chuỗi đang có kế hoạch nâng doanh số bình quân mỗi nhà thuốc lên 600 triệu đồng một tháng và tăng số lượng nhà thuốc lên 800 điểm bán.

Thế nhưng, trước nguy cơ nền kinh tế suy thoái và lạm phát tăng cao trong những tháng cuối năm 2022, nhà thuốc An Khang buộc phải dừng mở rộng chuỗi và kết thúc năm với số lỗ 306 tỷ đồng. Các năm 2019 và 2020, An Khang lỗ lần lượt 5,9 và 6,4 tỷ đồng.

Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết, sau khi đạt quy mô 500 nhà thuốc vào cuối năm 2022, công ty đã tạm ngưng mở rộng để tập trung tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí để hướng đến vận hành có lợi nhuận trong năm 2023.

Như vậy, con đường hướng tới mục tiêu có lãi, cũng như gia tăng quy mô nhà thuộc An Khang nhằm bám sát "đối thủ" Long Châu của FPT Retail đã dài hơn 1 năm.

"So với mục tiêu có 800 cửa hàng trước đây, việc chậm lại một nhịp giúp chúng tôi củng cố lại mọi thứ, tìm cơ hội để gia tăng thêm doanh thu cho An Khang trong thời gian tới. Hiện tại, 500 cửa hàng đã đủ lớn trên thị trường", CEO Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ.

Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng Khoán Thành Công (TCSC), chuỗi An Khang hiện hoạt động thiên về mô hình CVS - cửa hàng tiện lợi trong lĩnh vực dược phẩm, tức là tập trung nhiều hơn cho hàng tiêu dùng.

So với thị trường bán lẻ công nghệ và điện máy có dấu hiệu chững lại, thị trường bán lẻ dược phẩm dù một số nhà bán lẻ lớn cân nhắc có nên tiếp tục mở mới hay không thì vẫn sẽ tiếp tục có những cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi nhiều doanh nghiệp mới cũng đang bước chân vào lĩnh vực này.

Hiện thị trường bán lẻ dược phẩm ở Việt Nam được đánh giá là “mỏ vàng” để các chuỗi nhà thuốc theo mô hình hiện đại ra sức tranh giành thị phần. Và trong trường hợp một vài chuỗi tạm dừng mở mới cửa hàng có thể là cơ hội cho các chuỗi khác trong cuộc đua mở rộng số lượng để tăng thị phần.