Chuyển đổi xanh và cơ hội cho những nhà tiên phong

Hoàng Đông - 16:56, 27/06/2023

TheLEADERGiảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả và tạo dựng được hình ảnh đẹp đối với người tiêu dùng là lợi thế cạnh tranh cho những đơn vị tiên phong thực hiện phát triển bền vững.

Vừa qua, nhà máy sữa và trang trại bò sữa của Vinamilk tại Nghệ An đã lần đầu tiên trở thành nhà máy và trang trại đạt mức trung hòa phát thải carbon theo tiêu chuẩn quốc tế. Công bố dấu mốc này, Vinamilk cũng công bố lộ trình cắt giảm 15% khí thải carbon vào năm 2027, 55% vào năm 2035, tiến đến trung hòa carbon vào năm 2050.

Lộ trình tham vọng này cần không chỉ nỗ lực mà còn là sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ rất sớm. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành R&D của Vinamilk, cho biết, đạt được trung hòa carbon tại nhà máy và trang trại tại Nghệ An tương đương với trồng 1,7 triệu cây xanh 5 tuổi.

Như vậy, thành tựu kể trên là không thể đạt được nếu Vinamilk không triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh từ nhiều năm trước, đồng thời đầu tư ứng dụng máy móc hiện đại để nâng cao hiệu quả và giảm bớt khí thải phát sinh.

Từ đó, theo ông Khánh, nhờ triển khai chương trình cắt giảm khí thải carbon từ sớm, Vinamilk tiết giảm được rất nhiều chi phí, đồng thời tối đa hóa lợi ích thu lại.

“Chuyển đổi xanh tiêu tốn rất nhiều cả về tiền bạc, thời gian và nhân lực. Tuy nhiên, nếu triển khai chuyển đổi xanh từ sớm, doanh nghiệp sẽ nhận lại lợi ích tốt hơn”, ông Khánh nói.

Điều quan trọng, theo đại diện Vinamilk, nằm ở nhận thức của doanh nghiệp. Thay vì nhìn chuyển đổi xanh như một khoản đầu tư sinh lời ngắn hạn, các lãnh đạo doanh nghiệp cần phải hiểu rằng đây là một chặng đường dài. Những lợi ích như tiết kiệm được tài nguyên, năng lượng hay là cả xây dựng được hình ảnh đẹp trong mắt người tiêu dùng chính là thành quả của quá trình bền bỉ của những nhà tiên phong đầu tư vào chuyển đổi xanh.

Từ phía hãng hàng không Vietjet, ông Tô Việt Thắng, Phó tổng giám đốc công ty, cho biết, cắt giảm khí thải trong ngành hàng không là một quá trình rất khó khăn. Bởi lẽ, khi vận hành một chuyến bay, mức hao phí nhiên liệu có thể lên đến 40 – 60%, trong khi mỗi tấn nhiên liệu tàu bay có thể thải ra đến hơn 3 tấn khí thải carbon.

Thực hiện giảm thiểu phát thải khí nhà kính, Vietjet đã phải đầu tư những máy bay với công nghệ hiện đại tiết kiệm nhiên liệu, đào tạo cho đội ngũ phi công cách sử dụng chế độ phù hợp để hạn chế hao phí. Mặt khác, thủ tục giấy tờ để hành khách lên máy bay cũng được Vietjet tiến hành chuyển đổi số nhằm giảm thời gian máy bay nổ máy chờ quá lâu.

Đúc kết kinh nghiệm triển khai chuyển đổi xanh, ông Thắng cho biết, có định hướng về chiến lược từ sớm chính là lợi thế rất lớn. “Các lựa chọn về giải pháp, công nghệ đã đúng ngay từ đầu nên giúp tiết kiệm rất nhiều trong quá trình triển khai”, lãnh đạo hãng hàng không Vietjet khẳng định.

Bên cạnh đó, những đơn vị, doanh nghiệp tiên phong còn nhận được lợi thế từ chính sự ủng hộ, hỗ trợ và đồng hành của Chính phủ, các tổ chức cũng như khách hàng và đối tác, đặc biệt khi xu thế phát triển bền vững đang trở thành yêu cầu tất yếu.

Sự hỗ trợ từ phía Chính phủ cũng là kỳ vọng của Tập đoàn TH khi triển khai từ sớm chiến lược phát triển bền vững. Theo ông Arghya Mandal, Tổng giám đốc Công ty CP sữa TH, Tập đoàn TH đã triển khai từ rất sớm những chương trình phát triển bền vững như trồng rừng, lắp đặt hệ thống mặt trời áp mái; tham gia sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam)…

Đặt mục tiêu ưu tiên là bảo vệ hệ sinh thái nhưng ông Mandal cũng phải thừa nhận rằng Tập đoàn TH cũng như cộng đồng doanh nghiệp đều kỳ vọng đạt được hiệu quả kinh tế. “Vì vậy, chúng tôi mong chờ Chính phủ có thêm chính sách khuyến khích cho những doanh nghiệp đang đi những bước đầu tiên trên hành trình cắt giảm carbon”, đại diện Tập đoàn TH nhắn gửi.