Chuyên gia Thụy Sĩ: 'Việt Nam đang là điểm đến ao ước của nhiều du khách quốc tế'

Quỳnh Như - 09:20, 03/12/2018

TheLEADERViệt Nam có tài nguyên và dịch vụ du lịch phong phú, nhiều bãi biển đẹp, văn hóa đa dạng, các thành phố quyến rũ, lịch sử hào hùng và cuối cùng là nền ẩm thực đầy triển vọng, đại diện hãng hàng không Edelweiss Air đánh giá.

Chuyên gia Thụy Sĩ: 'Việt Nam đang là điểm đến ao ước của nhiều du khách quốc tế'
Ruộng bậc thang ở các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam rất thu hút du khách

Tháng 11 vừa qua, Edelweiss Air – hãng hàng không trực thuộc Swiss International Airlines, thành viên của Tập đoàn Lufthansa đã chính thức khai trương đường bay thẳng từ Zurich (Thụy Sĩ) đến TP. HCM (Việt Nam) với 2 chuyến bay/tuần và mỗi chiều bay kéo dài khoảng 13 tiếng.

Trước đây, để có thể từ TP. HCM đến Zurich, hành khách từ Việt Nam buộc phải quá cảnh qua Frankfurt (Đức), Paris (Pháp) hay London (Anh) rồi sau đó đón thêm chuyến bay nữa để qua Zurich và ngược lại. Thế nên, việc Edelweiss Air mở đường bay mới này, khiến giới doanh nhân, khách du lịch và các công ty lữ hành của 2 nước hết sức vui mừng.

Trước đây, Swiss International Airlines cũng đã khai thác đường bay này nhưng chỉ được một thời gian rồi họ buộc phải đóng cửa vì nhiều lý do.

Trao đổi với TheLEADER, đại diện đến từ Edelweiss và Bộ Du lịch Thụy Sĩ cho biết, Edelweiss Air không hề sợ hãi sẽ đi theo “vết xe đổ” của Swiss International Airlines, bởi vị thế của ngành du lịch Việt Nam bây giờ đã khác và bản thân họ cũng đã chuẩn bị hết sức kỹ càng cho lần tiến quân vào thị trường Việt lần này.

“TP. HCM là điểm đến thứ 5 của Edelweiss tại châu Á sau Maldives, Colombo (Sri Lanka), Phukhet (Thái Lan) và Eilat (Israel). Sở dĩ, TP. HCM được chọn là điểm khai thác tiếp theo là bởi Việt Nam có tài nguyên và dịch vụ du lịch phong phú, nhiều bãi biển đẹp, văn hóa đa dạng, các thành phố quyến rũ, lịch sử hào hùng và cuối cùng là nền ẩm thực đầy triển vọng. 

Ngành du lịch Việt Nam đang phát triển một cách thần kỳ trong khoảng một thập kỷ gần đây và đất nước của các bạn đang là một trong những điểm đến được ao ước đối với nhiều du khách trên khắp thế giới", ", ông Andreas Meier – Trưởng bộ phận truyền thông của Edelweiss Air chia sẻ.

Bên cạnh đó, 2 lượt bay mỗi tuần là phù hợp với nhu cầu của người Thụy Sĩ và nó còn có thể kết nối khách từ Việt Nam đến các nước khác ở châu Âu nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa Edelweiss với Swiss Airlines. Edelweiss cũng được hưởng lợi từ cấu trúc bán hàng tại địa phương và khu vực mà công ty mẹ Lufhansa Group đã thiết lập.

Tất nhiên, việc đường bay mới của Edelweiss có phát triển bền vững hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào tổ chức Du lịch Thụy Sĩ. Để đảm bảo rằng, lần tấn công vào thị trường Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung lần này không thất bại, Bộ Du lịch Thụy Sĩ đã nỗ lực rất nhiều để hỗ trợ.

“Mục đích chính của chúng tôi khi mở đường bay này không phải chỉ thu hút người Thụy Sĩ muốn đi tránh đông mà trao cho người dân cơ hội khám phá thêm một điểm đến mới hấp dẫn. Người Thụy Sĩ rất thích đi du lịch và họ thích tìm hiểu – khám phá những vùng đất mới trên khắp thế giới", ông Oliver Guggisberg – Trưởng đại diện văn phòng Đông Nam Á của Bộ Du lịch Thụy Sĩ cho biết.

Theo đó, cả Edelweiss lẫn Bộ Du lịch Thụy Sĩ đều không lo lắng về lượng khách ở chiều Zurich đến TP. HCM, vì như đã nói ở trên, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các du khách trên khắp thế giới, trong đó có Thụy Sĩ. Còn ở chiều ngược lại, mọi chuyện không đơn giản như thế, do Thụy Sĩ vẫn còn là điểm đến tương đối lạ lẫm với đại đa số người Việt.

Thế nên, nhiệm vụ chính của Bộ Du lịch Thụy Sĩ để đảm bảo đường nay này có thể phát triển bền vững là phải thu hút du khách Việt viếng thăm đất nước này ngày một nhiều hơn, bằng cách tập trung vào việc tạo nhiều gói dịch vụ du lịch để hấp dẫn nhiều khách Việt Nam và quảng bá những ưu đãi đó qua các đại lý du lịch cũng như các kênh truyền thông khác nhau.

Việt Nam đang là điểm đến mơ ước của nhiều du khách quốc tế
Ông Oliver Guggisberg – Trưởng đại diện văn phòng Đông Nam Á của Bộ Du lịch Thụy Sĩ

Thứ nhất, để hấp dẫn du khách Việt Nam đến Thụy Sĩ, Bộ Du lịch Thụy Sĩ sẽ phối hợp chặt chẽ với các nhà điều hành tour địa phương – Tour Operators (TO), đại lý du lịch – Travel Agencies (TA) cũng như các phương tiện truyền thông. Chúng tôi sẽ hỗ trợ TO và TA trong việc khởi tạo và triển khai các ý tưởng tour mới bằng cách giới thiệu đất nước cũng như các đối tác Thụy Sĩ với họ.

Ví dụ, vào ngày 13/11 vừa qua, Bộ Du lịch Thụy Sĩ đã tổ chức một buổi hội thảo nhỏ cho 10 nhà cung cấp từ Thụy Sĩ và hơn 80 đại lý du lịch Việt Nam tại TP. HCM để bày tỏ những lý do quan trọng vì sao các du khách nên viếng thăm Thụy Sĩ.

Vào giữa tháng 12/2018 này, Bộ Du lịch Thụy Sĩ sẽ mời 6 đại lý Việt Nam đến tham dự Hội thảo châu Á - Thái Bình Dương 2018 tại Thụy Sĩ (sẽ bao gồm các hoạt động B2B, nơi các đại lý từ Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc/New Zealand gặp các nhà cung cấp dịch vụ từ Thụy Sĩ).

Thứ hai, Bộ Du lịch Thụy Sĩ còn có khoá đào tạo các tổ chức – công ty du lịch thông qua chương trình E-learning hoặc một buổi học tại chỗ để cung cấp cho họ kiến thức sâu về sản phẩm cũng như cách xây dựng một mạng lưới với chứng chỉ cấp từ các chuyên gia của tổ chức này.

Ông Oliver Guggisberg tin rằng, những nỗ lực của ông và cộng sự sẽ thành công, bởi họ nhìn thấy tiềm năng rất lớn từ thị trường Việt: với tăng trưởng kinh tế hàng năm trung bình 6%, thu nhập của người dân Việt Nam ngày càng cao nên nhu cầu đi du lịch nước ngoài cũng tăng lên.

Dự đoán, trong năm 2018, người Việt Nam có 8 triệu chuyến du lịch nước ngoài. Còn theo Euromonitor, nhu cầu du lịch nước ngoài của Việt Nam sẽ tăng trung bình 10% đến 15% trong vài năm tới.

“Năm 2017, có khoảng 17.300 lượt đặt phòng qua đêm tại các khách sạn Thụy Sĩ là của người Việt. Với việc mở đường bay trực tiếp từ TP. HCM và Zurich, chúng tôi mong đợi lượt đặt phòng qua đêm tại Thụy Sĩ của khách Việt sẽ tăng mỗi năm từ 10 - 12% cho tới năm 2022”, ông Oliver Guggisberg nhận định. 

Thêm một hướng phát triển nữa mà Bộ Du lịch Thụy Sĩ muốn quảng bá để thu hút thêm khách cho đường bay mới này là biến TP. HCM - Việt Nam trở thành điểm trung chuyển của du khách châu Âu đến Lào và Campuchia. Ngược lại, Zurich – Thụy Sĩ cũng sẽ đóng vai trò trung chuyển cho du khách từ 3 nước Đông Dương đến châu Âu.

Nếu thực hiện được điều này sẽ mở ra cách cửa cho các đại lý du lịch tại Việt Nam, Lào và Campuchia có thể bán nhiều hơn nữa các tour du lịch châu Âu nói chung. Mảng du lịch nội địa của Việt Nam chắc chắn sẽ nhận tác động tích cực nếu TP. HCM trở thành điểm khởi đầu lý tưởng cho một chuyến du lịch đến Thụy Sĩ (cho cả du lịch giải trí và du lịch công việc).

Để giúp đường bay mới này phát triển bền vững, điều quan trọng là phải có nhu cầu và nguồn cung từ thị trường 2 nước, sự đóng góp của các nước xung quanh cũng đóng vai trò rất quan trọng, đại diện đến từ Bộ Du lịch Thụy Sĩ kết luận.