Cơn 'khát tiền' của siêu dự án lọc dầu Dung Quất

Nguyễn Cảnh - 08:52, 05/12/2022

TheLEADERDự án mở rộng, nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất trị giá 1,8 tỷ USD thuộc danh mục các dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ (giai đoạn 2016-2021) vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cơn 'khát tiền' của siêu dự án lọc dầu Dung Quất
Vấn đề cốt lõi của dự án mở rộng, nâng cấp lọc dầu Dung Quất là "tiền đâu" để đầu tư. (Ảnh: bsr.com.vn)

Với chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp lọc hóa dầu của Việt Nam, việc tăng công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm sẽ cơ bản đáp ứng được gần 50% nhu cầu của thị trường trong nước, giảm thiểu nhập khẩu xăng dầu.

Được xác định là chiến lược và cấp thiết để bảo đảm phát triển bền vững, dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được trao chứng nhận đầu tư từ 7 năm trước (PVN làm chủ đầu tư, dự án nâng từ công suất 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm, tương đương 192.000 thùng dầu/ngày, tổng vốn khoảng 1,8 tỷ USD với tỷ lệ 70% vốn vay, 30% vốn góp). 

Theo kế hoạch, trong quý I/2015, nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ tiến hành đấu thầu, ký hợp đồng thiết kế tổng thể và hợp đồng bản quyền công nghệ. Sau đó sẽ lập thiết kế, lựa chọn nhà thầu để triển khai dự án và hoàn thành đưa vào vận hành trước năm 2022.

Tuy nhiên, tới những tháng cuối năm 2022, dự án vẫn đang dừng ở mức được các bộ ngành lấy ý kiến thẩm định. 

Theo Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị thành viên của PVN được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất), nút thắt lớn nhất dẫn tới tình trạng dự án “dậm chân tại chỗ” là cạn dòng tiền,  bởi không có sự bảo lãnh về vốn vay của Chính phủ.

BSR là doanh nghiệp vốn nhà nước, cho nên, công ty hoạt động hoàn toàn theo kế hoạch của tập đoàn, Bộ Công thương và được Chính phủ phê duyệt. Bây giờ, việc nâng cấp và mở rộng nhà máy là nhu cầu sống còn đối với sự phát triển bền vững của nhà máy, là lẽ đương nhiên và nhìn thấy là có lợi về mọi mặt… Nếu Chính phủ không bảo lãnh cho vay vốn ngân hàng thì nhà máy cũng chẳng lần đâu ra tiền mà “nâng cấp, mở rộng”.

(Trích thông tin đăng tải trên website bsr.com.vn của BSR)

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có ý kiến thẩm định chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng lọc dầu Dung Quất. Theo đó, dự án sẽ nâng công suất của nhà máy từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày; điều chỉnh tiến độ thực hiện, diện tích sử dụng đất, quy mô đầu tư xây dựng của dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 1,26 tỷ USD. 

Kế hoạch vốn dự kiến cho dự án là 40% vốn chủ sở hữu, 60% vốn vay (tỉ lệ này có thể thay đổi theo từng phương án thu xếp vốn cho dự án).

Đáng chú ý, theo Bộ Xây dựng, chi phí quản lý dự án (từ thời điểm 2022) xác định theo dự toán cao hơn khoảng 2,84 lần so với giá trị xác định theo định mức tỷ lệ quy định tại Thông tư 12/2021/TT-BXD. Bộ đề nghị chủ đầu tư xem xét, làm rõ những nội dung đặc thù trong công tác quản lý dự án để xác định cho phù hợp.

Đồng thời, theo hồ sơ trình thẩm định, mức độ biến động giá sử dụng để quy đổi chi phí đầu tư từ thời điểm lập thiết kế FEED (năm 2017) về thời điểm lập sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh (Quý IV/2021) là khoảng 22,8%.

Bên cạnh đó, thị trường xây dựng trong nước thời gian qua cũng có mức biến động giá tương đối lớn. Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn xem xét, đánh giá kỹ lưỡng mức chi phí dự phòng trượt giá (hiện tính bằng khoảng 5,8% tổng mức đầu tư cho thời gian 5 năm thực hiện dự án) đảm bảo phù hợp với thời gian thực hiện dự án, mức độ biến động của thị trường trong nước và thế giới, đảm bảo tính khả thi của dự án.

Tháng 10 vừa qua, PVN và BSR (với sự hỗ trợ của ngân hàng SMBC) đã làm việc với các ECA và ngân hàng thương mại nước ngoài về kế hoạch thu xếp vốn cho dự án trong giai đoạn tiếp theo.

Các tổ chức ECA gồm: SACE (Ý), KSURE, KEXIM (Hàn Quốc), JBIC (Nhật), Hermes (Đức); các ngân hàng, J.P.Morgan (Mỹ), Societe Generale (SG) – Pháp, Landesbank Baden-Wuerttemberg (LBBW) - Đức,...

BSR thông tin, các ngân hàng và tổ chức ECA đã bày tỏ quan tâm, nhận định dự án có nhiều thuận lợi để tiếp cận vốn vay trên thị trường và sẽ gửi Thư quan tâm cho vay (LOI) đến BSR, sớm hoàn thiện các thủ tục để tiến hành thẩm định, cấp tín dụng cho dự án.

Liên quan đến dự án này, PVN cũng đã thông tin, trong quá trình triển khai, do các nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, dự án bị chậm tiến độ, chủ yếu liên quan đến công tác thiết kế tổng thể FEED, thẩm định và phê duyệt ĐTM, thu xếp vốn, lựa chọn nhà thầu EPC.

Đặc biệt, sau khi có kết quả đánh giá gói thầu EPC (giá gói thầu EPC vượt 385 triệu USD so với dự toán), cộng với tác động của nhiều yếu tố (đại dịch Covid-19, xu hướng chuyển dịch năng lượng…), thay đổi cơ chế chính sách, các phương án thu xếp vốn đều không khả thi đã làm thay đổi các giả định và thông số đầu vào để tính toán hiệu quả kinh tế của dự án.

Các yếu tố trên dẫn đến tính khả thi của dự án (so với thời điểm lập và phê duyệt dự án trước đây) không còn đảm bảo. PVN đánh giá, việc nghiên cứu, tìm hướng đi phù hợp cho dự án nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải tại Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng, đồng thời phù hợp xu hướng chuyển dịch năng lượng và đảm bảo tính khả thi, hiệu quả kinh tế là hết sức cần thiết và cấp bách.

Hơn 1 năm trước, trong bối cảnh dự án khó khăn triển khai, PVN đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh dự án (quy mô, cấu hình công nghệ, tiến độ…) so với dự án đã được phê duyệt trước đây. Ít lâu sau, Văn phòng Chính phủ đã giao Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xử lý các nội dung liên quan, bao gồm điều chỉnh dự án.

Tới tháng 6/2022, PVN kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án mà chủ đầu tư (BSR) đã báo cáo. Khi đó, PVN nêu rõ loạt vướng mắc: Việc điều chỉnh dự án sẽ mất nhiều thời gian và càng làm tiến độ dự án bị chậm hơn nữa; ngành lọc dầu đang đối mặt với nhiều khó khăn (xu hướng dịch chuyển năng lượng và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng dầu có xu hướng ngày càng giảm); Dư thừa công suất, cạnh tranh ngày càng gay gắt; Thị trường dầu thô và sản phẩm lọc dầu biến động bất thường, khó dự báo…

Đặc biệt, các dự án nâng cấp chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường có hiệu quả đầu tư thấp, nếu không có các chính sách ưu đãi hỗ trợ..

Trước thực tế đó, PVN đã kiến nghị với Thủ tướng: Cho phép chủ đầu tư (BSR) áp dụng cơ chế thuế thu nhập doanh nghiệp như dự án mới đối với BSR sau khi hoàn thành dự án (thuế 10% trong 30 năm, trong đó 4 năm đầu áp dụng mức thuế 0% kể từ khi có thu nhập chịu thuế, áp dụng mức thuế 5% trong 9 năm tiếp theo).

Cho phép lưu hành các tiêu chuẩn/quy chuẩn xăng dầu như hiện nay để sản phẩm BSR tiêu thụ được tại trường trong nước cho đến khi hoàn thành dự án nâng cấp chất lượng sản phẩm xăng dầu.

Chấp thuận cho ngân hàng trong nước tăng hạn mức để cho vay, và cấp bảo lãnh với dự án, được giải ngân ngoại tệ cho dự án.

Cho phép tiếp tục được áp dụng cơ chế đặc cách như đã được Thủ tướng chấp thuận tại Công văn 321/TTg-DK ngày 4/3/2008. Cụ thể: Cho phép chủ đầu tư các dự án lọc hóa dầu của PVN (các dự án phải mua bản quyền công nghệ) trong giai đoạn lập dự án đầu tư chỉ thực hiện thiết kế sơ bộ; thiết kế cơ sở được thực hiện ở giai đoạn sau; cho phép chủ đầu tư các dự án nêu trên được hoàn thành và trình duyệt ĐTM của dự án trước khi xin cấp phép xây dựng.