Công ty ô tô Trung Quốc mua ngân hàng đầu tư của Đan Mạch

Linh Lan - 15:55, 09/10/2017

TheLEADERZhejiang Geely Holdings, tập đoàn sở hữu hãng ô tô Geely của Trung Quốc, sau thương vụ mua lại Volvo, một hãng xe ô tô của Thụy Điển từ tay Ford, đang tiến hành mua lại Saxo, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất của Đan Mạch.

Công ty ô tô Trung Quốc mua ngân hàng đầu tư của Đan Mạch
Geelycars là một thương hiệu ô tô của Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Ngân hàng Saxo vừa công bố vào ngày 2/10 rằng công ty Geely sẽ mua lại 51,5% cổ phần của ngân hàng này. Thỏa thuận, nếu được pháp luật thông qua, sẽ có giá trị lên tới 800 triệu USD. 

Tập đoàn Sampo, một công ty bảo hiểm Phần Lan sẽ mua lại 19,9% cổ phần của Saxo với giá 311 triệu USD và ông Kim Fournais, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Saxo sẽ giữ lại 25,7% cổ phần. 

Bên bán cổ phần Saxo lần này là Sinar Mas, một tập đoàn của Indonesia và quỹ đầu tư TPG của Mỹ.

Ngân hàng Saxo đã sớm tham gia vào các giao dịch chứng khoán trực tuyến và đầu tư vào công nghệ tài chính. Ngân hàng này đã thu được lợi nhuận đáng kể từ việc bán nền tảng giao dịch cho các công ty khác. 

Ông Daniel Donghui Li, Giám đốc tài chính của Geely, nói Geely hy vọng sẽ mở rộng công nghệ của Saxo sang châu Á. Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng này, Geely không có ý định thay đổi cách thức hoạt động của Saxo.

Geely không phải là công ty Trung Quốc đầu tiên kiểm soát một ngân hàng châu Âu. Vào tháng 9, Legend, cổ đông lớn nhất của công ty máy tính Lenovo Computers, tuyên bố sẽ mua 89,6% cổ phần của Banque Internationale, ngân hàng tư nhân lâu đời nhất ở Luxembourg. 

Legend cho biết họ muốn cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho các công ty tham gia vào dự án "Một vành đai - Một con đường" của Trung Quốc để xây dựng con đường tơ lụa hiện đại nối châu Á và châu Âu. 

Một số công ty Trung quốc khác cũng đã trở thành cổ đông của một số ngân hàng châu Âu.

Sau năm 2014, các công ty Trung Quốc đã tăng mạnh đầu tư trực tiếp vào các công ty nước ngoài. Các công ty lớn của Trung Quốc đã tiến hành những giao dịch giá trị cao để mua lại các đội thể thao, các công ty điện ảnh và các tài sản khác ở những lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với các hoạt động chính của họ. Tuy nhiên, những lo ngại về dòng vốn và nợ công đã khiến chính phủ Trung Quốc đưa ra các quy định hạn chế đầu tư ra nước ngoài.

Việc Geely mua ngân hàng Saxo cho thấy các công ty Trung Quốc đang dần quan tâm trở lại đối với việc đầu tư ra nước ngoài. Theo ông Edward Tse, Chủ tịch Gao Feng, một công ty tư vấn thị trường của Trung Quốc, cho biết các quy định của Trung Quốc chủ yếu hướng vào một số công ty có những khoản đầu tư sai lầm. Còn trong trường hợp của Geely, công ty này đã thâu tóm thành công một ngân hàng nước ngoài có uy tín, vì vậy, có thể phần nào yên tâm đối với các quy định hạn chế đầu tư của các cơ quan chức năng.