Công ty phân tích dự báo tương lai ảm đạm của Vietnam Airlines

Trần Dũng - 16:36, 04/09/2019

TheLEADERHoạt động của Vietnam Airlines đang gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt cùng nhu cầu vận tải hàng không tăng chậm.

Theo Cục hàng không Việt Nam (CAAV), trong 6 tháng đầu năm 2019, thị phần trong nước của Bamboo Airways đạt 4,2%. Sự gia nhập của Bamboo Airway đã có ảnh hưởng lớn hơn đối Vietnam Airlines. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã mất tới 3,2% thị phần vào tay Bamboo Airways. Trong khi đó, Vietjet Air, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Việt Nam, chỉ mất 1% thị phần vào tay đối thủ mới.

Bamboo Airways, hãng hàng không mới gia nhập thị trường đầu năm nay đi theo mô hình hàng không tiêu chuẩn (full service – FSC), với chiến lược đối đầu rất trực tiếp với Vietnam Airlines khi sử dụng cùng một loại máy bay thân rộng. Trên các tuyến bay quốc tế, Bamboo Airways cũng chuẩn bị nhận máy bay cỡ lớn B787 vào cuối năm 2019.

Kết quả hoạt động nửa đầu năm 2019, thị phần hàng không nội địa của Vietnam Airlines đã giảm xuống 35,9%. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của Vietnam Airlines chỉ đạt 79 tỷ đồng, giảm 74,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đây, hãng hàng không này cho biết đã điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh năm 2019 để "phù hợp hơn với tình hình thực tế".

Cụ thể, chỉ tiêu số khách vận chuyển trong năm 2019 còn 23,4 triệu lượt, giảm 6%, chỉ tiêu hàng hóa vận chuyển giảm 4,4%. Doanh thu hợp nhất dự kiến sẽ giảm hơn 7.100 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu, tương ứng giảm 6,4% so với kế hoạch. Công ty không giảm mục tiêu lợi nhuận do dự báo ghi nhận 1 khoản thu nhập bất thường trị giá 170 tỷ đồng từ lãi chênh lệch tỷ giá.

Mặc dù vậy, các công ty phân tích nhận định, hoạt động của Vietnam Airlines đang gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt cùng nhu cầu vận tải hàng không tăng chậm.

Hoạt động chuyển đổi mô hình kinh doanh của Vietnam Airlines cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, Vietnam Airlines đang trong quá trình tái cơ cấu đội bay, chuyển dần sang mô hình cho thuê để tăng hiệu quả hoạt động; tiến hành bán bớt các máy bay cũ để giảm bớt áp lực nợ; áp lực trả lãi và nguy cơ lỗ tỷ giá.

Trong nửa đầu năm 2019, Vietnam Airlines đã nhận 8 máy bay A321 – Neo từ hoạt động cho thuê thuê và 1 máy bay A350 qua mô hình sale and leasing back – bán và cho thuê lại máy bay. Từ giờ đến cuối năm, Vietnam Airlines có kế hoạch nhận thêm 9 máy bay A321 – Neo.

Công ty chứng khoán Quân đội (MBS) nhận định, việc chuyển đổi sang thuê máy bay và đẩy mạnh hoạt động bán và cho thuê lại máy bay sẽ tạo gánh nặng lớn hơn lên nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines.

Bên cạnh đó, việc nhận quá nhiều máy bay một lúc có thể khiến biên lợi nhuận từ hoạt động hàng không của công giảm do lượng máy bay về vượt quá nhu cầu vận tải thực.

MBS tiếp tục đưa ra dự báo không thuận lợi cho hoạt động của Vietnam Airlines thời gian tới do hàng khách đi máy bay tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là thị trường trong nước và tour du lịch quốc tế

Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng cho rằng, biên lợi nhuận vận tải hàng không của Vietnam Airlines sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, do hãng hàng không phải tiếp tục đưa ra nhiều chương trình chiết khấu giá vé để cạnh tranh với đối thủ. 

Ngoài Bamboo Airways, các hãng hàng không mới Vinpearl Air và Vietravel Air dự kiến sẽ có chuyến bay đầu tiên vào tháng 7 và 8/2020. Cả hai hãng hàng không nói trên đều đang hướng đến thị trường bay quốc tế với trên 30 máy bay.