Cen Land xoay sở trong cơn bĩ cực
Từ chỗ chủ yếu đầu tư thứ cấp và phân phối bất động sản, Cen Land đang tiết giảm đầu tư vào dự án mới, thu hẹp mạng lưới bán hàng để tìm hướng đi mới trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn.
‘Ông trùm’ môi giới bất động sản tham vọng đưa số lượng lớn người lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản.
Vốn là những gương mặt quen thuộc trong lĩnh vực môi giới bất động sản, Chủ tịch Cen Land Nguyễn Trung Vũ và Phó chủ tịch Phạm Thanh Hưng cùng xuất hiện trong khán phòng chật kín người ở một khách sạn 5 sao tại Hà Nội hồi đầu tuần. Nhưng cặp bài trùng này không đến để chào bán bất động sản mà trình làng mảng dịch vụ cung ứng nhân lực cho thị trường Nhật Bản.
Điều gì khiến ‘ông trùm’ môi giới bất động sản tấn công vào lĩnh vực kinh doanh vừa mới, vừa tưởng chừng như không liên quan gì đến bất động sản? Ông Vũ trả lời một cách dí dỏm: "Việt Nam có hai nguồn tài nguyên rất lớn là đất và người, Cen Land đã làm tốt mảng kinh doanh liên quan đến đất và giờ là thời điểm để khai thác hiệu quả nguồn lực con người."
Cùng nhau khởi nghiệp nghề môi giới bất động sản, ông Vũ và ông Hưng đã gây dựng Cen Land trở thành ‘ông trùm’ trong mảng kinh doanh này, với doanh thu năm 2021 lên tới 5.600 tỷ đồng. Năm tiếp theo doanh thu giảm mạnh do thị trường bất động sản khó khăn, nhưng vẫn đạt 3.600 tỷ đồng, con số ‘đáng mơ ước’ với nhiều công ty môi giới.
Nhưng hai năm trở lại đây, cũng như nhiều công ty môi giới bất động sản khác, kinh doanh Cen Land đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản khiến không có nhiều nguồn hàng mới chào bán. Doanh thu từ môi giới cũng như đầu tư thứ cấp vì thế sụt giảm chỉ còn 1.060 tỷ đồng vào năm ngoái.
Nhưng liệu đây có phải là lý do Cen Land bỏ mảng môi giới bất động sản để chuyển sang môi giới xuất khẩu lao động? Ông Vũ khẳng định, môi giới bất động sản vẫn là mảng kinh doanh trụ cột, đội ngũ lãnh đạo của công ty giờ có đủ trình độ và kinh nghiệm làm tốt mảng này, nên ông cũng như ông Hưng có thời gian để tìm cơ hội kinh doanh mới nhằm tăng doanh thu.
Hai ông nhìn nhận trong bối cảnh nền tảng trực tuyến và trí tuệ nhân tạo ngày càng thống lĩnh, cơ hội việc làm của các bạn trẻ bị đe doạ. Đi nước ngoài làm việc vừa là giải pháp tạo công ăn việc làm cho các bạn trẻ, vừa mang về ngoại tệ cho đất nước.
Trước khi tung ra chương trình “Đi Nhật cùng Cen” đầu tuần này, hai ông bắt đầu ‘thử nghiệm’ đưa người lao động đi nước ngoài hơn một năm trước và Đức là thị trường đầu tiên được lựa chọn. Kỳ vọng có thể đưa một số lượng lớn người lao động đi Đức hàng năm vì nhu cầu của thị trường này rất lớn, nhưng khi bắt tay vào làm, Cen Land gặp không ít trở ngại ngoài tầm kiểm soát.
Người lao động muốn đi Đức phải học nghề và tiếng Đức tại Việt Nam, sau đó phải tiếp tục rèn thêm tay nghề ở Đức. Tuy nhiên, ông Vũ phàn nàn rằng, khâu khó nhất không phải là đào tạo nghề, mà “nút thắt” ở chỗ hiện chỉ có ba trung tâm được phép tổ chức kỳ thi tiếng Đức ở Việt Nam, người lao động phải “đợi dài cổ” mới đến kỳ thi nên số lượng người lao động đủ tiêu chuẩn đi Đức không nhiều.
Trong khi đó, ở Nhật Bản, mọi việc dễ dàng hơn nhiều. Chỉ cần biết tiếng và có kỹ năng là người lao động có thể bắt đầu làm việc ngay lập tức và nhận lương đầy đủ.
Ông Vũ cho biết, Nhật Bản đang trong tình trạng già hóa dân số và dự kiến đến năm 2050, dân số Nhật sẽ giảm xuống còn 90 triệu người, trong đó, số người trên 65 tuổi dự kiến chiếm khoảng 40% và số người dưới 15 tuổi chỉ chiếm khoảng hơn 8%.
Nhật Bản đang và sẽ thiếu lao động trầm trọng, đặc biệt là lực lượng nhân sự đã qua đào tạo và có kĩ năng tay nghề trong các ngành công nghệ thông tin, sản xuất và chăm sóc sức khỏe. Đến năm 2030, Nhật Bản dự kiến thiếu khoảng 630 nghìn lao động trong các ngành này.
Để thu hút lao động nước ngoài có chất lượng cao, Nhật Bản dự kiến sẽ kết thúc chương trình thực tập sinh vào năm 2027 và áp dụng những biện pháp cải thiện môi trường làm việc, gia tăng phúc lợi cho lao động và có chính sách mở cửa hơn với người lao động trẻ có tay nghề từ các quốc gia khác.
Một số biện pháp đã được Nhật Bản áp dụng như cho phép thực tập sinh chuyển đổi nơi làm việc trong cùng ngành, sau khoảng thời gian tối đa hai năm làm việc. Thêm vào đó, những lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn cao và được cấp thị thực loại 2 sẽ được phép cư trú lâu dài tại Nhật Bản và được phép kêu gọi gia đình sang sống cùng.
Thực tế, Nhật Bản đã là một trong những thị trường lớn nhất, chiếm hơn một nửa tỷ lệ thị trường lao động của người Việt ở nước ngoài.
Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, cho biết Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu về số lượng thực tập sinh nhập cảnh và làm việc tại Nhật Bản, với hơn 200.000 người, chiếm 1/4 tổng số lao động nước ngoài tại xứ sở mặt trời mọc.
Chính vì thế, ông Vũ cho rằng đây được xem như thời điểm thuận lợi để Cen Land gia nhập vào thị trường này, thậm chí ông kỳ vọng mảng đưa người lao động đi Nhật sẽ mang lại doanh thu rất cao cho công ty sau vài năm nữa.
Mặc dù thừa nhận là nhu cầu lao động có tay nghề ở Nhật Bản hiện nay rất cao nhưng lãnh đạo một doanh nghiệp có thâm niên đưa người lao động đi làm việc ở Nhật cho biết, tất cả các công ty trong nước kinh doanh lĩnh vực này sẽ gặp thách thức không nhỏ.
Ông nói rằng, không chỉ những công ty mới như Cen Land mà cả những công ty có nhiều kinh nghiệm phải đối mặt với một thị trường cạnh tranh khốc liệt. Chục năm trước, chỉ có khoảng 80 công ty hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi Nhật Bản nhưng hiện nay đã có gần 400 công ty tham gia.
Thách thức lớn hơn là làm sao tìm kiếm được người lao động ở Việt Nam vừa có đủ trình độ tay nghề, vừa có nhu cầu đi Nhật. Vị lãnh đạo doanh nghiệp này chỉ ra rằng, chính nhu cầu lao động có tay nghề ở Việt Nam hiện nay cũng rất cao, bởi nền kinh tế đang phát triển mạnh, dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng.
Trong khi đó, đồng Yên Nhật đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong suốt 38 năm qua và chưa có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi, dẫn đến thu nhập của người lao động nước ngoài ở Nhật giảm sút khi quy đổi ra đô la Mỹ. Do đó, nhu cầu đi lao động ở Nhật Bản cũng giảm. Thậm chí, không ít lao động Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản lựa chọn quay về quê hương khi nhu cầu lao động trong nước ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, để có thể đưa một số lượng lớn người lao động đi Nhật Bản, doanh nghiệp cần phải đào tạo tiếng Nhật cũng như tay nghề cho người lao động, tức là phải đầu tư lớn vào hệ thống trường dạy tiếng và trường dạy nghề.
Chính ông Vũ cũng thừa nhận thực trạng là nhiều công ty Việt Nam đã phải từ bỏ thị trường lớn này bởi để có thể đưa được số lượng lớn lao động đi Nhật cần phải có tiềm lực tài chính, có mạng lưới và hệ thống bài bản ở cả đầu Việt Nam và Nhật Bản. Bên cạnh đó, hiện khó tuyển được nhân sự tốt có kỹ năng và đã qua đào tạo để đưa đi Nhật.
Thách thức lớn nhưng ông Vũ lại nhìn thấy cơ hội lớn xét về tính thời điểm cũng như triết lý kinh doanh của Cen Land. Ông nhấn mạnh triết lý của Cen Land là luôn tiên phong tìm giải pháp cho thị trường và luôn nhìn thấy cơ hội trong khó khăn nên khi thấy thị trường Nhật có nhu cầu lao động rất lớn, Cen Land sẽ tham gia và làm bài bản ngay từ đầu.
Về thời điểm, ông Vũ cho biết Cen Land đã nghiên cứu, tìm hiểu và chuẩn bị từ nhiều năm trước, đã xây dựng mạng lưới và có mối quan hệ với nhiều đối tác tại Nhật, Chính phủ Nhật đang tạo điều kiện cho lao động nước ngaoif tốt hơn các giai đoạn trước.
Trong khi đó, Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, lực lượng lao động trẻ dồi dào nên ông Vũ quả quyết “hiện tại là thời điểm chín muồi để Cen Land triển khai và chính thức bước vào thị trường Nhật”.
Ông Vũ nói rằng, thay vì chỉ có một số lượng nhỏ các bạn trẻ đi du học và thường là nhà có điều kiện, chương trình “Đi Nhật cùng Cen” sẽ mang lại cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài rộng mở hơn, nhiều người được đi hơn với chi phí hợp lý hơn và các bạn trẻ sẽ được định hướng và phát triển công việc tốt hơn.
Cen Land sẽ tập trung vào một số nghành nghề Nhật Bản đang khát nhân lực nhất là logistics, nhà hàng, khách sạn, sửa chữa, cơ khí và điều dưỡng.
Là một “tân binh” trong mảng dịch vụ này, nhưng ông Vũ lại tự tin về những lợi thế của “người đi sau”. Cen Land sẽ không đơn thuần làm thực tập sinh mà tập trung làm mảng nhân sự có kĩ năng và tay nghề. Ở đầu Việt Nam, công ty đã ký kết với các trường dạy tiếng Nhật và trường nghề để dạy tiếng và dạy nghề trước khi sang Nhật, đồng thời hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp phù hợp.
Công ty con của Cen Land là Cen Academy đã ký kết thỏa thuận hợp tác với đối tác là các công ty phái cử, các công ty dịch vụ hỗ trợ chăm sóc học viên và các nhà tuyển dụng Nhật Bản như Công ty CP CCS Gia Huy, Công ty CP Cung ứng nhân lực Hà Thành, Công ty CP Tập đoàn VXT; Trường đào tạo tiếng Nhật GAG; Trường đào tạo tiếng Nhật ZERO; Công ty Cổ phần Camon Group; Công ty TNHH Aquafarm Kurume và Công ty Career Integration.
Ở đầu Nhật Bản, Cen Land thành lập công ty Cen Japan theo mô hình outsoucing, tức là quản lý, môi giới và cho thuê nhân sự. Có một số ngành nghề nhân sự có thể ngồi ở Việt Nam nhưng làm cho Nhật. Người lao động ký hợp đồng trực tiếp với Cen Japan và công ty có trách nhiệm tìm việc, đảm bảo quyền lợi cho nhân sự khi làm việc ở các công ty Nhật Bản.
Cen Land hiện đang triển khai việc tích hợp các giải pháp công nghệ vào quy trình tuyển dụng trực tuyến kết hợp với trí tuệ nhân tạo, tiếp cận đến người lao động có nhu cầu một cách hiệu quả hơn. Điều này giúp người lao động ký kết hợp đồng trực tiếp và giảm bớt các chi phí qua các bước trung gian, từ đó hỗ trợ cho nhiều nhân sự trẻ có cơ hội được rèn luyện và làm việc tại Nhật Bản với chi phí phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, Cen Land có hệ thống để hỗ trợ các nhân sự tại Nhật Bản như tìm việc, thuê nhà và hoàn thiện các thủ tục.
Ông Trần Văn Hùng, Phó chủ tịch Cen Land cho biết thêm, ở Nhật Bản và một số quốc gia phát triển khác hiện có rất nhiều ngôi nhà bỏ hoang hoặc được rao bán với giá chỉ biểu tượng. Cen Land có thể thuê lại các căn nhà này từ các đối tác ở những quốc gia này để tổ chức hoạt động kinh doanh, khai thác làm chỗ ăn ngủ cho các học viên.
Kế hoạch của Cen Land dường như đã tạo ra sức hút ban đầu khi buổi lễ ra mắt chương trình “Đi Nhật cùng Cen” tổ chức đầu tuần này thu hút rất đông các bạn trẻ tham gia. Mặc dù vậy, ông Vũ khẳng định rằng, không thể vội vàng mà nhân sự cần được đào tạo nghề và đào tạo tiếng tốt thì Cen Land mới đưa đi.
Từ chỗ chủ yếu đầu tư thứ cấp và phân phối bất động sản, Cen Land đang tiết giảm đầu tư vào dự án mới, thu hẹp mạng lưới bán hàng để tìm hướng đi mới trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn.
Cen Land ngày 22/8 đã chính thức ký kết hợp tác đầu tư Phố Xanh nhằm mở rộng hệ sinh thái dịch vụ bất động sản. Theo đó, Phố Xanh – đơn vị hàng đầu về giao dịch nhà phố tại Hà Nội sẽ là đơn vị thành viên của Cen Land trong lĩnh vực phân phối và phát triển bất động sản thổ cư.
Lễ ký kết đối tác phân phối chiến lược dự án Fiato City đã diễn ra long trọng vào ngày 9/11 tại Sales Gallery Fiato City (Tôn Đức Thắng, thị trấn Hiệp Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai), với sự tham gia của ban lãnh đạo Thang Long Real Group và Cen Land.
Ghi dấu tuổi 20, Cen Group vừa tổ chức Đại lễ hội “Hiện thực hóa triệu ước mơ” vào ngày 29/10/2022 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Tại sự kiện, Cen Group đã công bố thay đổi định vị thương hiệu gồm logo và slogan với sứ mệnh “Realizing your dreams - Hiện thực hóa ước mơ của bạn”.
“Văn hóa số là cách doanh nghiệp biến công nghệ thành một người bạn đồng hành, chứ không phải kẻ kiểm soát”
Bà Lê Thị Huệ, người có liên quan đến Chủ tịch HĐQT VIB, đã bán hơn 2,6 triệu cổ phiếu VIB này mà không thông báo theo quy định.
Bên cạnh những “ngôi sao sáng”, ngành thép vẫn ghi nhận nhiều mảng tối trong kỳ kinh doanh quý III vừa qua.
Sản lượng ngành sản xuất được kỳ vọng sẽ tăng trở lại nhờ hy vọng về điều kiện thị trường ổn định.
Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về phương châm làm việc của Quốc hội với 4 dự án sửa luật nói trên.
Toàn bộ mạng bay nội địa và đường bay quốc tế được mở lại, hiệu quả đường bay mới và cao điểm hè giúp Vietnam Airlines đạt kết quả kinh doanh tích cực.
Trong ngày đầu mở cửa, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã thu hút hàng ngàn khách tới tham quan và tương tác.