Cuộc đua xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

Việt Hưng - 14:20, 07/03/2023

TheLEADERTrong bức tranh thị trường toàn cầu, Việt Nam mới chỉ có khoảng 30 trung tâm dữ liệu, chiếm chưa được 1% số lượng trên toàn cầu. Điều đó cho thấy thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam còn rất nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển.

Theo Savills, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đạt 858 triệu USD vào năm 2020, trong khi năm 2019 đạt mức 728 triệu USD. Thị trường này cũng đồng thời được dự báo có tốc độ tăng trưởng đạt gần 15%/năm cho đến năm 2026.

Hiện tại, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có 3 tổ hợp các trung tâm lưu trữ dữ liệu hàng đầu là HongKong, Singapore và Nhật Bản.

Để trở thành trung tâm số của khu vực, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với một số quốc gia như Thái Lan, Malaysia. Để đạt được mục tiêu, Việt Nam cần phải hoàn thiện và nâng cao hơn nữa hạ tầng Internet, hạ tầng số.

Được biết, năm 2023 được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn là năm dữ liệu. Và tại một sự kiện gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trung tâm dữ liệu. Bên cạnh đó ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt sử dụng các trung tâm dữ liệu do doanh nghiệp nội đầu tư.

Còn tại diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC cho rằng: "Kinh tế số thế giới có quy mô lớn, nhưng mới chỉ ở mức tiềm năng và đây là cơ hội của Việt Nam".

Cuộc đua xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam
Cuộc đua xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

Theo đại diện Cục An toàn Thông tin, phát triển hạ tầng số với trọng tâm là phát triển hạ tầng truyền thông băng rộng, phát triển các nền tảng, hạ tầng đám mây đã được chính phủ đặt ra trong nhiều chương trình, đề án chiến lược, điển hình như Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm giai đoạn 2021-2030.

Một trong những đột phá chiến lược đã được đặt ra về hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ hiện đại, với trọng tâm phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương, kết nối đồng bộ, thống nhất của tạo nền tảng để phát triển kinh tế số và xã hội số.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật Viettel IDC chia sẻ, trên thế giới đã có trên 8.100 trung tâm dữ liệu, trong đó Mỹ đang dẫn đầu với trên 30% thị phần.

Trong bức tranh thị trường toàn cầu, Việt Nam mới chỉ có khoảng 30 trung tâm dữ liệu, chiếm chưa được 1% số lượng trên toàn cầu. Điều đó cho thấy thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam còn rất nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển. 

Cuối năm ngoái, VNG đưa vào khai thác trung tâm dữ liệu thứ 2 tại Tân Thuận có quy mô 7.800 m2, diện tích sàn sử dụng 12.400 m2. VNG Data Center sẽ cung cấp 410 tủ rack (tủ lắp đặt server), sau đó sẽ mở rộng lên đến 1.600 tủ rack.

Cuộc đua xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam 1
Việt Nam mới chỉ có khoảng 30 trung tâm dữ liệu, chiếm chưa được 1% số lượng trên toàn cầu

Trước đó, tháng 10/2022, Viettel cũng ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud có hạ tầng Data Center nhiều nhất Việt Nam với 13 trung tâm, quy mô hơn 9.000 tủ rack, trên 60.000 m2 mặt sàn. Viettel cho biết, sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng vào Viettel Cloud để mở rộng quy mô lên 17.000 tủ rack vào năm 2025.

Vào tháng 8/2022, cũng tại Tân Thuận, Tập đoàn CMC đã khai trương Data Center Tân Thuận, có diện tích sàn sử dụng 12.000 m2 và xấp xỉ 3.000 m2 không gian dành cho thiết bị công nghệ thông tin với quy mô 1.200 tủ rack, có tổng công suất thiết kế lớn tới 12.000 kW và hỗ trợ tới 3 triệu vCPU.

Bên cạnh đó, các ông lớn công nghệ tại Việt Nam như VNPT đang sở hữu 8 trung tâm dữ liệu đặt tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… đạt chuẩn phòng máy chủ Tier 3. 

Hay như FPT đang có 3 trung tâm dữ liệu lớn và sắp đưa vào vận hành trung tâm dữ liệu 20.000 m2, cung cấp 3.600 tủ rack tại TP. HCM. Còn MobiFone dự kiến sẽ xây trung tâm dữ liệu tại Hòa Lạc…

Như vậy, đến hết năm 2022, Việt Nam đã có khoảng 30 trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, đi vào hoạt động với doanh thu gần 5.000 tỷ đồng/năm.