Đằng sau sự lung lay trong dự án tiền ảo Libra của Facebook

Hoàng Hải - 11:46, 25/10/2019

TheLEADERDự án tiền ảo Libra của Facebook có thể không được chấp thuận nhưng là đòn bẩy cho cơ hội của những loại tiền kỹ thuật số khác trên toàn cầu trong tương lai.

Kể từ khi tuyên bố về kế hoạch đồng tiền ảo Libra vào giữa năm nay, Facebook đã vấp phải không ít rào cản pháp lý cũng như sự ra đi của các đối tác.

Tuy nhiên, bà Beatrice Weder di Mauro, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế (CEPR) cho rằng, điều mà Libra đạt được có thể không phải là sự cho phép mà tạo ra sự rung chuyển đối với cộng đồng ngân hàng trung ương bởi một loại tiền kỹ thuật số toàn cầu được đứng sau bởi tư nhân bỗng hiện hữu một cách rõ ràng.

Sự bất ngờ đó cũng có thể là lý do khiến Libra không thể xảy ra khi các nhà quản lý dường như sẽ không cho phép, theo CNBC. Sự đe dọa của đồng Libra đến các ngân hàng trung ương nằm ở tính quốc tế và được hỗ trợ bởi mạng lưới rộng khắp trên toàn thế giới, có khả năng phát tán một cách rất nhanh.

"Xác suất của một thứ tương tự Libra xảy ra, từ khu vực tư nhân hay từ các ngân hàng trung ương kết hợp với nhau, từ nay sẽ cao hơn", bà đánh giá. Điều này có thể tạo ra một bước tiến trong cách thức hoạt động của hệ thống tiền tệ quốc tế hiện tại.

Đằng sau sự lung lay trong dự án tiền ảo Libra của Facebook
Nhiều thành viên trong Hiệp hội Libra đã "dứt áo ra đi". Ảnh: CNN

Ngày 23 vừa qua theo giờ Mỹ, nhà sáng lập và CEO Facebook Mark Zuckerberg đã có phiên điều trần thứ 2 kéo dài 6 tiếng trước Quốc hội Mỹ.

Phiên điều trần đầu tiên diễn ra vào tháng 4 năm ngoái và kéo dài đến 10 tiếng vì những bê bối liên quan đến vụ rò rỉ thông tin người dùng Cambridge Analytica.

Thông tin từ Reuters cho biết, nhiều nghị sỹ của cả hai đảng đã chỉ trích Facebook liên quan đến tình trạng vi phạm quyền riêng tư người dùng cũng như các thông tin sai lệch về chính trị được lan truyền trên mạng xã hội này.

Thậm chí, Facebook không còn được tin tưởng sẽ đóng góp vào việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho 2,4 tỷ người dùng vì bê bối trong quá khứ. Không ít nhà lập pháp cũng lo ngại vấn đề hỗ trợ rửa tiền và tài trợ cho khủng bố trong dự án Libra.

Vị CEO thừa nhận kế hoạch Libra là một dự án rủi ro nhưng cho rằng kế hoạch này có thể giúp giảm chi phí thanh toán điện tử và mở ra hệ thống tài chính toàn cầu cho nhiều người hơn.

Ông cũng khẳng định sẽ chấp thuận theo các quy định của chính phủ Mỹ trước khi ra mắt đồng tiền ảo này.

Libra là đồng tiền ảo do Facebook khởi xướng và công bố lần đầu tiên vào tháng 6 vừa qua, hợp tác cùng 27 đối tác khác và dự kiến sẽ phát hành vào đầu năm sau. Tuy nhiên, ngay cả những thành viên trong Hiệp hội Libra cũng dần quay lưng với dự án này.

Đầu tháng 10, Paypal nổ phát súng đầu tiên cho cuộc "đào ngũ" khỏi dự án Libra. Chỉ một tuần sau, một loạt công ty khác nối bước Paypal, bao gồm Visa, Mastercard, Stripe, Ebay, Mercado Pago và mới nhất là Booking Holding.

Mọi thứ đều diễn ra chóng vánh trước cột mốc 14/10 - thời điểm các thành viên họp và ký kết thỏa thuận cụ thể, mang tính ràng buộc về trách nhiệm với đồng tiền mật mã này.