'Đến năm 2020, dự kiến doanh thu từ thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 10 tỷ USD'

An Nhiên - 17:48, 13/09/2018

TheLEADERBộ trưởng Trần Tuấn Anh tin rằng đến năm 2020 dự kiến doanh thu từ thương mại điện tử sẽ đạt 10 tỷ USD và chiếm 5% tổng doanh thu thương mại nội địa.

'Đến năm 2020, dự kiến doanh thu từ thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 10 tỷ USD'
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Theo nghiên cứu của Google-Temasek mới đây, nền kinh tế trực tuyến Đông Nam Á sẽ có giá trị lên đến hơn 200 tỷ USD vào năm 2025. Thương mại điện tử sẽ là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất. Điều này đến từ sự tương tác trực tuyến của người dân ở khu vực này với mức trung bình 3,6 giờ mỗi ngày dành để sử dụng internet trên điện thoại, nhiều hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới.

Do đó, tiềm năng của khu vực ASEAN là rất lớn, bởi hiện nay nền kinh tế số mới chỉ chiếm tỷ trọng 7% GDP, so với mức 16% ở Trung Quốc, 27% ở châu Âu và 35% ở Mỹ.

Tại Việt Nam, mặc dù thương mại điện tử đang có mức tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với sự tụt hậu về công nghệ. Cùng với những thay đổi rất lớn từ công nghiệp 4.0 đã đạt được, thì Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đối với thị trường lao động.

Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) diễn ra sáng nay (13/9), phiên thảo luận chủ đề ‘Thị trường số, Cơ hội toàn cầu’, đã có sự tham gia thảo luận của Bộ Trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Theo Bộ trưởng, đối với Việt Nam, công nghiệp 4.0 trong đó có các nội dung của kinh tế số có những tác động rất sâu sắc đến Việt Nam, tác động trực tiếp đến hiệu quả phát triển và cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Cùng với việc đón bắt những xu thế phát triển và thay đổi của thế giới, trong đó có công nghiệp 4.0 và đặc biệt là kinh tế số thì việc đảm bảo thị trường lao động truyền thống cũng là 1 bài toán cho Chính phủ để đảm bảo sự ổn định chung.

Bộ trưởng lấy ví dụ đơn cử theo đánh giá của Bộ Công thương, các doanh nghiệp Việt trong 2 ngành cơ bản là dệt may và da giày thì từ nay đến năm 2020 công nghiệp 4.0 với những nội dung về tự động hóa có thể làm mất đi 86% công ăn việc làm của dệt may và 74% của da giày, 2 ngành thâm dụng lao động rất lớn của Việt Nam và đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng chung của Việt Nam.

Còn về tiềm năng, cơ hội của kinh tế số, từ thương mại điện tử cho đến các nội hàm khác quan trọng trong cả công nghiệp, nông nghiệp và nhất là dịch vụ lại đang đặt cho Việt Nam những cơ hội rất lớn. Bài toán hiện nay cho Việt Nam là phải cân bằng và dung hòa giữa các câu chuyện về chiến lược phát triển, trong đó bao gồm cả giải pháp về cơ sở hạ tầng, khuôn khổ pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực và đặc biệt là tạo ra các nhận thức, hiểu biết chung của doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, vì ở Việt Nam có tới 97% doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bộ phận này sẽ có những khó khăn trong việc tiếp cận các nền tảng mới của công nghiệp 4.0 cũng như nền kinh tế số.

Khảo sát mới của Bộ Công thương thực hiện cuối năm 2017 có tới 82% doanh nghiệp Việt đang ở vòng ngoài của luồng công nghiệp 4.0, và chỉ 21% trong đó có những bước đi cụ thể ban đầu. Điều đó cho thấy thách thức lớn nhất đối với Chính phủ là tăng cường nhận thức của các doanh nghiệp và người dân. Kinh tế số đem đến cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi những chuyển đổi lớn trong cơ cấu kinh tế.

Bộ trưởng chia sẻ Chính phủ Việt Nam có 3 nội dung ưu tiên cơ bản. Thứ nhất là có một chiến lược tiếp cận tổng thể để có thể phát triển toàn diện, tiếp cận với công nghiệp 4.0 và những nội hàm lớn của kinh tế số; hai là bằng những kế hoạch cụ thể tạo ra quan điểm nhận thức của Chính phủ, các cơ quan xây dựng chính sách và sau đó là cộng đồng doanh nghiệp và người dân, ba là đào tạo nguồn nhân lực có đủ điều kiện để tiếp cận các nội hàm đó.

Điều quan trọng là phải làm sao có môi trường sinh thái cho kinh tế số, thương mại điện tử phát triển, đặc biệt là môi trường khởi nghiệp nhất là liên quan đến trình độ nhận thức của doanh nghiệp và người dân. 

Đặc biệt cần tập trung vào yếu tố con người. Đó sẽ là công cụ và giải pháp cho những nước còn chậm phát triển và có điều kiện không thuận lợi như Việt Nam và các nước ASEAN, để chúng ta có thể bắt kịp với xu thế phát triển chung của toàn cầu.

Ngoài ra, Bộ trưởng khẳng định vai trò của Chính phủ rất quan trọng để tạo ra sự nhận thức chung về phát triển kinh tế số. Ở Việt Nam, những động thái mới đây cho thấy 1 minh họa rất ấn tượng là thành lập ủy ban về xây dựng chính phủ điện tử. Thủ tướng là chủ tịch và tất cả bộ trưởng đều là thành viên. Trong năm 2019 sẽ xây dựng Chính phủ điện tử để tất cả các hoạt động điều hành của Chính phủ và hoạt động hành chính công đều được thực hiện trực tuyến trên mạng.

Tại Bộ Công thương, cũng đã đảm bảo gần 60% các dịch vụ hành chính công trực tuyến ở cấp độ 3 và 4, tức là người dân và doanh nghiệp không cần thiết phải đến gặp các công chức của bộ máy quản lý nhà nước làm thủ tục hành chính.

Nếu tỷ lệ tăng lên 100% thì không những đảm bảo được hiệu quả của chính phủ điện tử tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận dịch vụ hành chính công mà còn có thể góp phần giảm bớt thanh toán bằng tiền mặt, nguy cơ tham nhũng, đảm bảo môi trường công bằng minh bạch công khai và đặc biệt là kết nối được quá trình hội nhập của Việt Nam với ASEAN và thế giới.

Ngoài ra, hạ tầng về viễn thông tại Việt Nam đã đảm bảo phủ kín 99% diện tích. Trong năm 2017 -2018, tốc độ tăng trưởng người sử dụng internet đã tăng tới 20%/năm. Hiện nay, số người dân Việt Nam sử dụng internet đã đạt 70% tổng dân số và con số sẽ không dừng ở đó. Đây là nền tảng quan trọng để người dân Việt Nam tiếp cận và phát triển nền kinh tế số.

Thêm nữa, Bộ trưởng đề cao sự kết nối và hội nhập trong khu vực cũng như trên thế giới để đạt được chuẩn mực chung và sự chuẩn hóa về nền tảng số. 

Để phát triển Kinh tế số, Bộ trưởng đề xuất các nhà hoạch định chính sách ASEAN cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số không những ở cấp quốc gia, mà còn chung cho toàn khu vực ASEAN. Trong đó, cần chú trọng những vấn đề như đẩy mạnh an ninh mạng và luồng dữ liệu xuyên biên giới, tạo điều kiện sự phát triển của thương mại điện tử và tài chính di động, tăng cường tiếp cận số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số.

Qua báo cáo gần đây nhất của Tổ chức thương mại thế giới, thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đứng thức 73 trong tổng số 140 nước được xếp hạng. Như vậy, trình độ phát triển, quy mô của thương mại điện tử tại Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng. Do hiện nay, quy mô tăng trưởng tại lĩnh vực này đạt hơn 23%/năm, Việt Nam đang là 1 thị trường còn rất tiềm năng về thương mại điện tử trong khu vực. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tin rằng đến năm 2020 dự kiến doanh thu từ thương mại điện tử sẽ đạt 10 tỷ USD và chiếm 5% tổng doanh thu thương mại nội địa. Với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam sẽ tạo nên cú huých và thúc đẩy về thương mại điện tử.