Dịch vụ cầm đồ: Từ bóng tối bước ra ánh sáng

Việt Hưng - 13:35, 09/03/2023

TheLEADERNhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, luôn tồn tại một phân khúc khách hàng dưới chuẩn ngân hàng cần được phục vụ nhu cầu về tài chính, trong đó có dịch vụ cầm đồ.

Tại Việt Nam, "tín dụng đen", "lãi suất cắt cổ", "đòi nợ kiểu xã hội đen" vốn được xem là những định kiến với ngành cầm đồ. Thậm chí, nhắc đến lĩnh vực cầm đồ, ấn tượng của đa phần người dân là một lĩnh vực nhạy cảm, đi liền với tiếng xấu.

Thế nhưng, hoạt động kinh doanh cầm đồ lại được xem là hình thức cho vay tài chính sớm nhất. Ngày nay, hoạt động này đã phổ biến toàn cầu và được xếp vào loại hình dịch vụ tài chính vi mô. 

Ưu điểm của hình thức cầm đồ là thủ tục nhanh chóng, tài sản cầm cố đa dạng, số tiền vay được tuỳ thuộc giá trị tài sản. So với việc vay từ ngân hàng, nơi mà khách hàng sẽ mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục, quy trình thẩm định mà chưa chắc đã đủ điều kiện vay, thì vay từ các cửa hiệu cầm đồ là dễ dàng hơn.

Cầm đồ phát triển mạnh tại châu Á và Hoa Kỳ và được đón nhận một cách cởi mở. Số lượng các cửa hàng, doanh nghiệp hoạt động chứng tỏ quy mô và sức phát triển của thị trường.

Về tốc độ phát triển của thị trường, theo Coherent Market Insights, ước tính, thị trường Mỹ sẽ đạt trị giá 4,12 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 6,8%. Số người làm việc trong ngành cầm đồ ở đây lên đến trên 70.000 người, theo một công bố trên ibisworld.

Xã hội văn minh nào cũng cần dịch vụ cầm đồ
Một cửa hàng cầm đồ thuộc chuỗi FirstCash tại Mỹ

Các chuỗi cầm đồ lớn như FirstCash, Big Pawn, EZCorp, PAWNGO, UltraPawn... đều có nhiều triệu khách hàng thường xuyên, một phần là bởi các cửa hiệu cầm đồ tại Mỹ thường gắn kèm với việc mua bán đồ cũ, phát mãi tài sản.

Tại Ấn Độ, theo ông Gnanasekar Thiagarajan, Giám đốc Commtrendz Risk Management Services, một công ty tư vấn độc lập có trụ sở tại Mumbai, các cửa hiệu cầm đồ dường như xuất hiện tại cuối mỗi con phố.

Ở Thái Lan, chỉ riêng ba ông lớn trong ngành này là Ngern Tid Lor, Srisawad và Muang Thai Capital (MTC) cũng đã có gần 10.000 phòng giao dịch, trong đó Ngern Tid Lor có hơn 1.000; Srisawad hơn 4.900 và Muang Thai Capital là khoảng 6.000.

Năm 2021, tổng doanh thu của Muang Thai Capital là hơn 16 tỷ baht, lợi nhuận đạt gần 5 tỷ baht, Srisawad là gần 11 tỷ baht với lợi nhuận ròng tăng 4,5 tỷ baht; Ngern Tid Lor là hơn 12 tỷ baht, lợi nhuận ròng tăng khoảng 29%.

Theo một số chuyên gia, các cửa hàng cầm đồ có xu hướng phát triển thành cửa hàng tài chính tiện ích, tích hợp các dịch vụ như thu hộ chi hộ, thanh toán hoá đơn, nạp rút chuyển nhận tiền... Nguyên nhân là bởi có nhiều người chưa tiếp cận các dịch vụ tài chính trong khi nhu cầu thì hiện hữu và ngày càng lớn.

Điển hình cho sự chuyển hướng đó là Ngern Tid Lor (NTL) của Thái Lan. Công ty này lên sàn vào tháng 5/2021 với giá trị vốn hoá gần 2,4 tỷ USD. Trước khi trở thành cửa hàng tài chính tiện ích, NTL là chuỗi cửa hàng cầm đồ, cho vay bằng đăng ký xe máy, ôtô.

Xã hội văn minh nào cũng cần dịch vụ cầm đồ 2
Hiện Việt Nam có gần 30.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên toàn quốc

Tại Việt Nam, ngành dịch vụ cầm đồ mới nổi lên trong vài năm trở lại đây, mà F88 là cái tên tiêu biểu. Một loạt công ty khác đang xây dựng và phát triển nhằm chiếm thị phần trong thị trường tỷ đô này như Tiện Ngay, T99, Người Bạn Vàng, Vietmoney hay Camdonhanh.vn.

Vẫn còn một tỷ lệ lớn dân cứ trong khoảng 100 triệu người dân Việt Nam chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng và nhu cầu tài chính ngắn hạn của người dân thuộc tầng lớp lao động được xem là sức hút cho các nhà đầu tư vào thị trường này.

Mekong Capital đã rót vốn vào F88 từ rất sớm, trong khi nhà Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) là cổ đông đứng sau hệ thống cầm đồ Người Bạn Vàng, còn quỹ đầu tư Probus Opportunities đầu tư vào Vietmoney hay John Galt Ventrues đầu tư vào Camdonhanh.vn

Thực tế, thị trường dịch vụ cầm đồ đang nằm trong tay các cửa hàng cầm đồ truyền thống, với ước tính khoảng 30.000 cửa hàng trên cả nước. Đối tượng khách hàng là hàng chục triệu lao động ở khu vực phi chính thức, lao động tự do, thường xuyên đối diện với khó khăn do thiếu vốn.

Đây được xem là phân khúc khách hàng dưới chuẩn ngân hàng, luôn tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào, ngay cả các nước phát triển. Các công ty dịch vụ cầm đồ có thể đáp ứng một phần nhu cầu về tài chính của nhóm khách hàng này.

Dù thị trường đầy tiềm năng, nhưng để trở thành các công ty tỷ đô niêm yết trên thị trường chứng khoán như các công ty cầm đồ tại Thái Lan, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ tại Việt Nam còn một chặng đường dài phía trước để "educate" thị trường và xóa bỏ định kiến chưa đúng về lĩnh vực kinh doanh này.