Doanh nghiệp xây dựng, hạ tầng đón chờ sóng đầu tư công

Trần Anh - 14:50, 16/03/2022

TheLEADERViệc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2022 sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành xây dựng hạ tầng năm nay. Các nhà thầu đã chứng minh được năng lực thi công và đang thực hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm sẽ đươc hưởng lợi chính từ làn sóng này.

Kể từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã liên tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư công. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, về đầu tư công, vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước trong tháng 2/2022 đạt 20.517 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 20% so với tháng liền kề trước đó. Như vậy, sau 2 tháng, tổng lượng giải ngân vốn đầu tư công đạt 46.320 tỷ đồng, hoàn thành xấp xỉ 9% kế hoạch cả năm.

Trong tháng 3 này, lượng giải ngân vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước dự kiến sẽ tăng mạnh, khi tháng 2 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên Đán, lượng giải ngân có phần chậm lại so với tháng 1. Thêm vào đó, chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ, với gói chi bổ sung 113,5 nghìn tỷ vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng, cũng sẽ tạo động lực kích thích đầu tư công tăng trưởng mạnh.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, trong thời gian 3-5 năm tới, đầu tư công là lĩnh vực được dành sự quan tâm đặc biệt và được Chính phủ tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Đáng chú ý đối với riêng dự án trọng điểm quốc gia, 12 dự án cao tốc Bắc – Nam được phê duyệt đầu tư theo vốn nhà nước, những doanh nghiệp xây dựng, xây lắp, hạ tầng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trong làn sóng đầu tư công của Chính phủ.

Riêng trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu sẽ phải hoàn thành thêm 1.840 km đường cao tốc, và đến năm 2030 sẽ có thêm 3.840 km đường cao tốc. Bên cạnh đó rất nhiều dự án lớn khác được chuẩn bị đầu tư như các tuyến đường vành đai Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tuyến đường ven biển, các dự án kết nối liên vùng ở các địa phương.

Cụ thể, những dự án này đặt ra nhu cầu vốn lên đến 950 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2025 Quốc hội đã bố trí 300 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách để đầu tư công và góp vốn tham gia dự án PPP. Phần còn lại sẽ cần huy động xã hội hóa từ các nhà đầu tư. Đây chính là cơ hội rất lớn, cho tất cả các nhà đầu tư PPP và các nhà thầu thi công xây lắp. 

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng nhóm doanh nghiệp này có khả năng hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công của Chính phủ, hoặc gián tiếp từ tác động lan tỏa của chính sách này. Có thể kể tới những cái tên như nhóm xây dựng dân dụng (Coteccons, Hòa Bình, Vinaconex); nhóm công nghiệp, hạ tầng như Licogi 16, Đèo Cả, Fecon,…

Tương tự, Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2022 sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành xây dựng hạ tầng năm nay. Các nhà thầu đã chứng minh được năng lực thi công và đang thực hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm sẽ đươc hưởng lợi chính từ làn sóng này.

Bên cạnh đó, việc nhóm doanh nghiệp này đã vượt qua được những điều kiện đấu thầu khắt khe trước đây sẽ có tạo thêm ưu thế cho họ có thể tiếp tục tham gia các dự án hạ tầng lớn tiếp theo trong giai đoạn 2021-25.

Chương trình hồi phục kinh tế giai đoạn 2022−2023 với gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến chi đầu tư phát triển hạ tầng chiếm khoảng 32% tổng giá trị gói hỗ trợ. Chính phủ đã và đang thúc đẩy giải ngân đầu tư công; gần đây nhất, Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 được ban hành nhằm triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021−2025, đảm bảo khởi công trước 31/12; triển khai thi công đồng loạt trước 31/3/2023.