Doanh nghiệp
Dòng tiền của ACV ước giảm gần 25.000 tỷ đồng vì Covid-19
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không, các hãng hàng không và công ty dịch vụ trong ngành thua lỗ lớn riêng ACV vẫn có lãi nghìn tỷ.
Tại cuộc họp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch năm 2020.
Theo đó, ACV cho biết dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của đơn vị. Sản lượng vận chuyển hành khách qua các cảng hàng không giảm 51 triệu khách, giảm 44% so với dự kiến đầu năm trước khi có dịch.
Tổng doanh thu từ dịch vụ hàng không giảm đến 11.669 tỷ đồng, tương ứng giảm 60%. Tổng lợi nhuận trước thuế cũng giảm đến 9.497 tỷ đồng tương ứng giảm đến 80% so với dự kiến đầu năm trước khi có dịch. Ước tính cả năm 2020 đạt 10.070 tỷ đồng doanh thu và 2.374 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Trong kế hoạch kinh doanh hợp nhất được ACV thông qua tại kỳ họp Đại hội cổ đông thường niên 2020, công ty đặt kế hoạch doanh thu 11.317 tỷ đồng và lãi trước thuế 2.007 tỷ đồng. Nửa đầu năm, doanh nghiệp thực hiện 4.639 tỷ đồng doanh thu, đạt 48,3% kế hoạch và 1.516 tỷ đồng lãi trước thuế, đạt 75% kế hoạch năm.
Về tác động của dịch Covid-19 đến thu nhập, tiền lương, ACV có gần 10.000 người lao động làm việc tại 21 Cảng hàng không. Trong thời gian cách ly từ ngày 1 đến 22/4/2020 và thời gian dịch bệnh tái phát lần 2, ACV chỉ bố trí lực lượng trực với cơ số tối thiểu, còn lại tạm nghỉ.
Trong giai đoạn phục hồi của hoạt động hàng không, người lao động làm việc luân phiên khoảng 50%. Để đảm bảo kết quả kinh doanh, bảo toàn phát triển vốn, ACV đã thực hiện các giải pháp tiết giảm các chi phí, trong đó giảm quỹ lương từ 15 - 45%. Tuy nhiên, ACV chưa thực hiện các giải pháp cắt giảm lao động.
Doanh nghiệp cho biết đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mạnh mẽ về quy mô, cấu trúc, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không. Dự kiến thời gian phục hồi phải mất từ 3 đến 5 năm.
ACV đưa ra dự kiến tác động đến kế hoạch kinh doanh và dòng tiền giai đoạn 2021 - 2025 như sau: Tổng hành khách đạt 597 triệu lượt, giảm 24% tương đương 184 triệu khách so với dự kiến không có dịch Covid-19; tổng doanh thu đạt 111 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 20%; tổng lợi nhuận đạt 62 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 28% so với dự kiến không có Covid-19.
Về dòng tiền tích lũy hàng năm để đầu tư đến năm 2025, ACV dự kiến giảm 24.761 tỷ đồng so với dự kiến khi không có dịch Covid-19 (là phương án trước khi có dịch Covid-19 sau khi chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt 9% mệnh giá có cổ phần).
Liên quan đến kế hoạch đầu tư, phát triển hạ tầng cảng hàng không và nhu cầu vốn đến năm 2025, hiện một số dự án đầu tư chưa cấp bách cũng đã được ACV điều chỉnh giãn tiến độ để phù hợp với nhu cầu thị trường nhưng vẫn đảm bảo đầu tư hoàn thiện 21 cảng hàng không hiện hữu. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018, ACV đã phân nhóm để ưu tiên tập trung đầu tư.
Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư hoàn thành theo quy hoạch, kế hoạch phát triển tại các cảng hàng không có hiệu quả kinh tế cao như Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, mở rộng Nhà ga T2 Nội Bài, mở rộng cải tạo Nhà ga T1 Đà Nẵng, hay các cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, quốc tế Phú Quốc, Liên Khương…
Đặc biệt, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là những cảng đã và sẽ tiếp tục mang lại nguồn thu, lợi nhuận chính cho ACV để tạo ra dòng tiền tích lũy, tiếp tục đầu tư trên toàn hệ thống cảng.
Nhóm ưu tiên thứ 2 là các cảng hàng không đang quá tải, có xu hướng quá tải và có tiềm năng phát triển du lịch gồm, Cát Bi, Vinh, Đồng Hới, Tuy Hòa, Chu Lai, Buôn Mê Thuột, Thọ Xuân, Pleiku.
Nhóm ưu tiên thứ 3 là các cảng hàng không chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và an ninh - quốc phòng như, Điện Biên, Nà Sản, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau.
Trong số các cảng hàng không thuộc nhóm 2, nhóm 3, có một số cảng mặc dù hoạt động kinh doanh không mang đến hiệu quả kinh tế trực tiếp nhưng đã góp phần tạo điểu kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác trên toàn hệ thống cảng hàng không phát triển; kết nối đồng bộ, tăng cường liên kết vùng và đem lại hiệu quả kinh tế chung cho hoạt động của ACV; góp phần đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Về kế hoạch vốn đầu tư đến năm 2025, tại 21 cảng hàng không đang hoạt động và cảng hàng không Nà Sản do ACV quản lý, tổng nhu cầu là 43.415 tỷ đồng. Riêng đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Hội đồng thẩm định Nhà nước dự kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao ACV làm chủ đầu tư giai đoạn 1, thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, không bảo lãnh Chính phủ, với nhu cầu vốn dự kiến 93.088 tỷ đồng.
Giải cứu ngành hàng không quan trọng nhất là 'nhanh và công bằng'
Gỡ vướng 34 dự án ở TP.HCM
34 dự án trên địa bàn TP.HCM đã được địa phương phối hợp với Tổ công tác của Chính phủ tháo gỡ vướng mắc.
Vì một tương lai không tiền mặt tại Việt Nam
NextPay mong muốn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thanh toán số, đồng thời thúc đẩy xu hướng không tiền mặt tại Việt Nam.
Đạm Phú Mỹ ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới PHUMY
Đạm Phú Mỹ vừa đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ bằng việc công bố bộ nhận diện thương hiệu mới mang tên PHUMY, thể hiện khát vọng phát triển bền vững.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng 8,4%
Ngành sản xuất công nghiệp tăng mạnh trở lại sau một năm khó khăn nhờ vào sự bứt phá của các ngành chế biến, chế tạo và năng lượng.
Quảng Ninh sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình
Quảng Ninh đang không chỉ chuẩn bị cho những con số tăng trưởng, mà còn hướng tới một mô hình phát triển cân bằng, bền vững và sáng tạo.
Khi những thành phố lớn đều 'tắc thở'
Không khí, thứ ta hít thở mỗi ngày, đang trở thành mối đe dọa thầm lặng, đặc biệt ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM.
Kinh tế xanh chỉ chiếm 2%
Kinh tế xanh vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp trong nền kinh tế, có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam suy giảm năng lực cạnh tranh, đánh mất đối tác, thị trường.